Mai Sơn xác định chăn nuôi gia súc là 1 trong 2 trụ cột để phát triển kinh tế
Xác định chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) là 1 trong 2 trụ cột để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương, huyện Mai Sơn đã tập trung nghiên cứu và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá những diện tích đất và phong tục tập quán chăn nuôi của người dân, qua đó đề ra các giải pháp và kế hoạch phù hợp để trồng cỏ gắn với phát triển đàn vật nuôi, giúp người nông dân xoá nghèo.
Qua tìm hiểu thực tế tại các xã, huyện Mai Sơn có 1 lợi thế rất lớn mà không có huyện nào có được để phát triển chăn nuôi đại gia súc đó là 5.500 ha cây mía (tương đương với gần 60.000 tấn ngọn mía/năm, lại thu hoạch đúng vào mùa khô, ít cỏ), 11.000 ha cây ngô. Do vậy, đây là những điều kiện rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Vừa qua, huyện Mai Sơn đã đưa nội dung trồng cỏ hàng hoá gắn với phát triển đại gia súc theo hướng tập trung vào 12 chủ trương nội bật phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Từ đó, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị, lựa chọn và phát triển giống bò lai, có năng suất, chất lượng cao như: Bò BBB, bò Brahman... với mục tiêu phát triển 2.000 con trâu, bò trở lên/ năm.
Để đáp ứng được nguồn thức ăn cho đàn gia súc thực hiện các phòng trào trồng cỏ mang tính hàng hóa, phấn đấu đạt 550 ha cỏ đến năm 2025. Huyện Mai Sơn sẽ tuyên truyền người nông dân chuyển dần từ tập quán nuôi chăn thả nhỏ lẻ sang chăn nuôi chuồng trại tập trung, nhằm chủ động được nguồn thức ăn, kiểm soát và phòng chống được dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường. Xây dựng và hình thành khu chăn nuôi tập trung tại các địa bàn có đủ điều kiện, đáp ứng các quy định của pháp luật liên quan.
Mai Sơn khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia...
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Cường - Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, để thu nhập của người dân ổn định từ trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi gia súc, cách làm và giải pháp trọng tâm của huyện trước mắt là tập tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi cách thức chăn nuôi từ tập quán thả giông manh mún, nhỏ lẻ sang chăn nuôi có chuồng trại tập trung, theo quy mô trang trại, gia trại. Qua đó, người dân sẽ chủ động được lượng thức ăn chăn nuôi, kiểm soát và phòng chống được dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Thời gian tới, huyện sẽ tuyên truyền, khuyến khích và động viên tinh thần người dân trong chăn nuôi, đầu tư vốn liếng xây dựng chuồng nuôi gia súc, khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung đất đai phục vụ phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại, trọng tâm là phát triển chăn nuôi gắn với trồng cỏ (nguyên liệu đầu vào) và công nghiệp chế biến kết nối với thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Đồng thời thực hiện cơ chế, chính sách, nguồn vốn, chủ động lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, vốn vay… để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Phối hợp với các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Hát Lót… triển khai các chính sách tín dụng phát triển chăn nuôi. Triển khai, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ nhất là vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Trước đây, gia đình ông Hà Văn Chùm, xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) chủ yếu nuôi bò theo kiểu thả rông, hiệu quả từ việc chăn nuôi mang lại không cao. Công sức bỏ ra chăm sóc nhiều nhưng đàn vật nuôi phát triển kém và gầy, mỗi khi mùa đông về thì thiếu cỏ, do gia đình không đi chăn thả được. "Từ khi được huyện, xã tuyên truyền vận động trồng cỏ voi trên đất nương bạc màu và nuôi bò theo kiểu nhốt chuồng, tôi chủ động hơn về nguồn thức ăn cho đàn bò, thấy đàn bò béo tốt tôi rất vui mừng. Bò béo tốt và phát triển thì đồng nghĩa với việc gia đình tôi có nguồn thu nhập cao hơn", ông Chum cười nói.
Ngoài ra, để ngành chăn nuôi phát triển huyện Mai Sơn còn chú trọng đến khâu phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật xử lý chất thải, nước thải từ chăn nuôi, trong đó tập trung triển khai các giải pháp cụ thể: Xây dựng hệ thống hầm biogas, ủ phân bằng phương pháp sinh học cùng với việc che phủ kín, xử lý nước thải bằng cây thủy sinh, sử dụng các chế phẩm sinh học (EM); Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học và xử lý bằng công nghệ ép tách phân... thu gom, sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ sinh học có nguồn gốc từ chất thải chăn nuôi; xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo công nghệ mới đảm bảo vệ sinh môi trường.
Huyện Mai Sơn tập trung quy hoạch, thu hút các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm, phát triển các loại hình dịch vụ thuốc thú y, hình thành chợ đại gia súc trên địa bàn huyện. Tập trung đẩy mạnh liên kết giữa hộ nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ sở chế biến, tiêu thụ phục vụ cho chăn nuôi. Qua đó, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân có nguồn thu nhâp ổn định từ chăn nuôi, góp phần xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong thời gian tới.