dd/mm/yyyy

Yên Châu: Phủ xanh diện tích cây ăn quả trên đất dốc

Vùng đất Yên Châu (Sơn La) hôm nay đã và đang phủ xanh các loại cây ăn quả. Không chỉ có diện tích cây ăn quả lớn mà còn nhiều sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu.

Clip: Phủ xanh diện tích cây ăn quả trên đất dốc huyện Yên Châu (Sơn La).

Yên Châu - màu xanh no ấm

Để nâng cao thu nhập, chị Đinh Thị Chung, bản Thanh Yên 1, xã Phiêng Khoài đã lựa chọn trồng nhãn chín muộn. Chị Chung bảo: Năm 2015, tôi mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô, mía năng suất thấp sang trồng nhãn chín muộn. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo sự hướng dẫn của cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân huyện, vườn nhãn của gia đình phát triển tốt. Đến nay, 1,5 ha nhãn chín muộn của gia đình chị tôi đã cho thu hoạch quả.

Yên Châu: Phủ xanh diện tích cây ăn quả trên đất dốc - Ảnh 1.

Vùng đất dốc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La hôm nay đang phủ xanh bởi các loại cây ăn quả. Ảnh: Mùa Xuân.

"Vụ năm 2021, mặc dù trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên vườn nhãn của gia đình tôi đã xuất bán được hơn 20 tấn quả. Với giá 10 nghìn đồng/kg, tôi thu trên 200 triệu đồng. Trồng nhãn chín muộn trên đất dốc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác; giúp gia đình tôi có của ăn, của để; có vốn tái đầu tư cho mùa vụ tiếp theo". Chị Chung nói.

Ông Quàng Văn Xuân, dân tộc Thái, bản Sai, xã Sặp Vạt, ngoài thành công nhờ ghép mắt 2 ha cây xoài tròn đặc sản bản địa, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Ông Xuân còn triển khai trồng thêm 1.000 gốc xoài Đài Loan, hiện đã cho thu hoạch quả.

Yên Châu: Phủ xanh diện tích cây ăn quả trên đất dốc - Ảnh 2.

Nhờ trồng cây ăn quả, đời sống của người dân huyện Yên Châu ngày càng được nâng lên. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Xuân, chia sẻ: Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là qua các lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức về hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây ăn quả… Vườn xoài của gia đình tôi luôn phát triển tốt, riêng vụ năm 2022, gia đình tôi thu trên 20 tấn xoài tròn, xoài Đài Loan, thu về hơn 400 triệu đồng.

Hiện trên địa bàn huyện Yên Châu có gần 11.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó, 6 tháng đầu năm 2022, huyện Yên Châu đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, UBND các xã hướng dẫn nhân dân trồng mới cây ăn quả được 104 ha chủ yếu là xoài, nhãn, mận, chanh leo...  Tiếp tục duy trì 662 ha diện tích cây ăn quả đã được cấp chứng nhận VietGAP và 46 mã số vùng trồng cho 985 ha diện tích cây ăn quả các loại.

Yên Châu: Phủ xanh diện tích cây ăn quả trên đất dốc - Ảnh 3.

Xoài Đài loan có năng suất, chất lượng cao được người dân trồng trên đất dốc. Ảnh: Mùa Xuân.

Đặc biệt, huyện đã tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, liên kết các chuỗi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, sản lượng quả ước thu hoạch 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 42.600 tấn.

Huyện Yên Châu xắn tay vào cuộc cùng nông dân

Ông Đỗ Văn Thiết Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, cho biết: Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, xã Yên Sơn đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân chuyển đổi đất trồng cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả, mang lại hiệu quả…

Đến nay, trên địa bàn xã Yên Sơn có 670 ha cây ăn quả chủ yếu là mận, xoài, nhãn… Trong đó, khoảng 546 ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 2.700 tấn quả/năm. Từ khi chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, người dân có thêm thu nhập cao hơn so với các cây trồng khác. Qua đánh giá, sản lượng, chất lượng của cây ăn quả cũng tăng lên rõ rệt, từ đó đời sống của người dân được cải thiện, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 20,8%.

Yên Châu: Phủ xanh diện tích cây ăn quả trên đất dốc - Ảnh 4.

Người dân huyện Yên Châu (Sơn La) thu hoạch quả xoài. Ảnh: Mùa Xuân.

Để duy trì và mở rộng diện tích vùng cây ăn quả, thời gian tới, huyện Yên Châu tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn chăm sóc, phát triển các mô hình mới, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cây trồng cho nhân dân phát triển sản xuất. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, dự tính dự báo tình hình sinh vật hại cho cây trồng có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Mùa Xuân