dd/mm/yyyy

"Vác tù và hàng tổng" để giúp nông dân làm giàu

Nhắc đến ông Trần Sỹ Hứng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, các cán bộ hội viên nông dân ai cũng tỏ lòng quý mến và kính trọng. Nhiều năm công tác trong Hội, dù ở bất kỳ cương vị nào ông luôn được đánh giá mẫu mực, hết mình vì công việc chung.

Yên Châu là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Sơn La, có 5 dân tộc anh em Kinh, Thái, Xinh mun, Mông, Khơ mú cùng sinh sống; dân tộc thiểu số chiếm trên 70% dân số toàn huyện. Dân cư sinh sống thưa thớt, trình độ nhận thức còn hạn chế nên đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, ông Hứng đã dành nhiều thời gian đi đến các bản, xã vùng sâu vùng xa gặp gỡ hội viên nông dân nắm tình hình, kết hợp tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để chính quyền địa phương xem xét, tìm cách tháo gỡ.

Chuyện về một cán bộ Hội "vác tù và hàng tổng" - Ảnh 1.

Ông Trần Sỹ Hứng luôn sát sao trong việc hướng dẫn các hội viên phát triển cây ăn quả trên đất dốc.

 Xuất thân từ nông dân, trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nên ông Hứng rất am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ông Hứng luôn tích cực đi đầu trong mọi hoạt động công tác hội và phong trào nông dân. Qua thực tế công việc, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn đánh giá cao ông khi đến với nhân dân, ông luôn là một cán bộ nhiệt huyết.

Bằng những việc làm cụ thể, ông đã cùng tập thể Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho hội viên nông dân về giống, vốn, khoa học kỹ thuật; tổ chức cho nông dân tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, để giúp đỡ nông dân đầu vào của sản xuất cũng như đầu ra cho sản phẩm, mang lại quyền lợi chính đáng cho hội viên, nông dân. Ở cương vị của mình, điều khiến ông luôn trăn trở là làm sao xây dựng được tổ chức Hội vững mạnh, thật sự là chỗ dựa tin cậy cho hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thì hội viên mới tin tưởng.

Chuyện về một cán bộ Hội "vác tù và hàng tổng" - Ảnh 2.

Ông Hứng tìm hiểu và đã đưa được các mô hình măng tây, dưa lê Kim Hồng Vương, nuôi bò sinh sản... vào sản xuất, giúp cho các hội viên phát triển kinh tế.

Sinh thời Bác Hồ từng dạy: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần lời dạy đó, những năm qua ông Trần Sỹ Hứng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu luôn cống hiến sức mình cho công tác Hội và chăm lo đời sống cho các hội viên. Với sự nhiệt huyết và tận tâm trong công việc, ông được các hội viên nông dân gọi vui là người “vác tù và hàng tổng”.

Chuyện về một cán bộ Hội "vác tù và hàng tổng" - Ảnh 3.

Để các hội viên nông dân có cơ hội vươn lên làm giàu trong nông nghiệp, ông Hứng đã tạm ứng tiền của mình trước để mua cây giống măng tây cho 18 hội viên.

Chia sẻ với PV, ông Trần Sỹ Hứng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu cho biết: “Từ khi tham gia công tác ở Hội, cá nhân tôi rất mong muốn đưa Hội nông dân ngày càng vững mạnh, là chỗ dựa vững chắc cho bà con nông dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế vươn lên làm giàu. Để làm những việc đó, những năm qua chúng tôi đã tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng với các hoạt động trên, ông Hứng còn tích tực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, cán bộ, hội viên nông dân tham gia ủng hộ xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân; thực hiện tốt quy chế quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ nông dân. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền phát triển các hình thức kinh tế hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn. Hướng dẫn, tập hợp các mô hình, hộ sản xuất, trang trại, gia trại thành lập HTX để cùng nhau phát triển sản xuất”.

Chuyện về một cán bộ Hội "vác tù và hàng tổng" - Ảnh 4.

Không chỉ nhiệt huyết trong công tác hội, ông Hứng còn trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn bà con chăm sóc cây trồng.

