Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình bà Lò Thị Tâm, bản Hượn, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La). Nhiều năm qua, gia đình bà là một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Trước đây, gia đình bà có nhiều khó khăn. Năm 2014 với số vốn tiết kiệm của gia đình, cùng với số tiền vay mượn từ anh em họ hàng, bà mua 500 gốc nhãn để phát triển kinh tế. Bà Tâm là người đầu tiên đưa giống nhãn lồng Hưng Yên về trồng tại xã Chiềng Đông.
"So với các giống nhãn khác như nhãn xuồng, nhãn cùi thì cây nhãn lồng Hưng Yên từ khi trồng đến lúc cho quả có thời gian ngắn hơn, chỉ khoảng 3 năm. Trong quá trình chăm sóc, tôi nhận thấy cây nhãn lồng Hưng Yên khá phù hợp với thời tiết, khí hậu ở đây" Bà Tâm nói.
Nhờ thực hiện đầy đủ các yếu tố kỹ thuật, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, quả nhãn gia đình bà Tâm làm ra có thương lái đến tận vườn thu mua, gia đình không phải lo đầu ra. Mỗi vụ nhãn lồng, gia đình bà Tâm thu hoạch hơn 10 tấn, bán với giá 20 - 30 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu được hơn 150 triệu đồng.
Cũng là tấm gương nông dân sản xuất giỏi, bà Lò Thị Hạnh, bản Bó Phương, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, Sơn La đã thành công với mô hình nuôi bò 3B vỗ béo. Bà Hạnh chia sẻ: Nhận thấy đất đai rộng lớn, thuận lợi cho việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi cùng với lá mía của người dân thu hoạch sau mỗi vụ vứt thừa thãi, cùng với sự vận động, tuyền truyền của hội Nông dân xã. Bằng nguồn vốn của gia đình, cộng với số tiền vay từ họ hàng, bà Hạnh đã đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi bò vỗ béo bằng cách nuôi nhốt chuồng.
Với kỹ thuật nuôi bò vỗ béo bài bản, khoa học nên đàn bò của bà Hạnh lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá. Đã có những con bán với giá trên 70 triệu đồng.
"Gia đình tôi nuôi bò 3B vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng này đã được 3 năm. Hiện tại, trang trại này có 12 con bò, mỗi con ăn khoảng 50-60 kg cỏ/ngày. Năm vừa rồi gia đình tôi bán được 8 con, bình quân mỗi con bán được từ 55- 70 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 200 triệu đồng", bà Hạnh nói.
Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Chiếm gần 80% dân số toàn huyện, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Yên Châu đã phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Để phong trào thi đua sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số lan tỏa, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất, khả năng cạnh tranh cao gắn với thị trường; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tham quan mô hình sản xuất hiệu quả; liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất. Đến nay, Hội nông dân các cấp nhận ủy thác hơn 110 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 2.600 hội viên vay; hỗ trợ hơn 290 nghìn cây giống cây ăn quả, hơn 7.600 con giống các loại và gần 100 tấn phân bón cho 2.423 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ đã góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm. Các hoạt động xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số có những bước phát triển mới bền vững hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân.
Có thể thấy, nét nổi bật trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số đó là đã chuyển đổi được nhận thức, thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu. Đồng bào tích cực phát huy thế mạnh của địa phương, giúp nhau vốn, vật tư, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất, ngày công lao động để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm....góp phần tăng trưởng kinh tế nông thôn miền núi, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.