dd/mm/yyyy

Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Những năm qua, tỉnh Sơn La đẩy mạnh bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, qua đó góp phần phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người đồng bào dân tộc.

Clip: Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đông Sửa nét đẹp văn hóa của người Thái đen Yên Châu

Sơn La với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng, đậm đà bản sắc, thể hiện ở trang phục, tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, âm nhạc, kiến trúc, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng...Những năm qua Sơn La nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống gắn với du lịch, quả đó không chỉ góp phần lưu giữ những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán mà con nâng cao thu nhập cho người dân.

Đối với truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái Đen ở bản Khá, xã Sạp Vạt (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), lễ Đông Sửa đã trở thành phong tục, tập quán và là nét đẹp văn hóa truyền thống đáng tự hào được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Theo già làng Quàng Văn Phanh, Bản Khá, xã Sặp Vạt (Yên Châu Sơn La): Khi những cánh rừng bắt đầu đâm chồi nảy lộc, những con thú trên rừng qua kỳ ngủ đông bắt đầu ra kiểm ăn, người vùng cao dọn dẹp nương rẫy, chuẩn bị cho một vụ mùa mới... thì cũng là lúc người Thái Đen ở bản Khá, xã Sạp Vạt, huyện Yên Châu chọn ngày lành, tháng tốt để tổ chức Lễ Đông Sửa. Lễ Đông Sửa nhằm cầu mong sức khỏe, một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch - Ảnh 2.

Lễ Đông Sửa của người Thái Đen ở Sơn La tổ chức tại rừng thiêng, vừa cúng lễ vừa đua tài độc đáo thu hút đông đảo người dân và du khách. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo già làng Quàng Văn Phanh, lễ Đông Sửa gồm phần lễ và phần hội đan xen. Các lễ vật dâng cúng gồm lợn, vịt, gà, rượu, gạo nếp, trầu, cau, áo thiêng của chủ rừng. Ngoài ra, mỗi hộ trong bản còn mang đến 1 đôi vòng tay bạc, 1 cuộn vải trắng, vải khít để làm lễ cúng. Khi tiến hành nghi lễ mọi người dân trong bản sẽ tập trung quanh miếu thờ; chủ lễ (ông mo) làm các thủ tục gọi mời các vị thần linh, như: Thần sông, thần núi, thần thổ địa, thần cai quản ruộng nương, bản mường, linh hồn người có công gây dựng bản mường về dự và tiếp nhận các lễ vật do nhân dân trong bản dâng lên, để cầu mong cho bà con trong bản sức khỏe và mùa màng tươi tốt.

Trao đổi với phóng viên, Ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Yên Châu là vùng đất sinh sống của 5 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số. Nét đặc trưng riêng trong phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc đã tạo cho Yên Châu nét văn hóa đa dạng, phong phú, được cộng đồng các dân tộc tham gia gìn giữ, bảo tồn nhiều đời nay.

Lễ hội Đông Sửa là sự kết hợp hài hòa giữa không khí Lễ hội truyền thống đặc sắc cùng các hoạt động văn hóa, ẩm thực, trò chơi dân gian truyền thống, đây là nơi hội tụ, giới thiệu, quảng bá đến du khách và người dân những nét văn hóa bản địa của dân tộc Thái huyện Yên Châu. Lễ hội Đông Sửa diễn ra trên quê hương của "những cô gái Thái Châu Yên bắn rơi máy bay Mỹ" tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách trong hành trình trải nghiệm du lịch qua miền Tây Bắc.

Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch - Ảnh 3.

Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch - Ảnh 4.

Tại lễ Đông Sửa diễn ra nhiều hoạt động văn hóa để người dân tham gia giao lưu, du khách khắp mọi nơi đến trải nghiệm. Ảnh: Văn Ngọc

Lưu giữ nét đẹp văn hóa trang phục đồng bào dân tộc Mông

Trang phục của người Mông luôn rất sặc sỡ, nổi bật. Tuy nhiên, để làm được một bộ trang phục hoàn chỉnh đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian; những nét hoa văn trên trang phục của đồng bào Mông còn thể hiện sự tài tình, khéo léo của phụ nữ Mông từ khâu tước lanh, tạo sợi, dệt vải, nhuộm tràm, vẽ sáp ong đến thêu hoa văn. Trang phục truyền thống của đồng bào Mông không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử.

