Clip: Nông dân tại Phù Yên (Sơn La) đưa mô hình cấy lúa bằng máy vào thử nghiệm
Cơ giới hoá giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
Huyện Phù Yên (Sơn La) có trên 2.200 ha ruộng 2 vụ, có cánh đồng Mường Tấc lớn thứ tư của Tây Bắc. Những năm qua, bà con nông dân huyện Phù Yên vẫn thực hiện sản xuất lúa bằng phương pháp gieo sạ hoặc cấy thủ công. Các phương thức này bộc lộ nhiều bất cập như: sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, tăng chi phí sản xuất; thường gặp những điều kiện bất lợi của thời tiết, mất nhiều công sức dặm tỉa, chăm sóc lúa và tăng thêm chi phí cũng như công sức cho những diện tích lúa phải gieo sạ lần 2.
Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích, Vụ chiêm xuân năm 2023, HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy (Phù Yên, Sơn La) kết hợp với các hộ liên kết đã đưa vào thử nghiệm mô hình cấy lúa bằng máy đầu tiên trên cánh đồng Mường Tấc, xã Quang Huy (Phù Yên, Sơn La). Mô hình cấy lúa bằng máy đầu tiên tại Phù Yên được nhận định bước đầu rất khả quan và triển vọng. Qua đó từng bước đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí về giống, phân bón,... nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy (Phù Yên, Sơn La) là đơn vị đi tiên phong thử nghiệm mô hình cấy lúa bằng máy, bước đầu với quy mô 2ha của 9 hộ dân liên kết sản xuất. Tiến tới các vụ sau, HTX sẽ nhân rộng phương pháp lúa bằng máy ra các diện tích khác trên địa bàn xã Quang Huy và các xã khác.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, bà Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy (Phù Yên, Sơn La) cho biết: với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, qua tìm hiểu, học hỏi mô hình cấy lúa bằng máy từ bạn bè, trên mạng và tham khảo nhiều nơi, chúng tôi nhận thấy hiệu quả của phương pháp gieo mạ khay và cấy lúa bằng máy nên đã đã thống nhất quyết định thử nghiệm mô hình.
Cũng theo bà Ngân, với diện tích 1.000m2 ruộng, nếu so sánh qua phương pháp gieo sạ hay cấy thủ công như bấy lâu nay với áp dụng mô hình gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy thì lúa cấy bằng máy vượt trội hơn như: giảm một nửa về thóc giống, giảm 2/3 tiền chi phí thuê nhân công; sẽ chủ động về thời vụ, mạ non sinh trưởng khỏe, đều; lúa cấy thẳng hàng nên người dân dễ chăm bón, không phải dặm, tỉa do quá dày hoặc quá thưa...
Hiện tại, HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy và nông dân trên địa bàn huyện Phù Yên (Sơn La) đang sử dụng máy cấy Văn Lang 4 hàng, chi phí mua 01 máy cấy và khay gieo mạ khoảng 20 triệu đồng. Qua thử nghiệm cho thấy mỗi giờ máy cấy được 360m2, bằng 1 người cấy được trong 1 ngày. Với 1.000m2 ruộng, nếu cấy theo phương pháp thủ công thì chi phí cấy hết 1 triệu đồng, với phương pháp cấy máy thì chi phí cấy khoảng 300 ngàn đồng.
Nông dân đón nhận phương pháp canh tác mới với tín hiệu khả quan
Gia đình bà Cầm Thị Uyên, xã Quang Huy (Phù Yên- Sơn La) có 2.000 m2 ruộng, mọi năm gia đình bà đều cấy bằng phương pháp thủ công, với 3 người cấy mất hơn 2 ngày mới xong. Năm nay, việc cấy lúa bằng máy chỉ 1 ngày là xong.
Bà Uyên chia sẻ: Năm nào cũng vậy cứ đến mùa vụ thì việc tìm người để thuê cấy rất khó khăn, không chủ động được thời vụ, chi phí cao. Vụ chiêm xuân năm 2023, khi HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy (Phù Yên- Sơn La) đầu tư máy cấy, gieo mạ bằng khay, tôi đã mạnh dạn áp dụng phương pháp cấy mới này. Để áp dụng phương pháp cấy máy tôi cũng được hướng dẫn kỹ thuật tỷ mỷ từ khâu làm đất, bón phân... Tôi hy vọng với phương thức cấy lúa bằng máy sẽ giúp gia đình tôi đạt hiệu quả kinh tế hơn.
Ngày 12/2/2023, đánh dấu mốc quan trọng của HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy cũng như nông dân trên địa bàn huyện Phù Yên (Sơn La), đây là lần đầu tiên đưa vào thử nghiệm mô hình cấy lúa bằng máy trên cánh đồng Mường Tấc với quy mô 2 ha đã đạt kết quả tốt hơn mong đợi. Phương pháp cấy máy trên đồng ruộng không còn mới đối với nhiều địa phương trong cả nước, nhưng với những vượt trội về nhiều mặt như giảm chi phí giống, nhân công, chủ động về thời vụ thì cấy lúa bằng máy được xem là một trong những giải pháp cơ giới hóa khâu gieo cấy, giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất trên đơn vị diện tích trong bài toán kinh tế cho nông dân. Việc gieo mạ khay và cấy bằng máy đã có tín hiệu rất khả quan cho những mùa vụ tiếp theo.
Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Phù Yên (Sơn La) nhận định: sau máy cày xới đất, máy gặt đập liên hợp... thì máy cấy mạ thật sự là giải pháp giúp nông dân tiến gần hơn đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Hiện nay, trên địa bàn huyện, tuy mới bước đầu thử nghiệm mô hình, nhưng từ những ưu điểm của phương pháp cũng như những hiệu quả vượt trội về kinh tế, máy cấy mạ góp phần làm thay đổi nhận thức của nông dân trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất của ngành nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.