dd/mm/yyyy

Chuyện về những "Cây cao – bóng cả" người dân tộc thiểu số ở vùng sơn cước Yên Châu

Thời gian qua, những "Cây cao – bóng cả" trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Yên Châu (Sơn La) đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.

Clip: "Cây cao – bóng cả" người dân tộc thiểu số ở vùng sơn cước Yên Châu

Nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái

Dưới hiên của căn nhà sàn nhỏ đơn sơ nhuốm màu của thời gian, ông Lường Văn Chựa, bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, dù tuổi đã gần 80, mái tóc bạc trắng nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu, ghi chép lại những làn điệu khèn bè của dân tộc mình. Bởi ông sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Yên Châu có bề dày văn hóa, nên tiếng nói, tiếng trống chiêng, tiếng hát, tiếng khèn trong các lễ hội của bản mường dường như đã ngấm vào máu thịt của ông ngay từ nhỏ.

Ông Chựa tâm sự: Những làn điệu mượt mà, say đắm của khèn bè đã tạo nên nét đặc trưng văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của dân tộc Thái quê tôi. Thời ấy, ở bản có rất nhiều người biết thổi khèn. Cứ có dịp lễ hội hay sinh hoạt cộng đồng thì đi đâu cũng nghe điệu khèn vang cả núi rừng. Được tiếp xúc nhiều khi còn nhỏ nên tôi nhớ được các điệu và bắt chước thổi theo.

Chuyện về những "Cây cao – bóng cả" người dân tộc thiểu số ở vùng sơn cước Yên Châu - Ảnh 2.

Ông Lường Văn Chựa, bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: NVCC

Với mong muốn gìn giữ làn điệu khèn bè, ông đã tích cực truyền dạy cho thanh niên trong bản và những địa phương xung quanh. Những lớp học nhạc cụ truyền thống được mở ra, ông đến từng điểm hướng dẫn kỹ thuật thổi khèn. Đặc biệt, khi huyện Yên Châu chủ trương bảo tồn khèn bè, ông Lường Văn Chựa được mời làm Nhóm trưởng Nhóm bảo tồn văn hóa huyện Yên Châu để trực tiếp truyền dạy cho đồng bào trong huyện.

Nhóm bảo tồn văn hoá huyện Yên Châu đã được thành lập với 11 thành viên. Hiện nay, nhóm có tổng số 19 thành viên, ngoài dân tộc Thái, có thêm 6 người dân tộc Khơ Mú, tất cả đều là những người có niềm đam mê với văn hóa dân tộc.

Chuyện về những "Cây cao – bóng cả" người dân tộc thiểu số ở vùng sơn cước Yên Châu - Ảnh 3.

Nhóm bảo tồn văn hóa huyện Yên Châu (Sơn La) do ông Lường Văn Chựa làm Nhóm trưởng. Ảnh: NVCC

Từ khi được thành lập đến nay, ông cùng nhóm đã mở được hàng chục lớp học chữ, khèn bè Thái và lớp truyền dạy tiếng Khơ Mú miễn phí, thu hút hàng trăm học viên tham gia. Điều đáng trân trọng là nhiều học trò được ông Chựa và nhóm bảo tồn văn hóa truyền dạy đã lan tỏa tiếng nói, chữ viết, văn hóa dân tộc cho con cháu.

"Tôi mong muốn những việc làm của mình sẽ góp sức lưu giữ và truyền đạt cho thế hệ trẻ hiểu và ngày càng yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc. Tôi ưu tiên số một là phát triển dạy chữ, thứ hai là phát triển ca hát, múa, nhất là múa xoè. Nắm tay xoè vòng chỉ có dân tộc Thái mới có và mang tính cộng đồng rất cao. Hơn nữa, hiện nay người muốn dạy không phải không có, nhưng người học thì không dễ tí nào". ông Lường Văn Chựa tâm sự.

"Qua học lớp chữ Thái này, tôi thấy rất bổ ích cho bản thân, mình biết chữ viết của dân tộc mình, tục lệ của người Thái từ thuở xưa được lưu trong những cuốn sách mình cũng đọc được và khai thác được", Chị Lò Thị Anh, ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, học viên tham gia lớp học chữ Thái do ông Lường Văn Chựa mở tại xã Chiềng Pằn, chia sẻ.

Chuyện về những "Cây cao – bóng cả" người dân tộc thiểu số ở vùng sơn cước Yên Châu - Ảnh 4.

Lớp học chữ Thái miễn phí của Lường Văn Chựa. Ảnh: NVCC

Gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc

Còn đối với bà Hoàng Thị Thoát, Chủ nhiệm CLB bảo tồn văn hóa Thái xã Chiềng Sàng (Yên Châu, Sơn La), chia sẻ: Với mong muốn Gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái, Chúng tôi rất là trăn trở, thành lập CLB phục dựng, phục hồi những gì liên quan đến bản sắc dân tộc mà ông cha ta đã để lại. Chúng tôi đã khôi phục, sưu tầm những đồ dệt vải của cha, ông ngày xưa. Bây giờ mai một rất là nhiều, giờ người dân cũng không còn nữa, chúng tôi cũng phục dựng được nghề dệt vải, từ khung cửi, kéo sợi, cán sợi để không bị mai một.

Sau này CLB sẽ là nòng cốt làm mô hình trải nghiệm cho các cháu học sinh các trường, không những trong xã mà trên địa bàn toàn huyện. Không chỉ nghề dệt thổ cẩm, chúng tôi cũng kèm theo cả thêu khăn piêu, đan lát, hát Thái, xây dựng mô hình nhạc cụ. Làm sao là lưu giữ được tiếng nói, người Thái là phải biết nói tiếng Thái. Chúng tôi không những khôi phục lại nghề truyền thống, chúng tôi khôi phục lại trang phục, ăn mặc, tiếng nói và chữ viết.

Chuyện về những "Cây cao – bóng cả" người dân tộc thiểu số ở vùng sơn cước Yên Châu - Ảnh 5.

Thành viên CLB bảo tồn văn hóa Thái xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu (Sơn La) kéo sợi. Ảnh: Văn Ngọc

Nghề truyền thống trồng bông dệt vải đang được xã Chiềng Sàng quan tâm gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn. Vậy nhưng hiện nay, một số ít người dân trên địa bàn xã mới đang làm ra sản phẩm chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình, chứ chưa phát triển rộng thành sản phẩm hàng hóa. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, những người "Cây cao - bóng cả" hy vọng trong tương lai không xa, những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Thái nơi đây sẽ được lan tỏa đến với đông đảo du khách trong và ngoài huyện.

Em Quàng Thị Thanh Huyền, xã Chiềng Sàng (Yên Châu, Sơn La) chia sẻ: Cháu được các bà, các mẹ, các chị dạy cho cách dệt vải thổ cẩm, cháu cảm thấy các sản phẩm làm ra nó đẹp, nhiều nét đặc sắc. Cháu cùng với các bạn sẽ cố gắng phấn đấu học hỏi để lưu giữ nghề dệt vải thổ cẩm của dân tộc Thái mình.

Chuyện về những "Cây cao – bóng cả" người dân tộc thiểu số ở vùng sơn cước Yên Châu - Ảnh 6.

Những người phụ nữ Thái Yên Châu dạy dệt vải thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Yên Châu là vùng đất sinh sống của 5 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số. Nét đặc trưng riêng trong phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc đã tạo cho Yên Châu nét văn hóa đa dạng, phong phú, được cộng đồng các dân tộc tham gia gìn giữ, bảo tồn nhiều đời nay.

Chuyện về những "Cây cao – bóng cả" người dân tộc thiểu số ở vùng sơn cước Yên Châu - Ảnh 7.

Những "Cây cao – bóng cả" người dân tộc thiểu số ở vùng sơn cước Yên Châu góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Ảnh: Văn Ngọc

Để bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống các dân tộc, huyện Yên Châu đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, UBND các xã sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ các giá trị văn hóa dân gian. Rà soát các phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội các dân tộc còn được lưu truyền trên địa bàn để tổ chức phục dựng, như: Lễ hội Cầu mưa, lễ hội Đông Sửa, Hạn Khuống của dân tộc Thái; lễ hội Mương A Ma của dân tộc Sinh Mun; lễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú. Trong đó, lễ hội Mương A Ma (lễ cầu sức khỏe) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Miệt mài, trăn trở với văn hóa dân tộc, những việc làm của những "Cây cao – bóng cả) đã và đang góp phần làm hồi sinh nền văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Yên Châu (Sơn La). Chính sự tâm huyết, tham gia tích cực của  những người con dân tộc Thái, những người yêu văn hóa Thái mới thấy rằng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trên mảnh đất Sơn La sẽ được gìn giữ, truyền nối mãi mãi cho các thế hệ mai sau.

PV Tây Bắc