dd/mm/yyyy

Gìn giữ nét văn hóa dân tộc La Ha ở huyện vùng cao Sơn La

Những năm qua, huyện Thuận Châu (Sơn La) thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cho đồng bào La Ha trên địa bàn.

Clip: Gìn giữ nét văn hóa của người La Ha ở huyện vùng cao Sơn La

Văn hóa truyền thống dân tộc La Ha

Trên địa bàn huyện Thuận Châu hiện có trên 560 hộ, 2.580 nhân khẩu đồng bào dân tộc La Ha sinh sống tại 3 xã Nong Lay, Chiềng La và Liệp Tè. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào La Ha, huyện Thuận Châu đã đẩy mạnh nghiên cứu và phối hợp với các sở, ngành liên quan phục dựng các lễ hội, trang phục, tiếng nói, gắn với phát triển tiềm năng du lịch; tuyên truyền để đồng bào dân tộc La Ha tự hào, quý trọng những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Lễ hội Pang A của dân tộc La Ha tại huyện Thuận Châu (Sơn La), có thể coi là nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo được tổ chức để cầu cho mùa màng tươi tốt, con người có sức khỏe, cầu may mắn cho dân bản và bày tỏ lòng cảm tạ thần linh, cùng các thầy lang có công bảo vệ dân bản. Ông Quàng Văn Păn, bản Tát Ướt, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Pang A là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc La Ha được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Để là đây cũng là dịp để bà con dân bản tạ ơn với thần linh. Đắc biết lê hội là nơi để bàn con bản trên xóm dưới cùng tụ họp, giao lưu văn hóa văn nghệ. Cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi… cùng nhau làm ăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Gìn giữ nét văn hóa của người La Ha ở huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 2.

Lễ hội Pang A của dân tộc La Ha (Sơn La), là nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo được tổ chức để cầu cho mùa màng tươi tốt, con người có sức khỏe, cầu may mắn cho dân bản. Ảnh: Văn Ngọc

Ngoài ra, nét văn hóa độc đáo của dân tộc La Ha còn có điệu múa Tăng Bu. Các đạo cụ, nhạc cụ để biểu diễn trong bài múa khá đơn giản, dễ làm. Bài diễn tấu có 5 người phụ nữ cầm những chiếc gậy tre dài khoảng 1,2m, thúc xuống tấm ván gỗ theo nhịp 2-3 xuyên suốt cả tiết mục, bên cạnh đó còn có mõ và đàn đao đao được làm từ những ống nứa để đệm. Những âm thanh này kết hợp với nhau mang lại không khí vui tươi rộn ràng. Những động tác, nhịp điệu trong bài múa mô phỏng tập quán sản xuất nông nghiệp, như chọc lỗ, tra hạt, gặt lúa..., gửi gắm ước muốn về một mùa vụ bội thu, cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng ấm no.

Gìn giữ nét văn hóa của người La Ha ở huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 3.

Những động tác, nhịp điệu trong bài múa của đồng bào La Ha mô phỏng tập quán sản xuất nông nghiệp, như chọc lỗ, tra hạt, gặt lúa..., gửi gắm ước muốn về một mùa vụ bội thu, cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng ấm no. Ảnh: Văn Ngọc

Nhiều giải pháp gìn giữ nét văn hóa của người La Ha 

Công trình nhà văn hóa cộng đồng cho dân tộc La Ha tại bản Hiên, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu (Sơn La) được khởi công xây dựng từ tháng 3/2023, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình được thiết kế hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa dân tộc La Ha với 1 nhà văn hóa 1 tầng, công trình vệ sinh, mái lợp tôn, tổng diện tích 237,6 m2. Tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Việc đưa công trình này vào hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo lập không gian sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Đồng thời, nơi đây sẽ là địa chỉ để lực lượng thanh niên tình nguyện tổ chức các chương trình, hoạt động cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Gìn giữ nét văn hóa của người La Ha ở huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 4.

Nhà văn hóa cộng đồng cho dân tộc La Ha tại bản Hiên, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào La Ha, huyện Thuận Châu đã tổ chức các lớp truyền khẩu dạy tiếng dân tộc La Ha cho hàng trăm học viên là đồng bào dân tộc La Ha, hỗ trợ thiết bị nhà văn hóa, tổ chức khảo tả Lễ cúng bản (Xên bản) nhằm giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc La Ha. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc La Ha, mà còn đóng góp vào kho tàng bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La.

Gìn giữ nét văn hóa của người La Ha ở huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 5.

Không gian trưng bày sắc màu dân tộc La Ha tại nhà văn hóa cộng đồng. Ảnh: Văn Ngọc

Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc La Ha nói riêng thời gian qua, đã giúp người La Ha trên địa bàn huyện Thuận Châu vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống. Thời gian tới, huyện Thuận Châu tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ, chú trọng khôi phục các lễ hội văn hóa và duy trì hoạt động của các đội văn nghệ ở các bản người La Ha; mở các lớp truyền khẩu tiếng dân tộc La Ha, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc La Ha.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh