dd/mm/yyyy

Đầu tư phát triển nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn

Tỉnh Sơn La đã tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Clip: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn

Chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc La Ha

Thuận Châu (Sơn La) là huyện có đông đồng bào dân tộc La Ha sinh sống, tập trung tại các xã Nong Lay, Chiềng La và Liệp Tè, với hơn 560 hộ dân, trong đó tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để giúp đồng bào La Ha vươn lên xóa đói giảm nghèo, huyện Thuận Châu đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt...

Ông Thào A Súa, phó Bí thư Thường trực huyện ủy Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng là tập trung triển khai thực hiện các chương trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp nhằm giúp đồng bào dân tộc La Ha thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Huyện Thuận Châu đã hỗ trợ 100% hộ dân tộc La Ha di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở và xây dựng chuồng trại mới, hỗ trợ cho hơn 460 hộ cải tạo ao nuôi thủy sản; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây, ghép mắt, ủ phân trâu, bò... 

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc La Ha có nhiều chuyển biến rõ rệt, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được hình thành, cho hiệu quả kinh tế cao.

Đầu tư phát triển nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn - Ảnh 2.

Tại Sơn La, đồng bào La Ha sinh sống chủ yếu ở các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Mộc Châu. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Quàng Văn Tuân, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Hiên, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Bản Hiện có trên 51 hộ với hơn 280 nhân khẩu, bản 100% dân tộc La Ha. Trước đây người dân chủ yếu thu nhập từ sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày trên nương như cây ngô, cây sắn… chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu để tự cung tự cấp. Chính vì vậy cuộc sống của bản còn nhiều khó khăn. Nhiều năm trở lại đây, được nhà nước hỗ trợ về cây giống, con nuôi, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, nhờ đó mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.

Đầu tư phát triển nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn - Ảnh 3.

Dân tộc La Ha có nét văn hóa truyền thống đa dạng, đặc sắc, độc đáo được gìn giữ qua thời gian dài. Ảnh: Văn Ngọc

Còn tại huyện Mường La (Sơn La) có 1.157 hộ dân, 4.858 nhân khẩu, là người dân tộc La Ha, sinh sống tại 33 bản thuộc 14 xã. Những năm qua, huyện luôn quan tâm triển khai nhiều chương trình, chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc La Ha vươn lên xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hàng năm, huyện tổ chức rà soát nhu cầu để xây dựng phương án hỗ trợ các bản, xã có dân tộc La Ha. Đồng thời, triển khai Đề án hỗ trợ và phát triển kinh tế - xã hội dân tộc La Ha giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La theo Quyết định số 2477/QĐ-UBND của UBND tỉnh và Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với nhiều chính sách hỗ trợ, như: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (Chương trình 135); hỗ trợ nông, lâm nghiệp và vốn vay ưu đãi cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo chí; hỗ trợ muối iốt phòng, chống bướu cổ; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giáo dục, y tế, văn hóa...

Ông Lò Văn Xiên, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pá Kìm, xã Chiềng Muôn cho biết: Năm 2020, bản Pá Kìm được huyện đầu tư 3,7 tỷ đồng xây dựng tuyến đường giao thông và cầu dân sinh, tổng chiều dài 1,5 km. Ngoài được hỗ trợ làm đường giao thông, bản còn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia. Được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, vận động, 100% bà con trong bản xây dựng chuồng trại chăn nuôi cách xa nơi ở, xây dựng lò đốt rác mini và nhà tiêu hợp vệ sinh. Diện mạo của bản từng bước đổi thay, bà con yên tâm phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Đầu tư phát triển nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn - Ảnh 4.

Nhờ được đầu tư về cơ sở vật chất, đời sống của đồng bào dân tộc La Ha ngày càng được nâng lên. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện hiện có hiệu quả các chính sách về dân tộc

Thực hiện Quyết định 2086, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) có 455 hộ đồng bào La Ha được hưởng chính sách; trong đó số hộ được thực hiện hỗ trợ giai đoạn năm 2019 - 2020 là 379 hộ đang sinh sống tại 5 bản thuộc 3 xã Nặm Ét, Mường Sại và Mường Giàng. Để thực hiện có hiệu quả, huyện Quỳnh Nhai đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện triển khai lập hồ sơ hỗ trợ 3 hợp phần dự án, gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất, Hỗ trợ nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực sản xuất và Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.

Ông Lò Văn Inh ở bản Ten Che, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), một trong những hộ gia đình được hỗ trợ 1 bò từ nguồn vốn thuộc Quyết định 2086. Ngoài việc được nhận bò, gia đình ông Inh còn được tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi bò, kỹ thuật tiêm phòng và tiêm vắc xin phòng trừ bệnh. Nhờ đó, con bò của gia đình ông phát triển khỏe mạnh, sinh được 2 con bê con. 

Đầu tư phát triển nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn - Ảnh 5.

Tỉnh Sơn La đẩy mạnh hỗ trợ đồng bào dân tộc La Ha về con giống, cây trồng, giúp đồng bào dân tộc La Ha ổn định cuộc sống. Ảnh: Văn Ngọc

Tại Sơn La, đồng bào La Ha là dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người, sinh sống tập trung tại 42 bản ở 17 xã thuộc các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mộc Châu, trong đó huyện Mường La là nơi có đông đồng bào La Ha sinh sống nhất. Để đưa dân tộc La Ha vươn lên thoát khỏi đói nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 2477/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 phê duyệt hỗ trợ và phát triển kinh tế-xã hội dân tộc La Ha giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn để thực hiện Đề án hỗ trợ kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 theo 2086/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các DTTS rất ít người, giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định số. Những nội dung hỗ trợ của Đề án đã giúp đồng bào dân tộc La Ha thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất, ổn định dân cư.

Đầu tư phát triển nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn - Ảnh 6.

Đầu tư phát triển nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn - Ảnh 7.

Nhờ những nội dung hỗ trợ đã giúp đồng bào dân tộc La Ha thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất, ổn định dân cư. Ảnh: Văn Ngọc

Từ những nỗ lực trên, Sơn La đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào La Ha; bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có tiếng mẹ đẻ của đồng bào La Ha. Các công trình kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sản xuất được đầu tư thêm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, góp phần giảm dần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc trong tỉnh, xây dựng quê hương Sơn La ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh