dd/mm/yyyy

Sản xuất lúa hữu cơ gắn với mô hình “ruộng nhà mình” đem lại hiệu quả cho nông dân vùng cao

Sản xuất lúa hữu cơ gắn với mô hình “ruộng nhà mình” trên cánh đồng Mường Tấc, huyện Phù Yên (Sơn La) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và giúp nông dân có thu nhập ổn định.

Clip: Sản xuất lúa hữu cơ gắn với mô hình “ruộng nhà mình” trên cánh đồng Mường Tấc đem lại hiệu quả cho nông dân

Sản xuất lúa hữu cơ trên cánh đồng Mường Tấc

Huyện Phù Yên (Sơn La) hiện có 2.450 ha đất trồng lúa nước 2 vụ, trong đó có hơn 1.300 ha lúa nước vùng trọng điểm lúa, 631 ha trồng lúa theo hướng hữu cơ, 130 ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ năm 2021 và năm 2023 đã được Cục Sở hữu trí tuệ quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu "gạo Phù Yên". Với tiềm năng, lợi thế, UBND huyện Phù Yên đã xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong các khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Tạo vùng sản xuất lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ tập trung đủ lớn để liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Phù Yên. Dần hình thành vùng sản xuất, an toàn nâng cao giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác. Quan trọng nhất là bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.

Sản xuất lúa hữu cơ gắn với mô hình “ruộng nhà mình” đem lại hiệu quả cao- Ảnh 1.

Cánh đồng Mường Tấc, huyện Phù Yên (Sơn La) gắn với thương hiệu "gạo Phù Yên". Ảnh: Nguyễn Vinh

Trao đổi với PV, bà Đinh Thị Thu Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Phù Yên (Sơn La), cho biết: "UBND huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn bố trí quy hoạch, lựa chọn vùng sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo liền vùng, liền khoảnh, chủ động nguồn nước tưới, thuận lợi giao thông để kiểm tra, giám sát khi thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên tổ chức khảo nghiệm, trình diễn nhiều mô hình giống lúa mới có chất lượng để tìm ra giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Đồng thời, tổ chức thử nghiệm các loại phân bón hữu cơ để đánh giá sự phù hợp với từng chất đất, từng quy trình sản xuất nhằm tìm ra phân bón hữu cơ phù hợp, hiệu quả để giảm chi phí, mang lại giá trị cao nhất cho nông dân".

 Sản xuất lúa hữu cơ gắn với mô hình "ruộng nhà mình" 

Từ việc thăm quan học tập mô hình "cây xoài nhà tui" tại tỉnh Đồng Tháp của đoàn công tác của huyện, Thường trực Huyện ủy đã có chủ trương vận dụng để triển khai mô hình "ruộng nhà mình". Sau khi UBND huyện ban hành Kế hoạch thực hiện mô hình tại xã Quang Huy, có 50 hộ của 2 bản đăng ký tham gia với tổng diện tích 8,22 ha, giống lúa được sử dụng là: JO2, Đài Thơm 8... Bên cạnh đó, phân bón được sử dụng trong mô hình là các loại phân bón hữu cơ.

Tham gia mô hình "ruộng nhà mình", chủ sở hữu là người nông dân sản xuất lúa, được đồng sở hữu là các tổ chức, cá nhân đầu tư giống, phân bón, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật của các đơn vị chuyên môn hướng dẫn và được tiếp cận, hỗ trợ công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp thông qua trang WWW.egap.vn. Cùng với đó, người nông dân có trách nhiệm trả bằng gạo khi đến vụ thu hoạch theo từng đợt hoặc một lần cho các tổ chức, cá nhân cùng tham gia mô hình, lượng gạo trả tối thiểu bằng 30% sản lượng gạo từ thửa ruộng đó, giá gạo được tính cao hơn giá cả thị trường ít nhất 10%.

Sản xuất lúa hữu cơ gắn với mô hình “ruộng nhà mình” đem lại hiệu quả cao- Ảnh 2.

