dd/mm/yyyy

Sốp Cộp chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả, nâng cao thu nhập

Để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây ăn quả theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cấp trên.

Diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Sốp Cộp đạt 2.128,8 ha

Trở lại huyện biên giới Sốp Cộp vào những ngày này có thể thấy những diện tích nương vườn đồi trồng ngô, sắn trước đây đã được phủ kín sắc xanh của cây ăn quả.

Trao đổi với PV Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt (PV), ông Vì Văn Định, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Sốp Cộp cho biết: Thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, nhưng năm qua, huyện Sốp Cộp đã tích cực tuyên truyền, vận động và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích đất trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây ăn quả, cây trồng mới cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Sốp Cộp 2.128,8 ha; sản lượng quả các loại ước đạt 312 tấn.

Sốp Cộp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân - Ảnh 1.

Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả, đến nay, huyện Sốp Cộp 2.128,8 ha cây ăn quả. Ảnh: Tuệ Linh.

Bên cạnh đó, huyện Sốp Cộp đã phối hợp với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao triển khai mô hình trồng dứa nguyên liệu theo chuỗi liên kết, cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả DOVECO tại Sơn La. Hiện, đã trồng hơn 45 ha dứa nguyên liệu tại các xã: Sốp Cộp, Dồm Cang, Mường Và, Nậm Lạnh và Sam Kha.

Trong số các xã trên địa bàn huyện Sốp Cộp thì Mường Và là một trong những xã làm tốt việc chuyển đổi diện tích đất trồng cây ngô, sắn, lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

Sốp Cộp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân - Ảnh 2.

Người dân Sốp Cộp ứng dụng công nghệ cao trồng cây ăn quả. Ảnh: Tuệ Linh.

Đa dạng hóa cây ăn quả

Trao đổi với PV, ông Lò Văn Thơm, bản Nà Mòn, xã Mường Và chia sẻ: Trước đây, ở vùng đất biên giới này, bà con chỉ biết trồng cây ngô, sắn nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Trong 7, 8 năm trở lại đây, người dân trên địa bàn đã được cán bộ nông nghiệp, Hội Nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Thông qua các lớp tập huấn trồng cây ăn quả, năm 2014, gia đình anh Thơm đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn, sang trồng 70 gốc cam Nà Mòn. Sau 3 năm trồng, vườn cam Nà Mòn của anh Thơm bắt đầu cho thu hoạch. Mấy năm gần đây, anh Thơm đều xuất bán từ 4 - 5 tấn cam ra thị trường và có nguồn thu nhập gần một trăm triệu đồng.

Sốp Cộp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân - Ảnh 3.

Mô hình trồng cam Nà Mòn cho hiệu quả kinh tế cao của ông Cầm Duy Vinh. Ảnh: Tuệ Linh.

Cũng như anh Thơm, thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, năm 2016, gia đình ông Cầm Duy Vinh đã tích cực cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất trồng cây lương thực sang trồng cây ăn quả. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được tập huấn, ông Vinh cùng một số hộ dân bản Nà Mòn thực hiện giâm cành, chiết cành đối với cây cam Nà Mòn cổ thụ.

Ông Vinh chia sẻ: Đến nay, gia đình tôi đã trồng được hàng trăm gốc cam Nà Mòn. Cây cam Nà Mòn cho quả to, trung bình nặng từ 5 lạng trở lên, đặc biệt có những quả nặng từ 7 lạng – 8 lạng, quả thơm ngon, vị ngọt, mọng nước. Mỗi năm, gia đình xuất bán hàng tấn cam ra thị trường. Với giá bán 25.000 đến 30.000 đồng/kg, thu được khoảng 100 triệu đồng.

Trong thời gian tới, huyện Sốp Cộp sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Mặt khác, mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với bà con nông dân trồng cây ăn quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho bà con vùng biên.


PV Tây Bắc