Clip: Sơn La phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn.
Hiệu quả từ phát triển nông nghiệp theo đúng hướng
Phát huy tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, tỉnh Sơn La đang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi phương thức sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ manh mún nhỏ lẻ sang tập trung, chuyên canh, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Những năm qua, ngành Nông nghiệp Sơn La đã đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn. Phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2023, tổng sản phẩm ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt 8.832 tỷ đồng, tăng 5,48% so với năm 2022. Tổng diện tích cây hàng năm chủ yếu (mía, sắn, đậu tương) ước đạt 53.178 ha, giảm 7,1%. Đàn bò đạt 393.560 con, tăng 3,9% (Đàn bò thịt đạt 365.770 con, tăng 3,7%; Đàn bò sữa đạt 27.790 con, tăng 6,8%); Đàn trâu đạt 112.300 con, giảm 1,9%; Đàn lợn đạt 686.240 con, tăng 3,1%; Đàn gia cầm các loại đạt 7.960 nghìn con, tăng 2,4%. Tổng số sản phẩm OCOP: 151 sản phẩm. Toàn tỉnh có 850 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.
Tổng số liên hiệp hợp tác xã: 6 liên hiệp hợp tác xã với tổng số hợp tác xã thành viên: 51 hợp tác xã. - Trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bằng 91,7% tổng số doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Với HTX nông nghiệp Xuân Tiến, bản Sai, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, năm 2017 HTX được thành lập. Sau 5 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX đã phát triển lên 38 thành viên, quy mô sản xuất 100 ha cây ăn quả, trong đó, 60 ha cây xoài tròn bản địa.
Để đảm bảo chất lượng các sản phẩm do HTX tạo ra, HTX đã đầu tư, cải tạo các vườn xoài cổ thụ, triển khai trồng mới giống xoài tròn ghép cành từ giống đầu dòng đã qua tuyển chọn và áp dụng kỹ thuật trồng theo quy trình VietGAP, hữu cơ, tạo sản phẩm quả xoài to, mã đẹp hơn. Với chất lượng quả tốt, mẫu mã đẹp, đây là nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ đắc lực cho việc sản xuất xoài sấy dẻo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX nông nghiệp Xuân Tiến, bản Sai, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Sản phẩm xoài tròn của HTX được đánh giá cao về chất lượng, sản phẩm thu hái đến đâu là bán hết đến đó. Vụ năm nay, do mưa axit nên ít quả hơn, bởi vậy hết vụ HTX thu được trên 50 tấn xoài với giá trung bình từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, giá bán cũng cao hơn từ 5-7 nghìn đồng so với năm trước, Có thể thấy việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác sẽ giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập…", ông Xuân nói.
Phát triển nông nghiệp bền vững
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn. Phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt chủ trương phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn.
Tập trung chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đề án xây dựng Sơn La thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đề án Thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao Sơn La. Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; bản đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.
Tăng cường quản lý, hướng dẫn, giám sát sản xuất tại các vùng sản xuất nông sản đã được cấp mã số vùng trồng và triển khai có hiệu quả Luật Trồng trọt. Quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; hướng dẫn các các hợp tác xã, doanh nghiệp duy trì và phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ; hỗ trợ đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới; hỗ trợ đăng ký bảo hộ tại nước ngoài cho một số sản phẩm có tiềm năng.
Thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị gia tăng sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, đảm bảo lợi ích của các đối tượng tham gia dự án hoặc phương án hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản nhất là các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Xây dựng và phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp để khâu nối giữa nông dân và các doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.