Clip: Nông dân thu nhập cao từ chăn nuôi khoa học
Thu nhập cao từ việc thay đổi tư duy chăn nuôi
Được Phòng NN&PTNT huyện Sông Mã (Sơn La) giới thiệu, chúng tôi tìm đến mô hinh chăn nuôi dê Boer của HTX Toàn Phát tại bản Mé, xã Nà Nghịu huyện Sông Mã (Sơn La), hai bên đường dẫn vào trang trại nuôi dê là đồng cỏ xanh mướt khiến chúng tôi cảm thấy dễ chịu. Đên khi bước vào trong trang trại và đến gần những chú dê, con nào con đấy đều lông mượt, béo tròn, chúng tôi không hề ngửi thấy một mùi khó chịu nào từ trại dê.
Anh Nguyễn Hồng Linh, Giám đốc HTX chia sẻ: Qua tìm hiểu về tình hình chăn nuôi dê hiện nay trên địa bàn các tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam...cho thấy nghề chăn nuôi dê sinh sản và nuôi dê thương phẩm có mức đầu tư vừa phải, chăm sóc, nuôi dưỡng cũng đơn giản và đặc biệt là thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Đầu năm 2022 Hợp tác xã xây dựng trang trại dê boer sinh sản tại bản Mé, xã Nà Nghịu với quỹ đất trồng cỏ và xây dựng chuồng trại 4,0ha, quy mô đầu tư ban đầu 100 con nái sinh sản và 5 con đực giống.
Chia sẻ về bí quyết nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao, anh Linh cho biết: Dê là vật nuôi rất dễ tính, ít bệnh nhưng không vì vậy mà lơ là chăm sóc, chuồng trại phải được vệ sinh thường xuyên, không để phân đọng trên nền chuồng. Chuồng nuôi dê cao ráo, sạch sẽ, tránh ẩm ướt. Sàn chuồng phải cách mặt đất từ 60 - 80 cm. Chuồng dê phải đảm bảo tránh mưa hắt, gió lùa và ánh nắng gay gắt trực tiếp chiếu vào dê. Phải xử lý được mùi hôi từ phân để hạn chế các bệnh về đường hô hấp cho dê và tạo môi trường trong lành trong chăn nuôi, hạn chế tối đa ruồi muỗi, dê phát triển khỏe mạnh, không mắc dịch bệnh.
Nhằm đảm bảo nguồn thức ăn cho trại dê, HTX Toàn Phát đã trồng trên 3 ha cỏ voi và cỏ sả. Giống cỏ này có hàm lượng dinh dưỡng cao, hợp khẩu vị với dê, nhất là khi trộn thêm các phụ phẩm như ngô, cám...Cũng theo anh Công, dê con sau 4 – 5 tháng chăm sóc, đạt trọng lượng 1 con dê đạt 40kg sẽ cho xuất chuồng. Anh Linh cho biết, hiện tại thị trường tiêu thụ dê đã ổn định hơn trước, với giá bán trên 120.000 đồng/kg dê thịt, mỗi con dê sau khi trừ chi phí thức ăn và công chăm sóc cho lãi khoảng 1 triệu đồng.
Không chỉ phát triển mô hình nuôi dê, HTX Toàn Phát cũng đưa mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản theo chuỗi giá trị tại bản Tây Hồ xã Nà Nghịu. Anh Linh chia sẻ: Hiện, khu chăn nuôi bò nhốt chuồng của HTX được xây dựng kiên cố với quy mô 3.000 m², chia thành 20 chuồng riêng biệt. Được hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, tháng 9/2020, HTX triển khai nuôi thí điểm 60 con bò giống lai sind, batman trên nền đệm lót sinh học. Sau 02 năm triển khai mô hình nuôi bò lai sind sinh sản, bước đầu đàn bò đã sinh sản được 35 con bê con, với doanh thu ước đạt 1,25 tỷ đồng; trong đó thu từ sản xuất con giống 1,05 tỷ đồng, từ bán phân hữu cơ được 200 triệu đồng.
Còn đối với gia đình ông Lê Thanh Nghị, bản Tân Tiến xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã (Sơn La) mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi lợn quy mô trang trại theo hướng công nghiệp. Ông Nghị cho biết: Hiện nay quy mô gia đình ông lúc nào cũng có từ 10 con lợn nái và khoảng 100 con lợn thịt. Nuôi lợn theo hướng công nghiệp vẫn được giá hơn so với "nuôi bộ" như trước kia, con lợn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, tăng trọng nhanh, tỷ lệ thịt xẻ nhiều, được thương lái chọn mua.
"Để chăn nuôi lợn phát triển ổn định, ít bị dịch bệnh, ông luôn phải tìm tòi, học hỏi từ những người đi trước về kinh nghiệm; tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức. Mặt khác, phải chủ động trong việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn, có quy trình chăn nuôi hợp lý, đảm bảo vệ sinh thú y chuồng trại. Trung bình mỗi năm gia đình ông xuất ra thị trường từ 10 đến 12 tấn lợn", ông Nghị nói.
Sông Mã phát triển chăn nuôi bền vững
Trao đổi với ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Là địa phương có lợi thế về phát triển nông nghiệp, huyện Sông Mã đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò theo các mô hình trang trại, gia trại, HTX và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư mở rộng, thúc đẩy phát triển chăn nuôi.
Huyện đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phát triển đàn gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo hướng gia trại, trang trại; ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, ưu tiên phát triển loại mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa gắn công nghiệp chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu, trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế của địa phương.
Để duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, đảm bảo nguồn thực phẩm, giống vật nuôi tại chỗ, huyện Sông Mã đã chỉ đạo xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi, thực hiện các chương trình hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đã thực hiện tốt việc nhận ủy thác với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi từ hình thức chăn thả đàn gia súc sang nuôi nhốt, gắn với trồng cỏ; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi trao đổi kinh nghiệm; định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng đất đai, thâm canh tăng vụ để tăng thêm nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi.
Đến nay, toàn huyện có trên 52.000 con bò, trên 12.200 con trâu, hàng chục nghìn con lợn. Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Sông Mã đang tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ cho người chăn nuôi bền vững, duy trì và mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.