dd/mm/yyyy

Điểm sáng nông nghiệp Phù Yên: Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

Huyện Phù Yên (Sơn La) phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô gia trại, trang trại gắn với quy hoạch, phát triển diện tích trồng cỏ, góp phần xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu

Clip: Phù Yên (Sơn La) phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với trồng cỏ chăn nuôi

Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với trồng cỏ chăn nuôi

Có thể nói, năm 2022 là một năm khó khăn đối với người chăn nuôi trên địa bàn huyện Phù Yên (Sơn La) do bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, dịch tả lợn châu Phi.... vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong huyện, sự nỗ lực vượt khó của người dân, đàn gia súc của huyện vẫn tăng trưởng ổn định với 117.650 con, tăng 5,5% so với kế hoạch, trong đó, đàn trâu, bò tăng 15%.

Để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, các cấp, ngành chức năng huyện Phù Yên (Sơn La) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn chuyển từ tập quán chăn thả rông sang nuôi theo hướng tập trung, nuôi nhốt; quy hoạch vùng trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn, kiểm soát phòng dịch bệnh trên đàn gia súc.

Điểm sáng nông nghiệp Phù Yên: Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với trồng cỏ chăn nuôi - Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung, nuôi nhốt tại xã Tường Thượng, huyện Phù Yên (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phù Yên (Sơn La) cho biết: Thực hiện Kết luận số 703 ngày 30/8/2022 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực 3 và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025. Nhằm tạo sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Phù Yên (Sơn La) đã tuyên truyền và định hướng cho người dân về phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển đại gia súc theo quy mô tập trung, trang trại, gắn với đầu tư trồng cỏ. Toàn huyện đã trồng được 1.100 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi, đạt trên 100% kế hoạch, tăng 4,7% so với năm 2021.

Điểm sáng nông nghiệp Phù Yên: Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với trồng cỏ chăn nuôi - Ảnh 3.

Năm 2022, huyện Phù Yên (Sơn La) đã trồng được 1.100 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Vinh

Điển hình trong chăn nuôi trâu bò theo mô hình nhốt chuồng, gắn với trồng cỏ voi phải kể đến trang trại của gia đình ông Lê Văn Chiển, gia đình anh Lê Văn Mến, bản Khoa 2, xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La) với 300-400 con trâu bò sinh sản và vỗ béo, trị giá hàng tỷ đồng. Nhiều hộ nông dân ở các xã, bản vùng cao như: Suối Bau, Suối Tọ, Quang Huy, Huy Bắc, Tường Thượng, Tường Phù, Gia Phù đã từ bỏ tập quán chăn nuôi thả rông làm chuồng nuôi nhốt, ngoài tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, như: rơm rạ, thân ngô tươi…,các hộ còn tích cực trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn xanh cho trâu bò.

Ông Lê Văn Chiển, bản Khoa 2, xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La) cho biết: Hiện tại, trang trại của gia đình tôi đang nuôi 400 con bò vỗ béo cung cấp cho thị trường, để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò thì gia đình tôi đã trồng 05ha cỏ voi và ngoài ra còn thu mua thêm của bà con trong xã 2-3 tấn cỏ mỗi ngày. Để chủ động nguồn thức ăn, năm tới gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích trồng cỏ voi.

Cũng theo ông Chiển, để đàn bò phát triển ổn định thì việc phòng chống dịch bệnh phải được quan tâm tiêm phòng đầy đủ, khoảng 4-5 ngày phải phun khử trùng chuồng trại, rắc vôi  bột 1 lần mới đảm bảo an toàn.

Với gia đình anh Lê Văn Mến, hiện tại, quy mô trang trại là 300 con bò. "Để đảm bảo đủ lượng thức ăn cho đàn bò, gia đình tôi trồng 04ha cỏ voi và vào mùa gặt tích trữ thêm rơm khô, thân cây sắn, mía, thân cây ngô già, ủ chua hàng trăm tấn thức ăn dự trữ", anh Mến nói.

Điểm sáng nông nghiệp Phù Yên: Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với trồng cỏ chăn nuôi - Ảnh 4.

Thức ăn được ủ chua dự trữ phục vụ chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Vinh

Để dự trữ thức ăn và phòng chống đói, rét cho đàn gia súc vào mùa đông và phòng trừ các loại bệnh trong chăn nuôi, UBND huyện Phù Yên (Sơn La) đã chỉ đạo các ngành chức năng, như: Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân cách ủ chua thức ăn cho gia súc; tập huấn biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc cho các hộ chăn nuôi. Đồng thời để đàn gia súc phát triển ổn định Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tuyên truyền tiêm vắc xin phòng bệnh và phun tiêu độc, khử trùng.

Theo ông Nguyễn Bá Tú, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên (Sơn La) cho biết: Năm 2022, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức mở được 30 lớp tập huấn hướng dẫn người dân cách ủ chua thức ăn cho trâu, bò tại 26/26 xã với trên 1.000 người tham gia; tổ chức tập huấn biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc cho các hộ chăn nuôi được 27 lớp với 1.530 lượt người tham gia; Kết quả tiêm phòng vắc xin: Tiêm Vắc xin VDNC trâu, bò theo hình thức xã hội hóa được 10.970 liều; tiêm vắc xin theo Nghị quyết 89/2014 và Nghị quyết 56/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh: vắc xin lở mồm long móng trâu, bò 45.500/45.500, vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò 40.040/40.040 liều, vắc xin dịch tả lợn 3.160/3.160 liều và phun tiêu độc, khử trùng 146,65 ha.

Điểm sáng nông nghiệp Phù Yên: Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với trồng cỏ chăn nuôi - Ảnh 5.

Tập huấn hướng dẫn người dân cách ủ chua thức ăn phục vụ chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Vinh

Ngành chăn nuôi bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng kể cho huyện Phù Yên (Sơn La), tuy nhiên, chăn nuôi đại gia súc của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để khắc phục những khó khăn trên, nhằm phát huy lợi thế của địa phương, huyện Phù Yên (Sơn La) tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gắn với quy hoạch, phát triển diện tích trồng cỏ và đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu chất lượng và gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết giá trị. Qua đó, từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân.

Tiếp tục duy trì và phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, bà Đinh Thị Thu Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Phù Yên (Sơn La) cho biết: Năm 2023, huyện Phù Yên đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô gia trại, trang trại gắn với quy hoạch, phát triển diện tích trồng cỏ. Hướng dẫn bà con ủ chua, dự trữ thức ăn, chủ động phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc gắn với nuôi nhốt. Tăng cường các biện pháp quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; giám sát và kiểm soát có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh. Triển khai có hiệu quả Kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực 3 và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tiếp tục thực hiện công tác thu hút đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Phù Yên phấn đấu tổng đàn gia súc đạt 118.200 con.

Nguyễn Vinh - Văn Ngọc