dd/mm/yyyy

Hội Nông dân Yên Châu: Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế

Hỗ trợ vốn vay, tư vấn, dạy nghề cho hội viên, các cấp Hội Nông dân Yên Châu (Sơn La) đã giúp hội viên có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.

Clip: Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế

Nhiều hội viên Hội Nông dân Yên Châu có mô hình tế cho thu nhập cao.

Để giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, Hội Nông dân Yên Châu (Sơn La) chủ động đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề cho hội viên nông dân; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, cán bộ, hội viên nông dân tham gia ủng hộ xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Thực hiện tốt chương trình ủy thác với Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; chỉ đạo Hội cơ sở phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng thiết bị, máy móc, vật tư nông nghiệp theo phương thức chậm trả cho nông dân.

Nông dân Tây Bắc: Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Những năm trở lại đây nhiều hội viên nông dân Yên Châu (Sơn La) có thu nhập cao từ việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Ảnh: Nguyễn Vinh

Theo chân cán bộ Hội Nông dân Yên Châu (Sơn La) chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, bản Co Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) mỗi năm cho thu lời gần 2 tỷ đồng. Năm 2003, hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Cùng với sự vận động tuyên truyền của Hội Nông dân, chị Duyên đã mạnh dạn đưa giống nhãn Miền Thiết thay thế giống nhãn địa phương. Đây là giống nhãn cho quả ngọt, trái sai, vỏ mỏng, cùi dày, chỉ sau 3 năm, gia đình chị đã có thể thu hoạch và thu lời liên tiếp trong nhiều năm tiếp theo.

"Hiện tại, gia đình tôi trồng được trên 10 ha cây nhãn. Thực hiện chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn nhãn cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, được thương lái thu mua tận vườn và xuất bán vào các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trung bình gia đình tôi thu từ 100 - 120 tấn nhãn/vụ. Trừ tất cả chi phí, gia đình tôi đã có lợi nhuận 1,6 tỷ đồng/năm", chị Duyên nói.

Nông dân Tây Bắc: Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Mô hình trồng nhãn của gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, bản Co Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) cho thu tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: Nguyễn Vinh

Còn đối với gia đình ông Lò Văn Châư, bản Huổi Pù, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) từ nguồn vốn hỗ trợ nông dân, gia đình ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo. Đến nay, gia đình ông duy trì một lứa nuôi từ 30-40 con trâu, bò. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò; gia đình ông Châư đã chuyển đổi gần 1ha đất ruộng sang trồng cỏ voi và cây chuối. Đây là nguồn thức ăn chính cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho đàn trâu, bò. Ngoài ra, để tăng cường lượng thức ăn phong phú, chủ động, ông đã thu mua ngọn mía, rơm của các hộ khác về ủ làm thức ăn dự trữ để bò ăn dần.

"Được Hội nông dân hỗ trợ từ vốn vay, đến kỹ thuật chăm sóc đàn trâu bò, gia đình tôi đã có thu nhập cao. Trong một năm, gia đình tôi bán trâu, bò thành 2 đợt, mỗi đợt bán từ 25-30 con; sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 300 triệu đồng", ông Châư nói.

Nông dân Tây Bắc: Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Nhờ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo gia đình ông Lò Văn Châư, bản Huổi Pù, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) có thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyễn Vinh

Hội Nông dân Yên Châu có nhiều chính sách hỗ trợ hội viên

Trao đổi với phóng viên, ông Nghiêm Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Yên Châu cho biết: Hội Nông dân có 13/14 cơ sở Hội bước đầu đã xây dựng được mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả. Toàn huyện hiện có trên 3.200 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (10 hộ cấp trung ương, 46 hộ cấp tỉnh, 593 hộ cấp huyện, hơn 2.000 hộ cấp xã).

Để giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm 2022 đến nay, Hội Nông dân Yên Châu đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề cho hội viên nông dân; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, cán bộ, hội viên nông dân tham gia ủng hộ xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH cho Trên 3.100 hộ hội viên vay và ủy thác gần 90 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho 1.567 hộ vay phát triển kinh tế.

Nông dân Tây Bắc: Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 5.

Những năm gần đây hội viên Hội Nông dân Yên Châu đẩy mạnh mô hình trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Ảnh: Nguyễn Vinh

Cùng với đó, Hội phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng các mô hình, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho HTX, trang trại, nhóm hộ nông dân; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn; liên kết với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng đào tạo nghề, nhất là nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo học viên ra trường có việc làm. Đồng thời, phối hợp với Liên minh HTX, phòng Nông nghiệp và PTNT và các ngành chức năng tuyên truyền mở rộng các hình thức kinh tế...

Nông dân Tây Bắc: Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 6.

Từ các chính sách hỗ trợ của Hội Nông dân Yên Châu, nhiều gia đình đã có nguồn vốn để phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Vinh

"Hội tiếp tục triển khai các hoạt động trả chậm hỗ trợ nông dân năm 2022 và những năm tiếp theo như: các sản phẩm phân bón hữu cơ, các sản phẩm chế phẩm vi sinh, sản phẩm túi bao trái cây ăn quả, sản phẩm sấy hoa quả... Vận động, hướng dẫn, giới thiệu, hỗ trợ nông hộ xây dựng nhà lưới, nhà kính, nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Hội Nông dân Yên Châu còn tạo điều kiện cho nông dân tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp như: Mô hình sản xuất VietGAP, liên kết sản xuất, tiêu thụ" ông Hải nói.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh