Clip: Lễ hội cầu mùa, nét văn hóa của dân tộc Dao vùng cao Sơn La
Lễ hội cầu mùa, nét văn hóa của dân tộc Dao vùng cao Sơn La
Là một xã vùng sâu của huyện Bắc Yên (Sơn La), Phiêng Côn có 4 bản và chủ yếu có 2 dân tộc sinh sống là dân tộc Dao và dân tộc Mông, trong đó, dân tộc Dao chiếm hơn 55%. Lễ hội cầu mùa là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống và cũng là Lễ hội dân gian tín ngưỡng văn hoá nông nghiệp của cộng đồng dân cư dân tộc Dao nơi đây.
Lễ hội cầu mùa diễn ra gồm 2 phần là phần Lễ và phần hội nhằm tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, mang tính cộng đồng, truyền thống đoàn kết và mang giá trị văn hóa của địa phương.
Ở phần Lễ, được tổ chức tại một địa điểm là ở đầu bản, đây là phong tục truyền thống của người Dao từ ngàn xưa để cầu cho mọi người trong bản luôn khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, có mùa bội thu và phát triển chăn nuôi được nhiều, bản làng hòa thuận, đoàn kết. Tiếp lễ cúng là các trưởng dòng họ, người có uy tín và thầy cúng trong bản của người Dao tổ chức nghi lễ nhảy múa để xua đuổi mọi điều không tốt, đuổi tà ma trong dân làng và đặc biệt là thực hiện nghi thức quay đầu gà để chọn ra người tiên phong, mở đầu cho vụ sản xuất mới trong năm. Quay đầu gà, mỏ gà hướng về người nào thì người đó sẽ là người đầu tiên nhất cuốc ra để gieo hạt hay trồng các loại cây trên nương, sau đó, người dân trong bản mới được thực hiện.
Lễ hội cầu mùa của người Dao xã Phiêng Côn (Bắc Yên, Sơn La) được diễn ra thường niên vào dịp tháng 2 và tháng 6 âm lịch hằng năm. Theo phong tục, sau cúng cầu mùa, tất cả mọi người dân trong bản phải chấp hành nghiêm ngặt trong 3 ngày, không được ai làm điều gì xấu trái với quy ước, hương ước trong bản, nếu ai vi phạm sẽ có thể bị phạt theo lệ làng.
Ông Bùi Văn Chinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nhèm, xã Phiêng Côn (Bắc Yên, Sơn La) cho biết: Lễ hội cầu mùa là cúng thần linh về phụ hộ cho dân làng, an lành, rồi trừ tà ma. Cầu mùa cho mưa, gió thuận hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà mạnh khỏe, người người mạnh khỏe, nhà nhà hạnh phúc.
Để giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống của dân tộc, bên cạnh phần lễ Ban tổ chức còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, như thi đấu Kéo co, bắn nỏ, đan lát, thi ẩm thực, trình diễn duyên dáng trang phục dân tộc, trưng bày gian hàng và giao lưu văn nghệ.
Nghề đan lát không khó nhưng đòi hỏi phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ và chịu khó, từ xưa, người Dao đã tự đan lát các vật dụng rất độc đáo sử dụng trong gia đình. Để gìn giữ và lưu truyền nghề đan lát truyền thống, tại Lễ hội năm nay, Ban tổ chức đã đưa nội dung thi đan lát vào phần hội, thi đan lát, mỗi người thực hiện đan một cái sọt gùi.
"Dân tộc Dao từ ngàn xưa thì đan lát nhiều thứ để gùi ngô, gùi sắn, đựng cám lợn và sắn các thứ", ông Lò Văn Pạo, bản En xã Phiêng Côn (Bắc Yên, Sơn La) thí sinh tham gia dự thi đan sọt gùi nói.
Nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa đặc trưng thông qua trang phục truyền thống các dân tộc trong xã, Ban tổ chức tổ chức cuộc thi "duyên dáng và trình diễn trang phục dân tộc", qua đây, giới thiệu cho bà con nhân dân và du khách gần xa trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, trang phục truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa tốt đẹp dân tộc.
Ở phần trình diễn ẩm thực, mỗi đội tham gia làm 1 mâm cỗ và được chế biến từ các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, rau, củ, quả để tạo ra những món ăn ẩm thực dân tộc hết sức độc đáo, mang nét văn hóa ẩm thực đặc trưng rất hấp dẫn về hình thức và phù hợp khẩu vị với mọi người, góp phần phục vụ cho phát triển du lịch tại địa phương.
Chị Đặng Thị Quyên, bản En, xã Phiêng Côn (Bắc Yên, Sơn La) cho biết: Những năm gần đây, xã Phiêng Côn phát triển mô hình trồng dứa, với tổng diện tích là 18,5 ha trong đó có bản En chúng tôi, những quả dứa đẹp, sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Thứ 2 là gừng được hầu hết bà con nhân dân chúng tôi trồng, gừng vừa là món ăn gia vị trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình, cũng là một vị thuốc rất tốt cho sức khỏe mỗi con người.
Trao đổi với phóng viên báo NTNN/Dân Việt/Trang trại Việt điện tử, ông Lò Văn Pý, Chủ tịch UBND xã Phiêng Côn (Bắc Yên, Sơn La) cho biết: Xã Phiêng Côn tổ chức Lễ hội cầu mùa lần này là lần thứ 2 năm 2023. Đây là hoạt động văn hóa có rất nhiều ý nghĩa; là lời giới thiệu về con người và mảnh đất quê hương tươi đẹp Phiêng Côn. Con người Phiêng Côn nồng hậu, thân thiện và mến khách. Khi đến nơi đây, du khách sẽ có những cái khám phá, trải nghiệm thú vị, ấn tượng sâu sắc và đa dạng.
Tại Lễ hội, ông Thào A Mua, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: Đây là dịp để dân tộc Dao phát huy giá trị văn hóa dân tộc của đồng bào, phát huy và truyền lại cho thế hệ sau. Đây cũng là một hoạt động có ý nghĩa để thu hút phát triển du lịch về nét văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện, cũng như dân tộc Dao của huyện Bắc Yên. Lễ hội cầu mùa lần thứ hai xã Phiêng Côn (Bắc Yên, Sơn La) năm 2023 là nét giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp về mặt tâm linh là cầu mùa cho bản làng, đồng thời tạo sự giao lưu, học hỏi về các hoạt động văn hóa, văn nghệ TDTT cho người dân nơi đây nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.