dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển chăn nuôi hướng tới sinh kế bền vững ở vùng cao

Tư duy người chăn nuôi đã thay đổi, nhiều hộ đã đầu tư xây dựng chuồng trại; trồng cỏ, phát triển chăn nuôi trâu bò vỗ béo, sinh sản nhốt chuồng...

Mai Sơn phát triển chăn nuôi bền vững

Người dân huyện Mai Sơn (Sơn La), những năm trước đây quen với tập quán thả rông gia súc, chăn nuôi nhỏ lẻ và không áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi chưa trở thành hàng hóa. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là vào thời điểm giao mùa. Khiến cho việc phát triển đại đàn gia súc con chưa phát triển.Trong những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi gia súc của huyện Mai Sơn (Sơn La) đang có những bước chuyển biến khá mạnh cả về số lượng và chất lượng.  

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển chăn nuôi hướng tới sinh kế bền vững ở vùng cao - Ảnh 1.

Trước đây người dân huyện Mai Sơn (Sơn La) quen với việc chăn thả trâu, bò ngoài đồng. Ảnh: Văn Ngọc

Dân phóng viên đến thăm các mô hình chăn nuôi, ông Lò Văn Nam, Trưởng bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Mấy năm gần đây, bà con trong bản đã chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò, nhất là nuôi bò cái sinh sản. Do diện tích đất ít nên các hộ đã tận dụng diện tích xung quanh nhà, bờ suối để trồng cỏ. Hiện, bản có trên 100 con trâu, gần 200 con bò, trung bình mỗi hộ có 500 m2 cỏ VA06.

Ôm bó cỏ từ dưới khe suối lên, ông Lò Văn Thịnh, cho biết: không có nhiều đất trồng cỏ nên gia đình tận dụng đất ven bờ suối để trồng 400m2 cỏ VA06. Năm 20015, với số vốn tích góp của gia đình cùng với một số tiền vay mượn từ họ hàng, gia đình ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua bò giống về nuôi. Hiện, gia đình có 5 con bò cái sinh sản và 2 con trâu; mỗi năm thu 25 triệu đồng từ tiền bán bê con.

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển chăn nuôi hướng tới sinh kế bền vững ở vùng cao - Ảnh 2.

Những năm trở lại đây, nhiều người dân huyện Mai Sơn đã chuyển từ nuôi trâu, bò thả rông sang nuôi nhốt chuồng để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng như nhiều hộ gia đình khác ở xã Chiềng Mung, nhận thấy việc nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản dễ đạt kết quả và đem về hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, năm 2016, từ số vốn tích góp được, gia đình bà Lò Thị Học, bản Nà Nọi, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã đầu tư xây chuồng trại, nuôi bò vỗ béo với quy mô thường xuyên 6 bò cái sinh sản và 10 con bò vỗ béo. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, với 05 ha đất đồi của gia đình chuyển sang trồng cỏ voi.

"Trước kia gia đình nghèo lắm, quanh năm vất vả, phụ thuộc vào cây ngô trồng trên nương. Mấy năm gần đây, thời tiết thất thường, năng suất cây trồng giảm. Cùng với đó, trồng cây trên nương vất vả, mất nhiều công, thu nhập của gia đình không ổn định. Gia đình đã đầu tư nuôi bò, giờ thu nhập ổn định hơn trước", bà Học nói.

Với kỹ thuật nuôi trâu, bò vỗ béo chuẩn, khoa học nên đàn bò của gia đình bà Học lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá. Trong một năm, gia đình bà bán bò thành nhiều đợt, mỗi đợt bán từ 4-5 con bò đã vỗ béo. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 150 triệu đồng", bà Học nói.

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển chăn nuôi hướng tới sinh kế bền vững ở vùng cao - Ảnh 3.

Mô hình nuôi bò sinh sản, vỗ béo đã giúp hộ gia đình bà Lò Thị Học, bản Nà Nọi, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn (Sơn La) có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Hiệu quả phát triển chăn nuôi bền vững

Hiện nay trên địa bàn huyện Mai Sơn, đàn trâu trên 12 nghìn con, đàn bò gần 28 nghìn con… Huyện Mai Sơn đã đưa nội dung trồng cỏ hàng hoá gắn với phát triển đại gia súc theo hướng tập trung vào 12 chủ trương nội bật phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Từ đó, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị, lựa chọn và phát triển giống bò lai, có năng suất, chất lượng cao như: Bò BBB, bò Brahman... với mục tiêu phát triển 2.000 con trâu, bò trở lên/năm. Để đáp ứng được nguồn thức ăn cho đàn gia súc thực hiện các phong trào trồng cỏ mang tính hàng hóa, phấn đấu đạt 550 ha cỏ đến năm 2025.

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển chăn nuôi hướng tới sinh kế bền vững ở vùng cao - Ảnh 4.

Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, chăn nuôi trâu bò quy mô. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn cho biết cho biết: Những năm qua, huyện Mai Sơn đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chuyển từ tập quán chăn thả tự do sang nuôi theo hướng tập trung; quy hoạch vùng trồng cỏ và vận động các hộ chăn nuôi chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn, kiểm soát phòng dịch bệnh trên đàn gia súc. Phát triển chăn nuôi hướng tới sinh kế bền vững.             

Các hộ chăn nuôi không chỉ áp dụng kỹ thuật mới để chăm sóc, lai tạo giống, nâng cao chất lượng đàn, đầu tư xây dựng chuồng trại đảm bảo, mà còn thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng chủ động nguồn thức ăn, nước uống và cách phòng dịch bệnh hiệu quả.

Nông thôn Tây Bắc: Phát triển chăn nuôi hướng tới sinh kế bền vững ở vùng cao - Ảnh 5.

Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò. Ảnh: Văn Ngọc

Định hướng chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, huyện Mai Sơn tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi theo hướng an toàn; thử nghiệm các loại vật nuôi mới có chất lượng, hiệu quả. Tăng cường việc quản lý về lĩnh vực chăn nuôi, thú y và chủ động trong công tác tuyên truyền, cung cấp các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi giúp người chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng và tham gia các dự án để phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa; khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh