dd/mm/yyyy

Nông dân Tây Bắc: Vùng biên giới Phiêng Khoài đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế

Những năm qua, Hội Nông dân xã Phiêng Khoài (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đã triển khai nhiều phong trào thi đua thiết thực, khuyến khích hội viên nông dân phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người nông dân Tây Bắc và bảo vệ vững chắc vùng biên cương.

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Phiêng Khoài, chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình chị Đinh Thị Chung, bản Thanh Yên 1. Thời điểm chúng tôi có mặt, gia đình chị Chung đang thu hoạch quả nhãn chín muộn bán cho thương lái chở đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối.

Dùng tay hái trái nhãn lúc lỉu trên cây đã chín mọng mời chúng tôi, chị Chung kể: Năm 2015, tôi mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô, mía năng suất thấp sang trồng nhãn chín muộn. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo sự hướng dẫn của cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, vườn nhãn của gia đình phát triển tốt. Đến nay, 1,5 ha nhãn chín muộn của gia đình chị tôi đã cho thu hoạch quả.

Nông dân vùng biên Phiêng Khoài đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Từ khi chuyển đổi cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, đời sống của hội viên nông dân trên địa bàn xã Phiêng Khoài ngày một được nâng lên. Ảnh: Tuệ Linh.

Mặc dù trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên vườn nhãn của gia đình chị Chung đã xuất bán được hơn 18 tấn quả. Với giá 10 nghìn đồng/kg, chị Chung thu trên 180 triệu đồng. Dự kiến, vụ nhãn năm nay, chị Chung thu trên 20 tấn quả.

Theo chị Chung, trồng nhãn chín muộn trên đất dốc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác; giúp gia đình có của ăn, của để; có vốn tái đầu tư cho mùa vụ tiếp theo. Cùng với đó, gia đình chị Chung còn đầu tư xây chuồng trại nuôi 9 con lợn nái sinh sản, 41 con lợn thịt. Từ đầu năm đến nay, gia đình chị xuất bán hơn 1 tấn thịt lợn hơi ra thị trường, thu trên 80 triệu đồng.

Nông dân vùng biên Phiêng Khoài đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Chung ở bản Thanh Yên 1, xã Phiêng Khoài. Ảnh: Mùa Xuân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sồng A Cở, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phiêng Khoài, cho biết: Bên cạnh việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, để giúp các hội viên Hội Nông dân xã phát triển kinh tế, chúng tôi đã tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hướng dẫn hội viên, nông dân chăm sóc, bón phân, tỉa cành, tạo tán, phòng chống bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Đưa các loại cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chăn nuôi theo định hướng của cấp trên.

Để tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, những năm qua, Hội Nông dân xã Phiêng Khoài đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH, chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Yên Châu cho 670 hội viên vay, với tổng dư nợ trên 40 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội Nông dân xã Phiêng Khoài đang quản lý hiệu quả 500 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Sơn La cho 10 hội viên vay đầu phát triển chăn nuôi bò sinh sản.

Nông dân vùng biên Phiêng Khoài đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Hội Nông dân xã Phiêng Khoài vận động hội viên nông dân chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá. Ảnh: Quốc Định.

Nhờ vậy, hội viên nông dân xã vùng biên Phiêng Khoài đã tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng và thâm canh chè, cà phê. Hiện, tổng diện tích chè toàn xã có 420 ha, sản lượng đạt gần 2.000 tấn chè búp tươi/năm; 184 ha cây cà phê, sản lượng đạt 465 tấn quả tươi/năm.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về trồng cây ăn quả trên đất dốc, Hội Nông dân xã Phiêng Khoài đã vận động hội viên nông dân trồng được hơn 2.550 ha cây ăn quả, như: Xoài, nhãn, bưởi, mận... Trong đó, hơn 1.500 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 18.300 tấn quả/năm.

Trong chăn nuôi, Hội Nông dân xã Phiêng Khoài tập trung tuyên truyền công tác phòng chống rét, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; phối hợp với cán bộ thú y tiêm phòng vaccine phòng dịch bệnh viêm da, nổi cục ở trâu, bò. Duy trì hơn 3.000 con trâu, bò; gần 700 con dê; hơn 5.100 con lợn; hơn 55.600 con gia cầm các loại.

Nông dân vùng biên Phiêng Khoài đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Diện tích cây lương thực kém hiệu quả ở Phiêng Khoài được phủ kín bởi sắc xanh của cây chè, cây ăn quả. Ảnh: Tuệ Linh.

Qua bình xét, toàn xã có 202 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, 31 hộ cấp tỉnh, 36 hộ cấp huyện và 135 hộ cấp xã.

Ông Sồng A Cở, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phiêng Khoài, cho biết thêm: Ngoài phong trào phát triển kinh tế, hội viên nông dân các chi hội còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong 9 tháng đầu năm 2021, các hội viên nông dân đã đóng góp ngày công lao động mở tuyến đường vào khu sản xuất tại bản Hang I, Hang Mon II, với chiều dài hơn 5.000 m. Trong đó, hơn 1.500 m được đổ bê tông hóa khang trang, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Đối với tiêu chí môi trường, Hội Nông dân xã Phiêng Khoài đã vận động 100% hội viên nông dân có chuồng trại chăn nuôi gia cầm, gia súc ra khỏi gầm sàn.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Phiêng Khoài sẽ tiếp tục thực hiện tốt 3 phong trào thi đua lớn của hội. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hội viên nông dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích hội viên phát triển ngành nghề kinh doanh dịch vụ; hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho nông dân mở rộng sản xuất.

Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, góp phần cùng địa phương hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Mùa Xuân - Tuệ Linh