dd/mm/yyyy

Hang A Phủ địa danh mang giá trị lịch sử, văn hóa

Đến với xã Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La), chúng tôi có dịp trải nghiệm hang A Phủ, địa danh mang giá trị văn hóa, lịch sử...

Hang A Phủ địa danh mang giá trị văn hóa, lịch sử

Hang A Phủ, Di tích lịch sử Căn cứ kháng chiến 99

Xã Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La) là nơi viết lên tác phẩm chuyện tình "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài, cũng là nơi có bài hát "Bài ca trên núi" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Hồng Ngài có địa danh nổi tiếng đó là hang A Phủ, nơi đây, không những là địa danh mang giá trị lịch sử mà còn mang ý nghĩa giá trị văn hóa, có nhiều nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ đã thổi hồn vào nó viết lên những bản tình ca, tiếng hát mang đậm nét bản sắc nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên (Sơn La).

Như nhiều vùng cao khác trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La), nơi đây, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hang A Phủ nằm cách trung tâm xã Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La) khoảng hơn 2 km, xung quanh chủ yếu là rừng và núi đá, xung quanh khu vực hang đồng bào dân tộc Mông canh tác đất nương và làm ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang mùa lúa chín vẽ ra bức tranh vàng rực rỡ rất nên thơ và trữ tình. 

Theo người dân địa phương, trước đây hang A Phủ có tên Thẳm Cốp. Từ độ cao hơn 1.000m, cửa hang cao, rộng nhìn ra khoảng rừng núi xanh thẳm, hùng vĩ. Vào bên trong Hang A Phủ nơi rộng nhất khoảng hơn 40m, độ dài hang khoảng hơn 100m, xuyên qua một núi đá.

Hang A Phủ địa danh mang giá trị văn hóa, lịch sử - Ảnh 1.

Cửa hang A Phủ, xã Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Theo tài liệu lịch sử, hang "Vợ chồng A Phủ" nằm trong khu căn cứ kháng chiến 99 chống pháp ở huyện Bắc Yên (Sơn La). Nơi đây là các lũng, lán bí mật để cất giấu lương thực, tránh địch càn quét và nuôi giấu cán bộ, là nơi vận động và tuyên truyền người dân tin theo Đảng, đấu tranh chống thực dân Pháp. Do nằm xa trung tâm huyện, với địa hình phức tạp, rừng rậm bao quanh nên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hang A Phủ đã từng được Đại đội Quân báo thuộc Bộ Tổng tham mưu chọn là nơi đóng quân và cất giữ vũ khí để tìm cách vượt sông Đà chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc năm 1952.

Hang A Phủ địa danh mang giá trị văn hóa, lịch sử - Ảnh 2.

Từ cửa hang A Phủ nhìn ra khoảng rừng núi xanh thẳm, hùng vĩ. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Giàng A Tu năm nay đã hơn 70 tuổi, ở bản Hồng Ngài, nguyên là cán bộ nghỉ hưu qua các thời kỳ tại xã Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La) kể lại: Hang A Phủ cũng là nơi bí mật nuôi giấu nhiều chiến sỹ du kích hoạt động cách mạng, cũng tại nơi này, nhân dân xã Hồng Ngài đã bí mật đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm cho du kích và các chiến sỹ cách mạng, đảm bảo an toàn, góp phần cho sự thành công giải phóng dân tộc của huyện Bắc Yên nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung.

Chính vì lẽ đó, năm 2005, xã Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La) vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc xã Hồng Ngài thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Hang A Phủ địa danh mang giá trị văn hóa, lịch sử - Ảnh 3.

Du khách đến Khu di tích lịch sử Căn cứ kháng chiến 99 trải nghiệm và thăm quan. Ảnh: Nguyễn Vinh

Hang A Phủ, bức tranh hiện thực về đời sống xã hội thời kỳ phong kiến - Pháp thuộc

Xuất phát từ giá trị lịch sử, hang A Phủ đã đi vào văn học theo tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Nhà văn Tô Hoài, kể về 2 nhân vật chính trong chuyện là Mị và A Phủ, sau khi bỏ trốn khỏi kiếp "Trâu, ngựa" trong gia đình Thống lý Pá Tra, trên đường đi Mị và A Phủ đã dừng chân và chọn nơi đây ẩn nấp, tránh sự lục soát của bọn tay sai Thống lý; cốt chuyện cũng kể về đời sống hiện thực rất khổ cực, nhất là phụ nữ dân tộc Mông thời bấy giờ của chế độ thực dân Pháp. Số phận của Mị tiêu biểu cho số phận người phụ nữ dân tộc Mông nghèo ngày trước, mặc dù có đầy đủ phẩm chất để được sống hạnh phúc nhưng vì những hủ tục: tục cho vay nặng lãi; tục cướp vợ trình ma; tục xử kiện, phạt vạ, trình ma người vay nợ...lại bị đọa đày trong kiếp sống nô lệ. Từ đây, Mị và A Phủ đã đi theo con đường cách mạng của Đảng, tham gia du kích hạt động phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Dựa trên tính nhân văn, cùng với tình yêu đôi lứa, núi non trùng điệp hữu tình và giá trị lịch sử hang A Phủ mà nhiều nhà văn, nhà thơ đã cảm nhận và thổi hồn thành những lời ca tiếng hát. Nơi đây nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương đã viết lên bài hát "Bài ca trên núi" mang đậm nét trữ tình, dễ đi vào lòng người.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Lầu A Tủa, chủ tịch UBND xã Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La) cho biết: Xuất phát từ giá trị lịch sử và giá trị văn hóa ở hang A Phủ, hiện nay được huyện Bắc Yên cho chủ trương quy hoạch hang A Phủ nằm trong các điểm du lịch của huyện, đầu tư đường bậc thang đi bộ lên trên hang, tạo điều kiện cho du khách đi lại thuận tiện hơn. Xã Hồng Ngài đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ môi trường sinh thái khu vực hang A Phủ, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sản xuất ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương để phục vụ khách đến du lịch trải nghiệm.

Hang A Phủ địa danh mang giá trị văn hóa, lịch sử - Ảnh 4.

Đường giao thông lên hang A Phủ được đầu tư xây dựng phục vụ du lịch. Ảnh: Văn Ngọc

Cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc

Phát huy truyền thống anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, với sự đồng lòng đoàn kết của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc, Hồng Ngài hôm nay đã có nhiều đổi thay, đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện. Hiện nay xã có 4/6 bản có đường ô tô đi được 4 mùa. Cùng với hệ thống đường giao thông, điện lưới, các cơ sở hạ tầng khác cũng được đầu tư khang trang. Các trường từ Mầm non đến THCS đều được xây kiên cố và có sân chơi, trang thiết bị đầy đủ. Trạm y tế xã cũng được đầu tư khang trang, đảm bảo cho công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị được chú trọng thường xuyên.

Hang A Phủ địa danh mang giá trị văn hóa, lịch sử - Ảnh 5.

Trụ sở UBND xã Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Hang A Phủ địa danh mang giá trị văn hóa, lịch sử - Ảnh 6.

Trường THCS Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La) được xây dựng khang trang. Ảnh: Nguyễn Vinh

Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Cấp ủy, Chính quyền xã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích nương bạc màu sang trồng các loại cây dược liệu như nghệ vàng, sa nhân, đinh lăng... Hồng Ngài hôm nay đang từng bước vươn mình góp phần xây dựng quê hương Bắc Yên ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Nguyễn Vinh - Văn Ngọc