Clip: Yên Châu đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản
Nâng cao chất lượng nông sản phục vụ tiêu thụ
Trong thời gian vừa qua, các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ các sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản năm 2023 huyện Yên Châu (Sơn La) đã được triển khai kịp thời, đúng kế hoạch và đạt hiệu quả. Qua các sự kiện xúc tiến thương mại, gian hàng trưng bày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và nông sản đặc trưng của huyện đều để lại ấn tượng mạnh thu hút đông đảo đối tác, người tiêu dùng tìm hiểu, kết nối giao thương và mua các sản phẩm. Các sản phẩm nông sản an toàn của huyện đã được các đối tác và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
Năm 2023 thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng về sản phẩm; chú trọng thị trường trong nước; xuất khẩu nông sản có bước tiến mới. Tiêu thụ, xuất khẩu đạt 93.480 tấn quả các loại, với tổng giá trị sản phẩm ước đạt 880,5 tỷ đồng; Tiêu thụ quả tươi trong nước đạt 85.676 tấn quả các loại. Bên cạnh đó, huyện Yên Châu cũng đưa vào chế biến đạt 3.921 tấn; giá trị ước đạt khoảng 27,3 tỷ đồng; giá bán trung bình 7 nghìn đồng/kg (gồm: xoài, nhãn). Sản phẩm nông sản chế biến ước đạt 635 tấn, giá trị đạt 19,500 tỷ đồng, trong đó, sản phẩm chè 350 tấn chè khô, chuối sấy dẻo 15 tấn, chuối sấy giòn 4,2 tấn.
Tại xã Chiềng Hặc có trên 600 ha xoài, sản lượng hằng năm đạt 4.000 tấn; trong đó 50 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Toàn xã có 3 HTX liên kết với 2 doanh nghiệp thu mua xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu (Sơn La), những năm qua sản phẩm xoài của đã có mặt tại nhiều thị trường như Úc, New Zealand, Trung Quốc và Hoa Kỳ…không chỉ góp phần khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm xoài Yên Châu, mà còn tạo nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên HTX. Để có được những kết quả đó, các thành viên trong HTX đã thực hiện chăm sóc xoài theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất, ghi chép nhật ký chăm sóc, bao trái nhằm nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm xoài trên các thị trường.
Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Trước tiên chúng tôi đi sâu vào hướng hữu cơ, sử dụng các loại phân theo hướng hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật cũng vậy. do đó chúng tôi đã giữ vững được chất lượng là một, thứ hai là sản lượng và môi trường đất, vườn của mình ngày càng màu mỡ và sạch.
Huyện Yên Châu đưa ra nhiều giải pháp tiêu thụ, xuất khẩu nông sản
Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Năm 2024, các hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu nói chung được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thách thức do tình hình chiến tranh xung đột tại một khu vực trên thế giới vẫn diễn ra phức tạp. Thị trường xuất khẩu của huyện chủ yếu là phụ thuộc thị trường Trung Quốc mà hiện nay để xuất khẩu được vào thị trường Trung quốc đòi hỏi phải rất là cao về chất lượng sản phẩm.
Huyện Yên Châu dự kiến có 12.000 ha cây ăn quả và sản lượng quả các loại dự kiến đạt 104.000 tấn; phấn đấu tiêu thụ, xuất khẩu đạt 100% sản lượng quả các loại, với tổng giá trị sản phẩm dự kiến đạt 1.355 tỷ đồng, trong đó, tiêu thụ trong nước và đưa vào chế biến khoảng 99.450 tấn; Xuất khẩu trái cây tươi phấn đấu đạt 4.550 tấn (trong đó: Xoài 2.200 tấn, nhãn 350 tấn, chuối 2.000 tấn), thị trường xuất khẩu gồm các nước EU, Trung Quốc; Trung Đông, với giá trị khoảng 47,15 tỷ đồng (đạt 117,1% so với xuất khẩu trái cây tươi năm 2023).
Với sản lượng dự kiến năm 2024 rất lớn, đây cũng là niềm vui của người nông dân, nhưng cũng là thách thức rất lớn cho việc tiêu thụ, xuất khẩu. Do đó, để đảm bảo tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2024 đảm bảo kế hoạch đề ra. Huyện Yên Châu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới sản xuất hàng hóa chất lượng cao; Tiếp tục quan tâm phối hợp với Sở ngành rà soát, đánh giá cấp mã số vùng trồng phục phục xuất khẩu; tiếp tục kết nối, mời gọi các doanh nghiệp, các đơn vị đầu mối mở rộng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện như: Nhãn, Xoài, Mận…
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí của Trung ương, của địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn của huyện. Tham dự chuỗi các sự kiện Hội chợ, các Tuần hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn ở trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm nông sản của huyện; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử có trọng tâm trọng điểm.
Khảo sát, tìm kiếm đối tác, cơ hội giao thương nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố lớn. Đồng thời xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn các huyện; tập trung tuyên truyền chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm nhằm tăng tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, khuyến khích các HTX, hộ dân đầu tư phát triển các kho bảo quản, kho lạnh, cơ sở chế biến có quy mô vừa và nhỏ để giảm sức ép cho việc tiêu thụ sản phẩm quả tươi. Chủ động hướng dẫn các đơn vị sản xuất, chế biến nông sản về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đồng thời yêu cầu các đơn vị, cơ sở chế biến nông sản nghiêm túc thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.