Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 1.

Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 2.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông Lò Văn Châu (SN 1964, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là vẻ ngoài chất phác với chiếc áo rằn ri, làn da rám nắng, tóc lấm tấm bạc, bàn tay to bè, khỏe khoắn. Bắt chuyện với chúng tôi ít phút, ông Lò Văn Châu vui vẻ dẫn chúng tôi đến với vườn dâu tây hữu cơ của gia đình, cách nhà ông mấy cây số.

Vườn dâu tây nhà ông Lò Văn Châu cách quốc lộ 6 mấy trăm mét, có thể di chuyển đến tận vườn bằng ô tô. Ông Lò Văn Châu kể: Đất Mai Sơn giờ được nhiều người “săn đón” để định cư hoặc phát triển nông nghiệp. Ngay cạnh vườn dâu nhà ông, nhiều hộ gia đình khác cũng khai thác trồng dâu tây, xen canh hành, tỏi, trồng cây nhãn, na hoặc các cây ăn quả khác.

Đúng như lời kể của ông Lò Văn Châu, ngay khi đặt chân xuống, chúng tôi ngỡ ngàng bởi những “ruộng” dâu xanh ngắt, trải dài tít tắp đến chân đồi phía xa. Từng luống dâu tây được vun cao, trải ni lông với những hốc cây đều tăm tắp. Giữa các luống là hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Vườn dâu sạch sẽ, không có rác, không có có vỏ thuốc hay mùi thuốc bảo vệ thực vật.

Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 3.
Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 4.
Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 5.
Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 6.

Những ruộng dâu tây hữu cơ đang vào mùa thu hoạch. Ảnh: Kiều Tâm.

Trong vườn dâu tây, đang có gia đình đưa trẻ nhỏ vào hái. Ông Lò Văn Châu bảo dâu tây của gia đình trồng hữu cơ nên các gia đình cũng yên tâm đưa các bé đến trải nghiệm.

Ông Lò Văn Châu dẫn chúng tôi đến chòi nhỏ giữa vườn, tỉ mỉ phủ khăn lên rổ đựng dâu và nhắc chúng tôi cẩn thận khi hái. Ông ví những trái dâu tây như “quả trứng”, căng mọng nhưng nếu mạnh tay là có thể dập, nát. Khi hái cần nâng, đặt quả dâu nhẹ nhàng; nếu hái nhiều, mang đi xa nên hái xen quả đã đỏ đều và mới phớt hồng.

Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 7.
Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 8.

Ông Lò Văn Châu hướng dẫn du khách cách thu hái dâu tây chín. Ảnh : Kiều Tâm.

Cần mẫn bên luống dâu trái lúc lỉu, ông Lò Văn Châu hướng dẫn chúng tôi cách thu hoạch dâu chín. Theo ông Lò Văn Châu, dâu vào độ thu hoạch nhanh chín. Trời nắng như mấy ngày Xuân năm nay, cứ độ mấy tiếng, dâu lại đỏ rực, có thể thu hái. Nhà ông chủ yếu thu hoạch dâu vào buổi sáng, khi dâu còn đẫm sương, quả mọng, nặng, đẹp. Buổi chiều là thời điểm để chăm sóc ruộng dâu.

Hiện vườn dâu nhà ông chủ yếu do con trai ông là anh Lò Tùng Nguyên (SN 1992, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) chăm sóc. Anh Nguyên tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp, hiện đã là đảng viên. Rời xa thị thành trở về với quê hương, anh cùng bố phát triển vườn dâu, phát triển kinh tế gia đình.

Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 9.

Nắng đã lên đến đỉnh đầu, ông Lò Văn Châu xách giỏ dâu tây đầy ắp, mời chúng tôi về quán của gia đình uống nước. Ông cho biết, dâu tây hữu cơ đã trở thành một xu hướng trong phát triển nông nghiệp, du lịch ở Mai Sơn. Du khách giờ dễ thu hút bởi những món mới, lạ nhưng để giữ chân được họ thì phải đảm bảo được hai yếu tố sạch, ngon.

Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 10.

Trái dâu tây to gần bằng bàn tay người lớn, 2 quả có thể có trọng lượng đến 1 lạng. Ảnh: Kiều Tâm

Dâu tây hữu cơ nếu chọn giống tốt, biết trồng, chăm sóc thì sẽ cho ra quả to, ngon, sắc sáng và mọng. 

Quán nhà ông Lò Văn Châu ngay bên lề quốc lộ 6, khu Ngã ba Cò Nòi. Trong sân quán, anh Lò Tùng Nguyên (SN 1992, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn) đang nhanh nhẹn xếp những hộp dâu gia đình thu hoạch ban sáng vào thùng giấy cát tông cho khách nghỉ chân tại quán mang đi xa.

Vừa hỗ trợ chúng tôi đóng hộp dâu,  anh Lò Tùng Nguyên cho biết: Vụ dâu này, nhà tôi dự kiến thu về 300 triệu, trừ tiền giống, công chăm sóc và phân bón trong suốt 6 tháng, gia đình thu lãi được 100 triệu đồng. Dâu năm nay hạ giá, năm ngoái, một hộp dâu to có thể bán với giá 120.000 VNĐ, năm nay chỉ bán được với giá 80.000 VNĐ, dâu nhỏ 50.000 VNĐ.

Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 11.

Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 12.

Anh Lò Tùng Nguyên giúp du khách đóng dâu tây hữu cơ vào hộp. Ảnh: Kiều Tâm.

Đầu Xuân, người tứ phương đi lại nhiều, có những khách từ các tỉnh như Bắc Ninh, Điện Biên đi qua quốc lộ 6 cũng ghé qua ủng hộ dâu hữu cơ Sơn La. Có những ngày, dâu mới để lên sạp, bán đến 10 giờ sáng đã hết hàng, cả nhà đóng hộp không xuể tay.

Dâu “đắt khách”, ông Lò Văn Châu khẳng định, ưu tiên hàng đầu của dâu tây nhà ông vẫn là chất lượng duy trì, giá cả ổn định. Dâu tây hữu cơ đảm bảo, khách tại quán ông có người ăn trực tiếp mà không cần rửa.

Dâu tây hữu cơ ngon, mọng nhưng cũng cần lưu ý về khâu bảo quản. Anh Lò Tùng Nguyên chia sẻ, nếu để ở nhiệt độ thường, mỗi hộp dâu có thể để khoảng 3 ngày, có thể bảo quản lâu hơn bằng tủ lạnh. Tuy nhiên, càng để lâu, dâu sẽ càng héo, giảm bớt vị thơm ngon. Khi rửa dâu cần nhẹ tay, không xối nước mạnh, tránh dâu dập, nát, mất vị.

Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 13.
Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 14.
Trò chuyện đầu Xuân với người trồng dâu tây hữu cơ Sơn La- Ảnh 15.

Dâu tây hữu cơ mới hái đỏ mọng, được đóng hộp cẩn thận.  Ảnh: Kiều Tâm.

Bà Lò Thị Trinh, vợ ông Lò Văn Châu “bật mí”, dâu nhà thu hoạch có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến thành nhiều món ngon như sinh tố, mứt dâu, siro..., dùng để ăn kèm hoặc trang trí với các món ngọt.

Dâu tây đang trở thành một trong những trái cây có tiềm năng kinh tế của huyện Mai Sơn nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung. Huyện Mai Sơn hiện là một trong những địa phương có diện tích dâu tây lớn nhất tỉnh Sơn La, với 326 ha, sản lượng 3.129 tấn, trong đó riêng xã Cò Nòi có diện tích trên 230ha. Đầu xuân Giáp Thìn, sắc đỏ của những trái dâu tây căng mọng đua nhau rộ lên trên đất Mai Sơn, báo hiệu một năm mới sôi động, tràn đầy sức sống.