dd/mm/yyyy

Vườn cây ăn quả trên đất dốc giúp nông dân Yên Châu làm giàu

Những năm qua, nông dân huyện Yên Châu (Sơn La) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển các loại cây ăn quả trên đất dốc, nhờ đó thu nhập ngày càng được nâng cao.

Cây ăn quả trên đất dốc mang lại thu nhập cao cho nông dân

Những năm trước đây, khi nhắc đến huyện Yên Châu (Sơn La) người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng đất của cây ngô, cây sắn,… nông dân còn canh tác lạc hậu, thu nhập bấp bênh. Cùng với đó, đường giao thông đi lại khó khăn, khiến Yên Châu chậm phát triển. Thế nhưng mấy năm trở lại đây, vùng đất này đã thay đổi hoàn toàn nhờ phát triển cây ăn quả trên đất dốc; những đồi ngô, đồi sắn… cho hiệu quả kinh tế thấp nay đã được thay thế bởi những đồi cây ăn quả xanh mướt.

Đường giao thông nông thôn, đường nội đồng được đầu tư xây dựng, người dân thuận tiện hơn trong việc tiêu thụ nông sản. Cũng nhờ đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, nhu nhập của người dân được nâng cao, nhà ít thì một năm thu nhập hằng trăm triệu đồng, nhà nhiều thì đến cả tỷ đồng, đời sống của người dân ngày càng ổn định hơn, có của ăn của để.

Vườn cây ăn quả trên đất dốc giúp nông dân Yên Châu làm giàu- Ảnh 1.

Vườn na của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, bản Phương Quỳnh, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Theo chân cán bộ Hội Nông dân huyện Yên Châu, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây na sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, bản Phương Quỳnh, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu (Sơn La). Trước đây do chưa tiếp cận được giống cây trồng mới, chưa áp dụng được các tiến bộ khoa học vào canh tác, thu nhập không được là bao.

Ông Sơn chia sẻ: Năm 2022, qua tìm hiểu, thăm quan ở một số nơi, gia đình tôi đã quyết định cắt ghép, cải tạo toàn bộ diện tích na dai của gia đình bằng giống na sầu riêng. Vừa làm vừa đúc rút và học hỏi kinh nghiệm, sau hơn một năm cải tạo vụ na sầu riêng đầu tiên đã cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế khá tốt. 

Cũng theo ông Sơn, sau hơn 2 năm canh tác, vườn na gia đình ông đã cho thu hoạch. Mảnh đất khoảng 8000m của gia đình ông dự kiến thu về khoảng 400 triệu.

"Muốn phát triển cây ăn quả một cách bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao, người nông dân cần phải thay đổi tư duy canh tác, lựa chọn giống cây trồng phù hợp, biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, có như vậy cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao được", ông Sơn nói.

Vườn cây ăn quả trên đất dốc giúp nông dân Yên Châu làm giàu- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Sơn, bản Phương Quỳnh, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu (Sơn La) đang bao trái na của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Trở lại mạnh đất Lóng Phiêng, Phiêng Khoài - nơi được ví là thủ phủ của cây mận hậu trên vùng đất Yên Châu hiện có trên 3.000 ha mận hậu, sản lượng dự kiến đạt khoảng 30.000 tấn quả. Thời vụ thu hoạch chính bắt đầu từ trung tuần tháng 5 kéo dài đến đầu tháng 7 dương lịch.

Để nâng cao giá trị thương hiệu mận hậu, những năm qua, UBND huyện Yên Châu chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với các xã tập trung hướng dẫn các HTX, người dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc mận hậu theo quy trình VietGAP, đốn tỉa, tạo tán, chăm sóc, sử dụng nhiều phân hữu cơ; chủ động trong tưới tiêu. Đến nay, giá trị trái mận hậu của Yên Châu trên thị trường tương đối cao so với các sản phẩm cùng loại.

Với một mùa mận hậu bội thu, vừa được mùa, vừa được giá, anh Bùi Văn Xiêm, bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 2 ha mận hậu, canh tác được hơn chục năm nay. So với các loại cây trồng khác, trồng mận hậu người nông dân ở vùng này có lời hơn. Năm nay mận hậu được mùa, giá lại nhỉnh hơn mọi năm, trừ tất cả các chi phí đầu tư, gia đình thu được một khoản khá.

"Nói chung trồng mận hậu này thì công chăm sóc vất vả hơn một chút so với trồng các loại cây lương thực khác, nhưng ngược lại lợi nhuận lại cao hơn gấp 2-3 lần. Từ khi trồng mận hậu gia đình cũng có của ăn của để", anh Xiêm nói.

Vườn cây ăn quả trên đất dốc giúp nông dân Yên Châu làm giàu- Ảnh 3.

Mùa mận hậu chín đỏ trên đất Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển cây ăn quả trên đất dốc là hướng đi bền vững 

Huyện Yên Châu xác định, phát triển cây ăn quả là hướng đi bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đảng bộ huyện Yên Châu đã tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo lợi thế từng vùng, phát triển trồng cây ăn quả, cây công nghiệp trên đất dốc, kết hợp phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ. Đặc biệt là việc chuyển đổi diện tích trồng cây hàng năm trên nương sang trồng cây ăn quả được đẩy mạnh.

Vườn cây ăn quả trên đất dốc giúp nông dân Yên Châu làm giàu- Ảnh 4.

Hội Nông dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La hướng dẫn hội viên nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác cây ăn quả trên đất dốc. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Đến nay trên địa bàn huyện Yên Châu đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích trên 11.554 ha cây ăn quả, với một số cây ăn quả chủ yếu: Xoài 3.283 ha, nhãn 2.828 ha, mận hậu 3.532 ha, chuối 803 ha, chanh leo 80 ha, cây ăn quả khác 1.028 ha. Sản lượng quả mỗi năm trên 93.000 tấn, nhiều sản phẩm quả đã xuất khẩu sang thị trường khó tính như: Trung quốc, Úc, Mỹ… và bán rộng rãi trên thị trường trong nước.

Toàn huyện đã có 816,9 ha diện tích cây trồng đã được cấp chứng nhận VietGAP, gồm: 803,6 ha cây ăn quả; 13,3 ha rau; quản lý 36 mã số vùng trồng cho 670,7 ha diện tích cây ăn quả các loại. Bên cạnh đó, huyện đang tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền vận động nhân dân phát triển trồng mới thêm một số loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương như lê, chanh leo, dâu tây, na sầu riêng.... Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt đạt 58 triệu đồng.

Vườn cây ăn quả trên đất dốc giúp nông dân Yên Châu làm giàu- Ảnh 5.

Vùng cây ăn quả của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Để phát triển cây ăn quả bền vững, đem lại thu nhập cho người nông dân, huyện Yên Châu đã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các HTX, nông dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Xác định các khu vực sản xuất vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vận động nông dân sản xuất nông sản đảm bảo về sản lượng, chất lượng tuân theo đúng quy trình, hướng dẫn chăm sóc của cơ quan chuyên môn.

Cùng với đó, để đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng trái cây cho nhân dân, ngay từ đầu năm, huyện đã giao các cơ quan chuyên môn, UBND các xã làm việc với các HTX, các doanh nghiệp thu gom đầu mối để tiếp tục duy trì các bạn hàng truyền thống cũng như giới thiệu quảng bá các sản phẩm nông sản của Yên Châu đến với bạn hàng trên cả nước.

Văn Ngọc