dd/mm/yyyy

Sơn La phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh chủ lực

Sơn La thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển các sản phẩm OCOP, gia tăng các thành phần kinh tế tham gia vào chương trình và nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân.

Clip: Sơn La phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh chủ lực

Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những chương trình trọng tâm đang được tỉnh Sơn La triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và tăng giá trị. Ðây cũng là giải pháp đang được Sơn La gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo hướng hiệu quả, thiết thực và bền vững…

Những năm qua, việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở huyện Thuận Châu đã góp phần tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sơn La phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh chủ lực- Ảnh 1.

Gạo nếp tan Ngọc Chiến - sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: Văn Ngọc

HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (Thuận Châu, Sơn La) hoạt động lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp trồng, chăm sóc và chế biến chè. Đảm bảo nguyên liệu phục vụ xưởng chế biến, ngoài 5 ha chè hiện có, HTX còn liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân ở các xã trên địa bàn. Sản phẩm chè Trọng Nguyên được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hướng tới sản xuất theo quy trình hữu cơ. Năm 2019, HTX xây dựng thương hiệu "Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu", sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, sản phẩm được tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Bình Thuận, (Thuận Châu, Sơn La), chia sẻ: Năm 2023, HTX sản xuất 230 tấn chè khô cung cấp thị trường trong nước và nước ngoài; doanh thu khoảng 11 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng và 30 lao động thời vụ. Giữ vững thương hiệu, HTX hướng dẫn hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng mới và thâm canh các giống chè chất lượng cao; sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Sơn La phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh chủ lực- Ảnh 2.

"Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu", sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh của địa phương một cách bền vững

Tỉnh Sơn La hiện có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP là những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền của Sơn La khá phong phú về chủng loại, bao gồm 5 nhóm chính: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm; dịch vụ, du lịch nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 151 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao; 55 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 95 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Tham gia không gian trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội báo toàn quốc, tỉnh Sơn La mang đến nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: Chè, cà phê, các loại quả sấy dẻo, nấm linh chi, tỏi đen, thịt khô, lạp sườn.

Trao đổi với phóng viên, ông Sùng A Dế - Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Sơn La cho biết: Từ năm 2023, tỉnh Sơn La triển khai Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Bộ tiêu chí mới điều chỉnh, bổ sung một số nội dung.  Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm được thực hiện từ cấp xã, thay là từ cấp huyện như trước đây. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện sẽ công nhận các sản phẩm OCOP đạt 3 sao thay vì cấp tỉnh như trước, giúp các địa phương chủ động lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện cho các chủ thể.

Sơn La phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh chủ lực- Ảnh 3.

Tỉnh Sơn La đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh của địa phương. Ảnh: Văn Ngọc

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin, đại chúng từ tỉnh đến cấp xã, thôn, bản; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng NTM. Tập trung nâng cao nhận thức cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai chương trình OCOP; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, qua các cổng thông tin điện tử (website), mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, các hình ảnh, khẩu hiệu cụ thể. Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP. Tổ chức đoàn công tác đi học tập trao đổi kinh nghiệm tại các đơn vị tiêu 7 biểu trong công tác triển khai chương trình OCOP.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP. Thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP trên hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến hiện đại trong sản xuất, bảo quản, chế biến đối với sản phẩm OCOP, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP. Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức và cử các chủ thể tham gia các Hội chợ, Hội nghị xúc tiến thương mại do tỉnh Sơn La và các tỉnh thành khác tổ chức. Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm sau xếp hạng.

Sơn La phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh chủ lực- Ảnh 4.

Nhờ triển khai có hiệu quả chương trình OCOP, giá trị nông sản của tỉnh Sơn La được nâng lên, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: Văn Ngọc

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu mỗi xã, phường có ít nhất một sản phẩm OCOP, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP. Thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP, trên hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh. Đồng thời, rà soát, định hướng phát triển các sản phẩm theo chất lượng. Tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm đã có, hoàn thiện các điều kiện để nâng hạng các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Văn Ngọc