Nếp tan Mường Và là giống lúa truyền thống được bà con dân tộc Thái, Lào ở Sốp Cộp được gieo trồng từ lâu, qua thời gian giống lúa vẫn giữ nguyên được giá trị với hương vị dẻo, thơm tự nhiên. Từ ngàn xưa gạo nếp tan đã được người dân sử dụng làm nguyên liệu để chế biến các món ăn, đặc biệt trong các dịp lễ, tết, gạo còn được sử dụng làm quà để dâng lên tổ tiên. Trước đây, lúa nếp tan chủ yếu được người dân trồng để phục vụ mục đích của gia đình, để ăn và làm quà biếu khách.
Ngày nay, lúa nếp tan Mường Và đã trở thành đặc sản, sản phẩm đặc trưng của huyện, với chất lượng hạt to, thơm, dẻo, thương hiệu được nhiều người biết đến. Hiện lúa nếp tan không chỉ được trồng ở xã Mường Và mà còn được nhân rộng tại các xã Mường Lạn, Dồm Cang, Nậm Lạnh, Púng Bánh... với tổng diện tích trên 1.000 ha, năng suất trung bình khoảng 5 tấn/ha.
Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Những năm qua, nhằm phát triển sản phẩm nông sản đặc trưng tại địa phương và bảo vệ thương hiệu và nâng cao giá trị cho sản phẩm nếp tan Mường Và, huyện Sốp Cộp đã xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận "nếp tan Mường Và – Sốp Cộp", đây cũng là một trong 20 sản phẩm điểm nằm trong danh mục "mỗi xã một sản phẩm" của tỉnh Sơn La. Qua đó, để phát triển bền vững giống lúa nếp tan, huyện đã tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh để nâng cao năng suất chất lượng lúa. Đồng thời, quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất để tăng giá trị sản phẩm.
Hiện nay, ở Sốp Cộp có 3 giống lúa nếp tan gồm: Tan Nhe, Tan Hin, Tan La. Lúa nếp tan được trồng một vụ trong năm, bắt đầu từ tháng 5 dương lịch và thu hoạch vào cuối tháng 11 dương lịch hàng năm, năng suất khoảng 5 tấn/ha. Tuy thấp hơn so với giống lúa thông thường nhưng chất lượng tốt hơn, cơm thơm ngon, thị trường ưa chuộng. Việc phát triển giống lúa nếp tan đang khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đặc điểm nếp tan Mường Và có hạt to, mẩy, dài, khi đồ chín thành xôi hoặc nấu các món ăn có hương vị thơm, dẻo, ngon. Xôi nếp tan có thể để cả ngày cơm không cứng ăn vẫn dẻo thơm. Trong văn hóa ẩm thực dân tộc Thái, Lào ở Sốp Cộp, gạo nếp tan là thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày, được chế biến thành nhiều món ăn, trong đó phổ biến là món cốm và xôi.
Ông Lê Tiến Lợi chia sẻ: Từ khi chương trình "mỗi xã một sản phẩm" được triển khai trên địa bàn, huyện Sốp Cộp đã chọn sản phẩm nếp tan Mường Và làm sản phẩm đặc trưng của huyện, bởi thương hiệu nếp tan Mường Và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ. Điều này có ý nghĩa quan trọng với người nông dân sản xuất lúa, đồng thời là cơ hội giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nếp tan Mường Và, thời gian qua huyện Sốp Cộp đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành khôi phục, bảo tồn phát triển nguồn gen giống lúa nếp đặc sản của địa phương. Tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã, huyện thường xuyên hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Qua đó, nâng cao giá trị lúa đặc sản trở thành một trong những sản phẩm thế mạnh của huyện, vươn ra thị trường, tạo điều kiện cho nông dân ổn định đầu ra, hướng đến phát triển bền vững.
Với việc phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương trong phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lúa nếp tan Mường Và – Sốp Cộp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.