dd/mm/yyyy

Sơn La: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản nhằm tạo ra hàng hóa chất lượng, giá trị kinh tế cao.

Clip: Sơn La đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao khoa học, công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp 

Nâng cao chất lượng nông sản, nhiệm vụ đầu tiên được ngành nông nghiệp huyện Yên Châu (Sơn La) triển khai đó là đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ ghép cải tạo vườn cây ăn quả kém hiệu quả sang vườn cây ăn quả có thu nhập cao. Đồng thời, nhân rộng diện tích cây ăn quả có lợi thế của huyện, như: Xoài, chuối, nhãn, mận…

Theo đó, huyện đã phân bổ hàng tỷ đồng từ các chương trình hỗ trợ theo nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao. Xây dựng vùng xoài, mận hậu, tỏi ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho các loại quả đặc trưng.

Sơn La: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp- Ảnh 1.

Huyện Yên Châu (Sơn La) đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác cây ăn quả. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu, (Sơn La) cho biết: Đến thời điểm này, các mô hình đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các hợp tác xã, tổ sản xuất tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giúp nông dân, hội viên...ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, nâng cao giá trị cây ăn quả, như: nhãn chín muộn; xoài ghép Đài Loan, xoài Thái, xoài Úc, lê.... Ứng dụng ghép mắt vào cải tạo một số diện tích, vườn cây ăn quả đã già cỗi. Xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước các Hợp tác xã.

Nhờ đó đến nay trên địa bàn huyện Yên Châu đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích trên 11.554 ha cây ăn quả, với một số cây ăn quả chủ yếu: Xoài 3.283 ha, nhãn 2.828 ha, mận hậu 3.532 ha, chuối 803 ha, chanh leo 80 ha, cây ăn quả khác 1.028 ha;. Sản lượng quả mỗi năm trên 93.000 tấn, nhiều sản phẩm quả đã xuất khẩu sang thị trường khó tính như: Trung quốc, Úc, Mỹ… và bán rộng rãi trên thị trường trong nước. Đến nay toàn huyện đã có 816,9 ha diện tích cây trồng đã được cấp chứng nhận VietGAP, gồm: 803,6 ha cây ăn quả; 13,3 ha rau; quản lý 36 mã số vùng trồng cho 670,7 ha diện tích cây ăn quả các loại. 

Sơn La: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp- Ảnh 2.

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác nông nghiệp, giúp hội viên nông dân nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) là một trong những HTX trồng nhãn tiêu biểu của huyện. HTX có 10 thành viên, 100 ha trồng nhãn, xoài, bưởi, trong đó 70 ha nhãn được cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Cùng với kinh nghiệm sản xuất sau nhiều năm, các thành viên trong HTX đã bám vào đặc điểm phát triển của cây để thực hiện bón phân, phun thuốc, tỉa cành theo đúng kỹ thuật cho cây ra hoa, đậu quả đều.

Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Các thành viên HTX tuân thủ việc chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP, có sổ nhật ký ghi chi tiết từ khâu bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn. Đặc biệt, không sử dụng thuốc diệt cỏ, chỉ dùng máy phát cỏ. Một số hộ thành viên còn đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động ở gốc và hệ thống phun trên cao.

Sơn La: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp- Ảnh 3.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào canh tác nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp của HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) được thị trường đón nhận. Ảnh: Văn Ngọc

Ứng dụng khoa học, công nghệ giúp nâng cao sản lượng và giá trị nông sản

Còn tại huyện Mộc Châu (Sơn La), tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm gần đây, người dân xã Đông Sang, huyện Mộc Châu đã tích cực chuyển đổi cây trồng, trong đó có mô hình trồng rau sạch theo quy trình VietGAP. Mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả, đưa cây rau trở thành cây trồng chủ lực của địa phương này.

HTX rau an toàn Tự Nhiên có 38 thành viên với tổng diện tích canh tác trên 20ha, là đơn vị tiên phong trong trồng rau sạch ở xã Đông Sang. Hiện nay, HTX trồng, cung cấp trên 30 sản phẩm rau sạch như: Cà chua, bắp cải, dưa chuột, bí xanh,... đạt tiêu chuẩn rau an toàn được cấp chứng nhận VietGAP. Sản phẩm rau sạch của HTX được nhiều khách hàng tin dùng, trung bình mỗi năm xuất bán gần 1.000 tấn rau các loại cho các siêu thị lớn tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành, đồng thời cung cấp cho các trường học, nhà hàng trên địa bàn huyện Mộc Châu,…

Bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: HTX rau an toàn Tự Nhiên luôn luôn chấp hành và đưa ra các nội quy quy chế ngày càng chặt chẽ hơn để bảo vệ cho thương hiệu rau an toàn Mộc Châu. Để thương hiệu này phát triển bền vững thì chúng tôi họp, có kế hoạch và phân công các tổ trưởng luôn luôn theo dõi các thành viên trong HTX, có sổ ghi nhật ký gieo trồng, áp dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc.

Sơn La: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp- Ảnh 4.

Hội Nông dân huyện Mộc Châu (Sơn La) hướng dẫn hội viên áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác nông nghiệp. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Lường Tiến Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Hội nông dân huyện phối hợp với Ngân hàng chính sách hỗ trợ cho các hộ dân vay vốn. Liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ tập huấn kỹ thuật canh tác rau hữu cơ; tiêu thụ nông sản cho người dân. Vận động áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương,…

Từ hiệu quả của cây rau mang lại, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Mộc Châu và xã Đông Sang sẽ tiếp tục phối hợp vận động nhân dân đẩy mạnh trồng rau sạch theo quy trình VietGAP; định hướng phát triển trồng rau sạch gắn với du lịch tham quan trải nghiệm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Sơn La: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp- Ảnh 5.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Những năm qua, mức tăng trưởng ngành nông nghiệp Sơn La tương đối cao, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kinh tế; tiếp tục khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp, là trụ đỡ quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2023 theo giá hiện hành đạt trên 16.620 tỷ đồng, tăng 5,48% so với năm 2022.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ phát triển trên diện rộng, ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa trong sản xuất. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh công nhận 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 8.200 ha sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ; duy trì 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; cấp 294 mã số vùng trồng với diện tích trên 3.150 ha; 28 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh tiếp tục được mở rộng. Giá trị hàng hoá nông sản tham gia xuất khẩu đạt 177,8 triệu USD; trong đó, giá trị hàng hoá nông sản quả tươi và nông sản chế biến đều tăng so với năm 2022; sản lượng nông sản tham gia xuất khẩu đạt trên 173.000 tấn.

Văn Ngọc