Clip: Vùng cao Bắc Yên đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân
Bắc Yên khai thác lợi thế phát triển chăn nuôi bò
Để thức đẩy kinh tế phát triển, phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, huyện Bắc Yên đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể và xác định các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho ba khu vực là vùng ven sông, vùng cao và vùng thấp phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng xã.
Mấy năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình tại xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên đã mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, phát triển mô hình trồng cỏ nuôi bò. Nhờ vây nhiều hộ gia đình đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo. Có hộ còn thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Gùi bó cỏ từ dưới khe suối lên, bà Vì Thị Chảng, bản Chẹn, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ: Mấy năm trước gia đình bà thuộc diện hộ nghèo trong bản. Thu nhập chính của gia đình phụ thuộc cây sắn trên nương, do canh tác nhiều năm, đất đai bạc màu, năng xuất ngày cảng giảm, thu nhập của gia đình tôi bị hạn hẹp.
Năm 2018, với nguồn vốn ít ỏi của gia đình, cùng với số tiền vay từ ngân hàng CSXH, gia đình bà đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 8 con bò giống về nuôi. Để chủ động nguồn thức ăn, gia đình bà đã để dành một phần đất nương, cùng với tận dụng các khe suối, bãi đất thừa để trồng cỏ làm thức ăn cho đàn bò. Nhờ chăm sóc tốt, cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên đàn bò của bà sinh trưởng và phát triển tốt.
"Từ 8 con bò mẹ ban đầu, mỗi năm sinh ra 6-7 con bê con, gia đình tôi chăm sóc bê con 6 tháng là có thể xuất bán cho người trong bản, trong xã để làm bò giống. Mỗi con bò giống như thế, tôi bán từ 12-15 triệu đồng. Trồng cỏ nuôi bò, gia đình đã có của ăn của để, không vất vả như trước nữa" bà Chảng nói.
Ông Lừ Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho biết: Đến nay, xã Mường Khoa, đã mở rộng diện tích trồng cỏ voi lên hơn 60 ha để cung cấp thức ăn cho trên 4.000 con trâu, bò.
Ðể nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi gia súc, xã Mường Khoa đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chống rét cho trâu, bò vào mùa đông; tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò; làm chuồng trại kiên cố, đưa gia súc về nuôi nhốt tại nhà, tạo thế phát triển bền vững trong chăn nuôi... việc phát triển trồng cỏ, nuôi trâu, bò trên địa bàn xã Mường Khoa là hướng đi mới cho người nông dân. Qua đó giúp người nông dân có cuộc sống ổn định, bà con các dân tộc trong xã đã tích cực góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới.
"Phát triển chăn nuôi gia súc bền vững, xã Mường Khoa đã phối hợp với phòng chuyên môn huyện xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng nhốt chuồng. Qua đó, có kế hoạch hướng dẫn bà con cách chăn nuôi và phòng dịch bệnh", ông Công nói.
Bắc Yên triển khai nhiều chính sách giúp người dân nâng cao thu nhập
Trao đổi với phóng viên, Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên, Sơn La cho biết: Huyện Bắc Yên hiện có 16 xã với trên 100 bản, trong đó còn có một số bản đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kinh tế giữa các vùng chênh lệch, nhất là ở các xã vùng cao. Để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ nhân dân các xã vùng cao phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Thực hiện chủ trương phát triển cây sơn tra, huyện Bắc Yên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển cây sơn tra theo hướng hiệu quả, bền vững phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn cải tạo, lai ghép giống cây sơn tra, để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng thành vùng nguyên liệu tập trung. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân kỹ thuật đốn tỉa, thu hái, phòng trừ sâu bệnh và các phương pháp bảo quản kéo dài thời gian lưu quả để nâng cao chất lượng sản phẩm sơn tra nguyên liệu.
Từ năm 2015 đến nay, Bắc Yên đã trồng mới 500 ha sơn tra, nâng tổng số diện tích sơn tra hiện có gần 2.600 ha, trong đó, 1.530 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 1.900 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại các xã Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng và Hang Chú. Quả sơn tra được các HTX và các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua để chế biến thành rượu vang sơn tra và chế biến khô để đem đi tiêu thụ tại các tỉnh đem lại nguồn thu nhập, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cho người dân các xã vùng cao.
Đến nay, toàn huyện có trên 7.200 con trâu, gần 33.000 con bò, trên 18.100 con lợn. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm khoảng 135 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng trên 90 tấn, sản lượng khai thác gần 45 tấn. Tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra tăng 113 ha so với năm 2020. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm.
Năm 2022, huyện Bắc Yên đề ra mục tiêu tập trung phát triển nông nghiệp bền vững gắn với phát triển du lịch; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát huy đổi mới, sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 720 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 131,5 tỷ đồng. Doanh thu từ du lịch đạt trên 47,2 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo: Giảm 4% trở lên.