dd/mm/yyyy

Sốp Cộp: Phát triển thương hiệu giống cam, quýt địa phương

Cam, quýt, một trong những đặc sản của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, với hương vị thơm, ngọt đặc trưng được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Từ lợi thế đó, những năm qua bên cạnh nâng cao chất lượng, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm luôn được huyện đặc biệt quan tâm, giúp người trồng cam, quýt có thu nhập ổn định.

Cây cam, quýt ở Sốp Cộp chủ yếu tập trung ở 2 xã Mường Và và Nậm Lạnh. Đây chủ yếu là giống cam, quýt bản địa có nguồn gốc xa xưa tại địa phương, với hương vị thơm, ngọt đặc trưng mà ít nơi nào có được. Trước đây, giống cam, quýt ở Sốp Cộp chủ yếu được trồng nhỏ lẻ tại các hộ gia đình, trồng ăn chơi và làm quà biếu khách. 

Nhận thấy trồng cam, quýt mang lại thu nhập ổn định nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư chuyển diện tích trồng cây ngô, cây sắn sang trồng cam, quýt và đã có thu nhập ổn định. Từ trồng cam, quýt, nhiều hộ dân đã có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng mỗi năm.

Sốp Cộp: Phát triển thương hiệu giống cam, quýt địa phương - Ảnh 1.

Trồng giống cam, quýt đặc sản ở Sốp Cộp đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Trao đổi với phóng viên Trang Trại Việt, ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi giống cây trồng trên đất dốc của tỉnh. Qua rà soát, căn cứ vào tiềm năng thế mạnh của địa phương, huyện Sốp Cộp đã tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân chuyển những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng địa phương, đặc biệt là trồng cam, quýt. 

Nhờ đó, từ những diện tích cam, quýt nhỏ lẻ ban đầu mang tính chất hộ gia đình. Đến nay, diện tích trồng cam, quýt của huyện đã tăng lên gần 300 ha, sản lượng ước đạt khoảng 500 tấn quả. Việc mở rộng mô hình trồng loại cây có múi này đã và đang góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Sốp Cộp: Phát triển thương hiệu giống cam, quýt địa phương - Ảnh 2.

Với hương vị thơm, ngọt đặc trưng, cam, quýt ở Sốp Cộp được người tiêu dùng ưa thích.

Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, thông qua các chương trình, dự án giảm nghèo 30a, 135… huyện đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho người dân. Đồng thời, tiến hành phục tráng, nhân giống và phát triển giống cam, quýt địa phương thành một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Quy hoạch thành vùng trồng tập trung, liên kết sản xuất. 

Theo đánh giá của người tiêu dùng, sản phẩm cam, quýt Sốp Cộp có chất lượng không kém gì cam, quýt Cao Phong (Hòa Bình). Người biết đến thương hiệu cam, quýt ở Sốp Cộp ngày một nhiều. Không những thế thu nhập trên một đơn vị diện tích tăng lên cao hơn nhiều lần so với trồng ngô, sắn. Góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở địa phương.

Sốp Cộp: Phát triển thương hiệu giống cam, quýt địa phương - Ảnh 3.

Do hợp với khí hậu thổ nhưỡng nên cam, quýt phát triển tốt, chất lượng thơm ngon không kém gì cam, quýt nổi tiếng ở các nơi.

Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, chia sẻ thêm: Phát triển trồng cây ăn quả nói chung và trồng cam nói riêng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện. 

Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thương hiệu cam ở Sốp Cộp, huyện đang tiến hành quy hoạch vùng trồng tập trung; hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật sản xuất, thâm canh, bảo quản và tiệu thụ sản phẩm; khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, sản xuất sản phẩm sạch an toàn theo quy trình VietGap; gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam ra thị trường trong và ngoài huyện.

Sốp Cộp: Phát triển thương hiệu giống cam, quýt địa phương - Ảnh 4.

Hiện cam, quýt đang được trồng nhân rộng trên địa bàn huyện Sốp Cộp.

 

Ngọc Mai