Mô hình "ruộng nhà mình" trên cánh đồng Mường Tấc đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Vinh

Là một trong những hộ tham gia mô hình "ruộng nhà mình", ông Đinh Sỹ Nhì, bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên (Sơn La), cho biết: "tôi thấy các cơ quan, các ban ngành trên huyện tập trung xuống để chỉ đạo từng phần một, từ khâu làm đất, phân bón, giống má và các khoản, nói chung là cán bộ nông nghiệp rất sát sao xuống kiểm tra từng khâu, từng giai đoạn một để chỉ đạo cho nông dân sản xuất, tôi rất trân thành cảm ơn cấp trên có sự quan tâm đến nông dân ở khu vực này".

Đến thời điểm này, lúa đã chín vàng, người nông dân trên cánh đồng Mường Tấc tại Phù Yên đang tất bật thu hoạch lúa trong niềm vui được mùa. Qua quá trình triển khai sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn huyện cho thấy, chi phí cho 01 ha là 27.288.500 đồng và tổng thu bình quân 01 ha là 85.000.000 đồng, sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận thu được trên 01 ha là 57.711.500 đồng. Đối với trồng lúa thông thường truyền thống, chi phí cho 01 ha là: 21.945.000 đồng và tổng thu được trên 01 ha là 60.000.000 đồng, sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận thu được 38.055.000 đồng. Việc trồng lúa theo hướng hữu cơ về giá trị kinh tế cho thấy đã cao hơn trồng lúa thông thường theo phương pháp truyền thống là 19.657.000 đồng.

Sản xuất lúa hữu cơ gắn với mô hình “ruộng nhà mình” đem lại hiệu quả cao- Ảnh 3.

Bà con nông dân phấn khởi bởi vụ chiêm xuân năm nay trên cánh đồng Mường Tấc bội thu. Ảnh: Nguyễn Vinh

Ông Cầm Văn Long, bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, Phù Yên (Sơn La), vui mừng nói: "Trước đây, tôi chỉ làm theo phương pháp truyền thống, năng suất không cao và sức khỏe cũng ảnh hưởng do sử dụng thuốc BVTV. Từ khi tham gia mô hình "ruộng nhà mình", tôi được hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật canh tác hiện đại, sử dụng phân hữu cơ và kiểm soát sâu bệnh hiệu quả hơn, năng suất lúa của gia đình tôi đã tăng đáng kể. Việc sử dụng phân bón hữu cơ giúp bảo vệ đất đai và nguồn nước, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm cho gia đình tôi."

Đặc biệt ở mô hình "ruộng nhà mình", với những hộ có sự kết hợp giữa sản xuất lúa hữu cơ và nuôi cá trên cùng thửa ruộng thì cho hiệu quả kinh tế cao hơn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguồn nước, tạo ra sản phẩm sạch, uy tín, minh bạch trong sản xuất, có chất lượng, giá trị cao bảo vệ an toàn cho sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.

Sản xuất lúa hữu cơ gắn với mô hình “ruộng nhà mình” đem lại hiệu quả cao- Ảnh 4.

Kết hợp giữa sản xuất lúa hữu cơ và nuôi cá trên cùng thửa ruộng, với 2.500m2 ngoài việc thu hoạch lúa còn cho thu thêm 3-4 triệu đồng từ nuôi cá. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trao đổi với PV, ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, (Sơn La) cũng là đồng sở hữu "ruộng nhà mình", cho biết: "bằng hình ảnh trực quan là dưới ruộng có cá sống tức là lúa của huyện Phù Yên đã thực sự là hữu cơ và hướng tới sẽ nhân rộng mô hình này lên, triển khai mô hình rộng hơn, mục đích là quảng bá để cho nhân dân và người tiêu dùng quan tâm cũng như yên tâm về chất lượng gạo Phù Yên. Đặc biệt là nó mang tính chất sạch và thực sự hữu cơ".

Nguyễn Vinh