Chị Hạng Thị Chu, bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ:  Bộ trang phục của đồng bào Mông, nhất là của phụ nữ gồm có khăn quấn đầu, khăn len, váy, yếm được thêu cầu kỳ, tỉ mỉ bằng tay; trong các ngày lễ, ngày tết và đặc biệt trong tuần văn hóa du lịch Mộc Châu đồng bào Mông bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc sẽ giới thiệu, giúp du khách được trực tiếp trải nghiệm cách tạo ra các hoa văn trên trang phục. Hoạt động này không chỉ nhằm giới thiệu nét đẹp văn hóa mà còn giới thiệu từng công đoạn để tạo nên hoa văn trên các trang phục của đồng bào Mông tới du khách gần xa.

"Trang phục của chúng tôi hoàn toàn được làm thủ công bằng tay, từ khâu tước lanh, dệt vải đến tạo hoa văn và thêu và những nét hoa văn này đã gắn chặt với văn hóa nhiều đời của chúng tôi. Để hoàn thành 1 bộ trang phục của phụ nữ chúng tôi phải mất cả tháng mới hoàn thành nên chúng tôi luôn thực hiện các chi tiết rất tỉ mỷ tạo thành sản phẩm đẹp nhất", chị Chu nói.

Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch - Ảnh 5.

Để tao ra bô trang phục phụ nữ Mông rất cầu kỳ, đòi hỏi bàn tay phụ nữ phải khéo léo. Ảnh: Văn Ngọc

Bộ trang phục của đồng bào Mông, nhất là của phụ nữ gồm có khăn quấn đầu, khăn len, váy, yếm được thêu cầu kỳ, tỉ mỉ bằng tay; và trong tuần văn hóa du lịch Mộc Châu năm 2023, đồng bào Mông bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Yên Châu (Sơn La) sẽ giới thiệu, giúp du khách được trực tiếp trải nghiệm cách tạo ra các hoa văn trên trang phục. Hoạt động này không chỉ nhằm giới thiệu nét đẹp văn hóa mà còn giới thiệu từng công đoạn để tạo nên hoa văn trên các trang phục của đồng bào Mông tới du khách gần xa.

Bà Nguyễn Thị Hoa, phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế du lịch được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch Mộc Châu theo hướng bền vững. Huyện đã hỗ trợ kinh phí để phục dựng, tái hiện một số lễ hội truyền thống, đặc sắc, như lễ hội Hết Chá, xã Đông Sang; lễ hội Cầu mưa, xã Mường Sang... Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước, tạo thành sản phẩm thu hút khách du lịch.

Với sự chủ động, tích cực của các cấp, ngành, địa phương, di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc đã và đang được bảo tồn và phát huy giá trị. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào của mỗi dân tộc về di sản văn hóa tốt đẹp, tích cực tham gia gìn giữ và phát triển để di sản văn hóa dân tộc sống mãi với thời gian.

Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch - Ảnh 6.

Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số góp phần phát triển du lịch tại địa phương. Ảnh: Văn Ngọc

Sơn La hiện nay duy trì trên 3.000 đội văn nghệ quần chúng tại các bản, tổ, tiểu khu, ngoài kinh phí hỗ trợ theo chính sách của tỉnh, các đội văn nghệ đã kêu gọi xã hội hóa, huy động nhân dân đóng góp để duy trì hoạt động, tham gia biểu diễn giao lưu, liên hoan, hội thi, hội diễn. Nhờ đó, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của tỉnh phát triển mạnh, là môi trường tốt để bảo tồn những điệu múa, dân ca, nhạc cụ truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và tổ chức phục vụ khách du lịch.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh