Clip: 'đổi đời' từ trồng cỏ nuôi bò
Trồng cỏ nuôi bò - Hướng đi đúng của Nông dân Tây Bắc.
Mường Bú là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của huyện Mường La (Sơn La). Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nông nghiệp, phụ thuộc vào cây trồng trên nương, chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung.
Các sản phẩm nông nghiệp người dân tạo ra, giá cả không ổn định, đó là chưa kể thiên tai, dịch bệnh. Quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng thu nhập của người dân không được bao nhiêu.
Khác với nhiều người trong vùng, không khuất phục trước những khó khăn, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Lò Văn Toán, bản Mường Bú, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) chọn cho mình một hướng đi mới và thành công với mô hình nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo với thu nhập từ 120 – 150 triệu đồng/năm.
Chúng tôi gặp ông Toán đúng lúc ông đang cắt cỏ, chuẩn bị bữa chiều cho đàn bò của gia đình. Dừng tay với chiếc máy băm cỏ, ông Toán tâm sự: Trước kia gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình khác trong bản thu nhập phụ thuộc vào việc trồng cây ngô, cây sắn trên nương.
"Mấy năm trước đây cuộc sống gia đình khó khăn lắm. Đất đại ở vùng này bạc màu rồi, trồng cây ngô trên nương, không có đủ phân bón cho cây là không được thu gì cả, coi như năm đó mất mùa. Giá cả bây giờ cũng không ổn định, thu nhập của gia đình hạn hẹp, cùng lắm chỉ đủ ăn thôi", ông Toán nói.
Năm 2015, với số vốn tích góp của gia đình và vay mượn thêm từ họ hàng, ông Toán đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 4 con bò giống về nuôi. Sau hơn 8 tháng nuôi, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn bò của gia đình ông khỏe mạnh, lớn nhanh, thịt săn chắc, bán được giá cao.
"Nuôi bò vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao, thu hồi vốn nhanh, năm 2016 gia đình tôi đã mở rộng thêm chuồng nuôi, tăng số lượng đàn bò lên. Hiện nay, mỗi lứa nuôi, gia đình tôi duy trì từ 15-17 con" - ông Toán cho biết.
Hiệu quả kinh tế cao từ trồng cỏ nuôi bò.
Chia sẻ bí quyết chăn nuôi hiệu quả, ông Toán cho biết: Muốn chăn nuôi bò vỗ béo có hiệu quả thì phải chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, phải chú ý đến khẩu phần ăn của bò, định kỳ tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn bò.
Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, gia đình ông Toán đã chuyển đổi gần 1 ha đất ruộng sang trồng cỏ voi và cây chuối. Đây cũng là nguồn thức ăn chính cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho đàn bò. Ngoài ra, để tăng cường lượng thức ăn cho đàn bò, ông đã đi thu mua ngọn mía, rơm của các hộ khác về ủ làm thức ăn dự trữ để bò ăn dần.
"Để nuôi bò vỗ béo hiệu quả, một ngày tôi cho bò ăn 3 lần, sáng, trưa và tối, cỏ tươi kết hợp thức ăn tinh như cám, bột ngô... Tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn, môi trường xung quanh và cơ thể bò phải luôn được sạch sẽ" ông Toản nói.
Với kỹ thuật nuôi bò vỗ béo khoa học, đàn bò của gia đình ông Toán lớn nhanh, cho năng suất cao và bán được giá, có con bán với giá trên 30 triệu đồng.
"Một năm, gia đình tôi bán bò thành 2 đợt, mỗi đợt bán từ 6-7 con bò đã vỗ béo, bình quân mỗi con bán được từ 20- 30 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 150 triệu đồng", ông Toán nói.
Nhờ cần cù chịu khó và biết tận dụng lợi thế về đất đai, cùng lòng quyết tâm làm giàu và ham học hỏi, mô hình nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo của ông Lò Văn Toán rất đáng để học tập, nhân rộng. Ðây cũng là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi trâu, bò của huyện Mường La, đem lại hiệu quả cho nông dân.