dd/mm/yyyy

Yên Châu: Phát triển chăn nuôi gia súc tập trung

Các hộ chăn nuôi gia súc tại xã Chiềng Đông (Yên Châu, Sơn La) đầu tư phát triển theo hướng tập trung, quy mô trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Clip: Xã vùng cao phát triển chăn nuôi đại đàn gia súc tập trung

Chăn nuôi gia sức, nông dân có thu nhập cao

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn các xã của huyện Yên Châu (Sơn La) đã chuyển từ việc chăn thả gia súc sang nuôi nhốt tập trung. Cũng nhờ nuôi nhốt gia súc, người dân có thể chủ động trong việc tiêm phòng; hạn chế đến mức thấp nhất vật nuôi chết do dịch bệnh, giá rét.

Đến thăm khu chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình Lò Văn Châư, bản Huổi Pù, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La), chúng tôi khá ấn tượng về cách bố trí chuồng trại bài bản. Ông chia khu chuồng ra từng ô nhỏ để tiện chăm sóc, cho ăn uống. Đàn trâu, bò con nào con đấy to khỏe, béo tròn, lông da bóng nhẫy. Dừng tay với chiếc máy băm cỏ, chuẩn bị bữa chiều cho đàn trâu, bò; ông Châư tâm sự: Trước kia gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong bản, cuộc sống vô cùng khó khăn. Kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào cây trồng trên nương, thu nhập không được bao nhiêu, bữa đói bữa no.

Xã vùng cao phát triển chăn nuôi đại đàn gia sức tập trung - Ảnh 2.

Ông Lò Văn Châư, bản Huổi Pù, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) bổ sung thức ăn tươi cho đàn trâu, bò của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Năm 2012, sau khi được đi thăm quan, học hỏi một số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn, ông thấy mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của gia đình. Ông đã đầu từ xây dựng chuồng trại, bước đầu mua 5 con bò giống về nuôi. Vừa nuôi, vừa học hỏi trên sách báo, từ đó tôi rút kinh nghiệm chăn nuôi cho bản thân. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, bổ sung đầy đủ thức ăn, đàn trâu, bò của gia đình tôi luôn phát triển tốt, chỉ sau 4 tháng là có thể xuất bán. Trừ tất cả chi phí đầu tư cho 1 con bò, gia đình tôi thu lãi từ 4-6 triệu đồng/con". ông Châư kể như vậy.

Sau một năm chăn nuôi thử nghiệm thành công, nhận thấy việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cho thu nhập nhanh, ổn định. Với số tiền tích góp của gia đình cùng với một phần vay mượn từ họ hàng, ông Châư đã đầu từ mở rộng khu chăn nuôi. Ông xây dựng thêm một dãy chuồng mới, duy trì một lứa nuôi từ 30-40 con trâu, bò.

Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò; gia đình ông Châư đã chuyển đổi gần 1ha đất ruộng sang trồng cỏ voi và cây chuối. Đây là nguồn thức ăn chính cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho đàn trâu, bò. Ngoài ra, để tăng cường lượng thức ăn phong phú, chủ động, ông đã đi thu mua ngọn mía, rơm của các hộ khác về ủ làm thức ăn dự trữ để bò ăn dần.

Nhờ kỹ thuật nuôi trâu vỗ béo chuẩn, khoa học nên đàn trâu, bò của ông Châư lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá, có con bán với giá trên 50 triệu đồng. "Trong một năm, gia đình tôi bán trâu, bò thành 2 đợt, mỗi đợt bán từ 25-30 con; sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 300 triệu đồng" - ông Châư bảo vậy.

Xã vùng cao phát triển chăn nuôi đại đàn gia sức tập trung - Ảnh 3.

Xã vùng cao phát triển chăn nuôi đại đàn gia sức tập trung - Ảnh 4.

Nhờ chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, gia đình ông Lò Văn Châư, bản Huổi Pù, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La), có thu nhập cao. Ảnh: Văn Ngọc

Còn đối với mô hình nuôi bò nhốt chuồng của chị Hà Thị Lương, bàn Luông Mé (Chiềng Đông, Yên Châu, Sơn La) rộng chừng 200m2, được xây dựng bằng những cột thép và bê tông chắc chắn với hơn 20 con bò, trong đó có 5 con đang sinh sản. Chị Lương chia sẻ: Gia đình tôi dành hơn 6.000 m2 đất sản xuất để trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn bò. Đồng thời tôi nghiên cứu kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăm sóc bò qua sách, báo, tivi và các phương tiện thông tin đại chúng. So với nuôi thả rông ngoài tự nhiên, bò nuôi nhốt chuồng nhanh lớn hơn vì ít chạy nhảy tiêu hao năng lượng. Người nuôi cũng dễ dàng quản lý, nắm bắt tình trạng sức khỏe của đàn bò để kịp thời chăm sóc và chữa trị. Tỷ lệ bò bị bệnh vì vậy cũng giảm hẳn.

