dd/mm/yyyy

Giúp bà con dân tộc vùng cao hiểu biết pháp luật

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ tiếp cận, góp phần giúp đồng bào dân tộc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và hiểu rõ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Clip: Giúp bà con dân tộc vùng cao hiểu biết pháp luật

Tuyên truyền pháp luật hướng về cơ sở

Chúng tôi theo chân báo cáo viên huyện Yên Châu (Sơn La) đến xã Phiêng Khoài huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La tuyên truyền pháp luật. Xã Phiêng Khoài là một trong những xã vùng cao của huyện Yên Châu. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, khơ Mú,… Thực hiện đề án 1371 của huyện về phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Yên Châu đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, thôn, bản đội trưởng dân quân, người có uy tín và người dân trên địa bàn.

Anh Bùi Văn Hiếu, bản đội trưởng bản Kim Chung 1 xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La) chia sẻ: Chúng tôi đã được nghe các đồng chí báo cáo viên cấp huyện tuyên truyền, phổ biến những quy định cơ bản của Luật Biên giới Quốc gia; Luật phòng chống ma túy; Luật dân quân tự vệ; Luật phòng chống bạo lực gia đình và vận động nhân dân xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, tệ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mê tín dị đoan… Qua đó nhằm phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện.

"Thông qua buổi họp hôm nay bản thân mình cũng nắm thêm được một số quy định của luật phòng chống ma túy, luật dân quân tự vệ, phòng chống bạo lực gia đình. Qua đó mình cũng sẽ tuyên truyền với bà con nhân dân không vi phạm các quy định của luật" anh Hiếu nói.

Giúp bà con dân tộc vùng cao hiểu biết pháp luật - Ảnh 2.

Huyện Yên Châu (Sơn La) tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Bà Vì Thị Vinh, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Yên Châu (Sơn La), cho biết: Hằng năm, Hội đồng xây dựng kế hoạch tuyên truyền PBGDPL tới các xã, bản; trong đó, tập trung vào các luật liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân, doanh nghiệp; các chủ trương, chính sách pháp luật phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ, Luật Nghĩa vụ Quân sự, các nghị định mới của Chính phủ…

Với mỗi đối tượng, chúng tôi linh hoạt triển khai hình thức, mô hình phù hợp; hình thức tuyên truyền được đổi mới, ngoài tuyên truyền miệng tại các hội nghị, đã ứng dụng công nghệ thông tin, biên soạn các hình ảnh đồ họa; xây dựng video, phóng sự tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử của huyện và các cơ quan, đơn vị, mạng xã hội, internet.

Giúp bà con dân tộc vùng cao hiểu biết pháp luật - Ảnh 3.

Qua buổi tập huấn đã nâng cao giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc. Ảnh: Văn Ngọc

Đưa pháp luật vào cuộc sống

Còn tại huyện Bắc Yên là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La; có diện tích tự nhiên 109.867,3 ha, gồm có 15 xã và 01 thị trấn; dân cư sinh sống gồm 14.371 hộ, 70.440 nhân khẩu, với trên 93% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số gồm: dân tộc Mông, Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú, Tày, trong đó dân tộc Mông chiếm 45,63%, Dân tộc Thái chiếm 30,33%, Dân tộc Mường chiếm 16,54% , Dân tộc Kinh chiếm 4,32%, Dân tộc Dao chiếm 2,98%, Dân tộc Khơ Mú chiếm 0,15 %, Dân tộc Tày chiếm 0,04%.

Với địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận người dân nhận thức còn hạn chế, dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Hằng năm, UBND huyện đã giao Phòng Tư pháp phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tập trung triển khai tuyên truyền, phổ biến các luật, quy định mới ban hành; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Giúp bà con dân tộc vùng cao hiểu biết pháp luật - Ảnh 4.

Bắc Yên huyện vùng cao con nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: Nội dung, hình thức tuyên truyền đảm bảo tiêu chí "dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng", như tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của huyện; phát sóng các chương trình pháp luật bằng tiếng dân tộc qua hệ thống loa phát thanh ở các xã, bản; tuyên truyền lưu động; thông qua các cuộc họp bản, hội nghị, sinh hoạt chi bộ; hoạt động hòa giải ở cơ sở, phát tờ rơi, đối thoại, xây dựng các cụm pano, áp phích khẩu hiệu tại những địa điểm dễ nhìn, dễ thấy, nơi có nhiều người dân qua lại.

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị của huyện đã tổ chức trên 190 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các xã, thị trấn, thu hút trên 21.800 lượt người nghe; phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện phát bài, tin, các chương trình chuyên trang "Tìm hiểu pháp luật" trên Cổng thông tin điện tử của UBND huyện; phát trên sóng FM, hệ thống loa truyền thanh cơ sở về phổ biến, giáo dục pháp luật.

Giúp bà con dân tộc vùng cao hiểu biết pháp luật - Ảnh 5.

Công an huyện Bắc Yên (Sơn La) đến cơ sở tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật. Ảnh: Văn Ngọc

Các xã, thị trấn duy trì hoạt động của 238 tuyên truyền viên tham gia phổ biến giáo dục pháp luật; 102 tổ hòa giải với 721 thành viên. Các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận 87 vụ mâu thuẫn, tranh chấp; hòa giải thành 75 vụ, nhờ đó các tranh chấp, xích mích ở cơ sở được hòa giải kịp thời, không để trở thành vấn đề phức tạp. 100% xã đặc biệt khó khăn đã xây dựng tủ sách pháp luật, mỗi tủ có trên 300 đầu sách, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, nhân dân tìm hiểu, nghiên cứu các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật.

Anh Mùa A Vảng, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên (Sơn La) chia sẻ: Tôi thường xuyên được tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tôi và người dân trong bản hiểu hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và ý thức được, phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong cuộc sống thường ngày, không phá rừng, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại bản.

Giúp bà con dân tộc vùng cao hiểu biết pháp luật - Ảnh 6.

Sau khi được vận động tuyên truyền, người dân đã nâng cao được ý thức và giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Công an. Ảnh: Văn Ngọc

Qua 10 năm triển khai Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tuyên truyền với nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, đảm bảo hiệu quả. Tỉnh Sơn La đã tổ chức trực tiếp trên 74.700 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, 264 cuộc thi với trên 100 nghìn lượt người tham gia. Biên soạn, phát hành hơn 4 triệu tài liệu tuyên truyền.

Việc triển khai Luật phổ biến giáo dục pháp luật tại Sơn La đã tạo hành lang pháp lý vững chắc; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết nội bộ trong nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện Sơn La có trên 2.520 tổ hòa giải cơ sở, giai đoạn 2019-2022, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và giải quyết thành công 5.903/6.864 vụ việc, đạt tỷ lệ 86%.

Việc pháp luật vào cuộc sống, đã, giúp người dân vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với các nguồn thông tin về pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh