dd/mm/yyyy

Huyện biên giới Sốp Cộp đổi thay sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới

Những năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) triển khai trên địa bàn huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của người dân đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Dù còn nhiều khó khăn nhưng hình bộ mặt NTM mới huyện nghèo đã có nhiều đổi đổi thay, những con đường bê tông, nhà văn hóa, trường học… được xây mới, ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Huy động sức dân

Trao đổi với ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp cho biết: Sốp Cộp là một trong 62 huyện nghèo nhất nước, được thành lập năm 2003, trên cơ sở tách 8 xã của huyện Sông Mã. Với đặc thù là huyện vùng cao biên giới, có vị trí đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt, dân cư sống rải rác… Sốp Cộp bắt tay vào xây dựng NTM mới với nhiều khó khăn chồng chất, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, giao thông đi lại khó khăn. Hơn nữa, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế, vẫn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng NTM trên địa bàn, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Phong trào xây dựng đường giao thông nội bản ở huyện Sốp Cộp được đông đảo người dân tham gia đóng góp công sức, hiến đất, tiền của... làm nên những tuyến đường bê tông kiên cố thuận lợi cho người dân đi lại.

“Trước những khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền huyện luôn trăn trở tìm hướng đi phù hợp. Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất xây dựng NTM trên địa bàn, huyện đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chương trình từ cấp huyện, xuống xã, qua đó tổ chức rà soát, đánh giá theo các bộ tiêu chí NTM trên địa bàn. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo, thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe, tâm tư, nguyện vọng của người dân và tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc”, ông Lợi chia sẻ.

 Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang.

Theo đó, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, được cụ thể hóa thành các kế hoạch hành động triển khai tới từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, phát động phong trào “toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh” và tổ chức ký giao ước thi đua giữa các xã, cơ quan, đơn vị... Một trong những giải pháp được huyện lựa chọn đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng NTM, với nhiều hình thức như thông hội nghị, họp dân, sinh hoạt cộng đồng, loa phát thanh, tờ rơi… Các nội dung liên quan đến xây dựng NTM được phổ biến rộng rãi để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và hưởng thụ”. Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận, thu hút đông đảo nhân dân tham gia đóng góp công sức, hiến đất, tiền... Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Người dân từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chuyển sang chủ động, tự tin tích cực tham gia vào phong trào.

Nông thôn mới thay da đổi thịt

Trong triển sản xuất huyện thường xuyên chỉ đạo các ngành chuyên môn tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao, ứng dựng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh canh tăng vụ, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Lồng ghép các chương trình sự dự án giảm nghèo 30a, 135… hỗ trợ cây trồng, con giống cho các hộ gia đình khó khăn sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

 Vùng chuyên canh lúa ở xã Mường Và.

Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh địa phương, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa, trồng cây ăn quả tập trung như: Vùng chuyên canh lúa ở Mường Và, Nậm Lạnh; chuyên canh cà phê ở Dồm Cang; trồng cam, quýt ở Mường Và, Nậm Lạnh, Mường Lạn. Khuyến khích nhân dân các xã phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung như: Mô hình chăn nuôi ngựa ở Sam Kha; nuôi vịt bản địa ở Dồm Cang; nuôi trâu sinh sản ở Sốp Cộp… đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của huyện. Ngoài ra, tiến hành tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài huyện, tạo đầu ra ổn định, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống.

 Mô hình trồng cam đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Nhìn lại thành quả sau 10 năm xây dựng NTM trên địa bàn ông Lợi cho hay: Qua gần 10 năm triển khai xây dựng NTM với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực, làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng nông thôn huyện biên giới, hệ thống hạ tầng thiết yếu được xây dựng và nâng cấp đồng bộ, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh mẽ, sản xuất phát triển, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố ... 

Trong 10 năm qua, huyện đã huy động trên 2.400 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí NTM. Trong đó, nhân dân đóng góp trên 179 tỷ đồng, hiến 73.000m2 đất, xây dựng 1.450 tuyến đường giao thông nông thôn nội bản, chiều dài 186 km. Đến nay, toàn huyện đã có 2 xã đạt chuẩn NTM; 3 xã đạt 8 - 10 tiêu chí; 3 xã đạt 7 tiêu chí. Tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động đạt 90%; người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 96%; tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 58,89% năm 2010 xuống còn 36,17% năm 2018.

 Một góc trung tâm huyện Sốp Cộp.

Với mục tiêu xây dựng NTM là là việc làm thường xuyên, liên tục, huyện Sốp Cộp tiếp tục nâng cao các tiêu chí NTM, trọng tâm là phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống của người dân ngày càng đi lên.

Quốc Định