Cũng theo chị Lương, để đàn bò phát triển khỏe mạnh, chóng lớn, điều quan trọng là làm chuồng trại đảm bảo thông thoáng về mùa hè, giữ ấm về mùa đông. Phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại để ngăn ngừa dịch bệnh, đặc biệt là tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho bò theo khuyến cáo của cán bộ thú y. Để đảm bảo đủ lượng thức ăn quanh năm cho đàn bò, ngoài cỏ tự trồng, chị Lương mua rơm, ngọn mía  sau mỗi vụ thu để làm thức ăn dự trữ cho đàn bò của gia đình. Cùng với đó, gia đình chị bổ xung thêm thực ăn tinh như: cám ngô, cám gạo… để bổ xung dinh dưỡng cho đàn bò.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn bò gia đình chị sinh trưởng khá nhanh, được thương lái săn đón đặt hàng với mức giá cao. Cuối năm 2021, chỉ với 8 con bò bán đi, gia đình chị đã thu về gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi Lương còn gom phân chuồng bán cho các hộ trồng cây ăn quả để tăng thêm thu nhập.

Xã vùng cao phát triển chăn nuôi đại đàn gia sức tập trung - Ảnh 5.

Xã vùng cao phát triển chăn nuôi đại đàn gia sức tập trung - Ảnh 6.

Xã vùng cao phát triển chăn nuôi đại đàn gia sức tập trung - Ảnh 7.

Phát triển chăn nuôi giúp gia đình chị Hà Thị Lương, bàn Luông Mé (Chiềng Đông, Yên Châu, Sơn La), có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Xã vùng cao đẩy mạnh chăn nuôi gia sức, tăng thu nhập cho người dân

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Khù, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Nhận thấy nhu cầu nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo của bà con nông dân trên địa bàn là một hướng đi mới, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền tạo điều kiện để người nông dân được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò. 

Bà con biết cách thiết kế chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, công tác vệ sinh, phòng bệnh trong chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt địa bàn xã là một trong những vùng trồng mía lớn của tỉnh, nông dân có thể tận dụng lá mía, ngọn mía để làm thức ăn cho trâu bò. 

Xã vùng cao phát triển chăn nuôi đại đàn gia sức tập trung - Ảnh 8.

Nhờ phát triển chăn nuôi, người dân xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) có thu nhập ổn định vươn lên làm giàu. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện nay, xã Chiềng Đông có 1.223 con trâu, 1.993 con bò, 25 ha trồng cỏ, nhiều hộ duy trì nuôi từ 10 đến 30 con trâu, bò nhốt chuồng. Mô hình nuôi bò nhốt chuồng phù hợp với điều kiện của địa phương, nhất là diện tích đất chăn thả ngày càng bị thu hẹp. Xã Chiềng Đông, đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các cuộc tập huấn về kỹ thuật làm chuồng trại, chăm sóc, phòng bệnh cho bò, cách tạo nguồn thức ăn. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi các diện tích hoa màu kém hiệu quả hoặc đất dôi dư để trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, bà con còn tận dụng ngọn mía, ngô sinh khối trồng trên đất ruộng để bổ sung nguồn thức ăn xanh và thức ăn dự trữ cho trâu, bò.

Xã vùng cao phát triển chăn nuôi đại đàn gia sức tập trung - Ảnh 9.

Trong thời gian tới, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La sẽ đây mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển diện tích có, chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa. Ảnh: Văn Ngọc

Trong thời gian tới, để phát triển đàn trâu, bò bền vững và ổn định hơn, ngành nông nghiệp huyện Yên Châu kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng liên kết với người nuôi để cấp con giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Để tạo điều kiện cho bà con mở rộng quy mô chăn nuôi, các đoàn thể của xã đang tiếp tục nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho hội viên vay vốn ưu đãi để đầu tư nhân rộng mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững. Từ đó, thúc đẩy phát triển chăn nuôi trâu, bò ở huyện một cách bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo hướng đến xây dựng huyện nông thôn mới.


Văn Ngọc - Nguyễn Vinh