Cũng theo ông Trần Sỹ Hứng, để nông dân tự nguyện tham gia và gắn bó lâu dài với tổ chức Hội, đòi hỏi Hội phải đổi mới phương thức hoạt động, mang lại nhiều lợi ích thiết thực và tạo niềm tin cho nông dân. Trước tình hình đó, ngay khi nhận nhiệm vụ là Phó Chủ tịch Hội Nông dân, ông Hứng thường xuyên xuống cơ sở gặp gỡ, tìm hiểu những khó khăn của các hội viên, để đề ra các biên pháp phù hợp, giúp đỡ hội viên trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, ông còn chủ động tìm đến những mô hình kinh tế hay, hiệu quả trong và ngoài huyện để học tập, sau đó giới thiệu, động viên hội viên có nhu cầu cùng ông đi tham quan các mô hình hay để về địa phương triển khai nhân rộng. Nhờ thường xuyên vận động, tuyên truyền mà ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân đã được nâng cao, nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả dần được hình thành, như: Mô hình trồng măng tây, dưa lê, mô hình nuôi bò sinh sản...

Chuyện về một cán bộ Hội "vác tù và hàng tổng" - Ảnh 5.

Ông Hứng đang hướng dẫn bà con hội viên chăm sóc dưa lê Kim Hồng Vương tại vườn.

Trong thời gian qua, ông Hứng còn cùng với Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên nông dân; tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế...

Dù tiền lương của ông không cao, nhưng ông đã tạm ứng trước tiền của mình mua cây giống măng tây, dưa lê cho 18 hội viên ở các xã: Chiềng Đông, Chiềng Sàng, Chiềng On, Chiềng Khoi, Phiêng Khoài. Đồng thời, ông còn trực tiếp xuống tận vườn của người dân hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, lắp đặt hệ thống nước tưới cho hội viên phát triển kinh tế, tăng cao thu nhập.

Chuyện về một cán bộ Hội "vác tù và hàng tổng" - Ảnh 6.

Dưa lê Kim Hồng Vương hiện nay đang bán được giá cao. 1kg bán tại vườn dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg. Trong tương lai đây có thể là mô hình giúp nông dân thoát nghèo.

Anh Lò Văn Hồng, bản Búng Mo (xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu), cho biết: “Gia đình tôi sống dựa vào nương ngô và ruộng đồng là chủ yếu, dù chăm chỉ làm việc cũng chỉ đủ ăn, thu nhập bấp bênh. Trong qua trình đi cơ sở thấy gia đình tôi khó khăn, anh Hứng đã bỏ tiền hỗ trợ mua 50% cây giống măng tây về trồng trên diện tích đất 800m2 phát triển kinh tế. Không những hỗ trợ cây giống, anh Hứng còn trực tiếp xuống hướng dẫn chúng tôi cách chăm sóc, lắp đặt hệ thống tưới tiêu. Khi măng tây bước vào thu hoạch, anh ấy còn tìm đầu ra bao tiêu sản phẩm cho gia đình tôi. Hiện măng tây bán tại vườn có giá 60 – 100.000 đồng/kg, nên thu nhập của gia đình cũng tăng lên đáng kể”.

Chuyện về một cán bộ Hội "vác tù và hàng tổng" - Ảnh 7.

Với sự nhiệt huyết và tận tâm trong công việc, ông được các hội viên nông dân gọi vui là người “vác tù và hàng tổng”.

Ở cương vị Phó Chủ tịch Hội Nông dân, ông luôn trăn trở tìm cách để nâng cao đời sống hội viên, không để hội viên nào chịu cảnh đói nghèo. Ông Hứng cùng với các cấp hội ở cơ sở phát động hội viên, nông dân xây dựng quỹ hộ trợ nông dân. Theo đó, người có kinh nghiệm trong các mô hình sản xuất hiệu quả sẽ truyền đạt lại cho người chưa có kinh nghiệm, vận động các hội viên chung tay giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Dùng những số tiền từ quỹ giúp đỡ xây nhà tình thương, hỗ trợ phân bón, giúp đỡ các hội viên ổn định cuộc sống. Nhờ sự tiếp sức của ông, các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ; nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hà Hoàng