dd/mm/yyyy

Sơn La: Chăn nuôi trâu, bò giải pháp thoát nghèo cho người nghèo

Việc phát triển chăn nuôi trâu, bò tại các huyện vùng cao của tỉnh Sơn La như là một đòn bẩy giúp kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đi lên...

Chăn nuôi bò, giải pháp thoát nghèo cho người dân tộc thiểu số

Nuôi trâu, bò giúp người dân vùng cao thoát nghèo

Mường Bú là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Mường La (Sơn La). Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như: dân tộc Thái, dân tộc Mông...cuộc sống phụ thuộc chủ yếu vào các loại cây lương thực ngắn ngày, thu nhập không được bao nhiêu, cuộc sống khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Mấy năm trở lại đây, người dân đã thay đổi tư duy phát triển kinh tế gia đinh, chuyển đổi một số diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả, diện tích ruộng cạn sang trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi trâu, bò thịt.

Sơn La: Chăn nuôi trâu, bò giải pháp thoát nghèo cho người dân tộc thiểu số  - Ảnh 2.

Nhiều năm trở lại đây, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chuyển sang trồng cỏ nuôi trâu, bò. Ảnh: Văn Ngọc

Như nhiều hộ gia đình khác trong vùng, gia đình bà Quàng Thị Lả, dân tộc Thái, ở bán Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) vôn là hộ nghèo. Không chịu khuất phục trước khó khăn, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. cùng với việc được Hội Nông dân xã, tuyên truyền, vận động, cùng với được sự hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng CSXH huyện Mường La, gia bà đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua bò về nuôi.

"Gia đình tôi nuôi bò từ năm 2018, hiện nay, gia đình duy trì mỗi lứa từ từ 15-20 con bò. Một năm, gia đình tôi bán bò thành 2 đợt, mỗi đợt bán từ 8-10 con bò đã vỗ béo, bình quân mỗi con bán được từ 20- 25 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 150 triệu đồng. Nhờ nuôi bò gia đình tôi đã thoát được nghèo, có tiền nuôi các con ăn học", bà Lả nói

Sơn La: Chăn nuôi trâu, bò giải pháp thoát nghèo cho người dân tộc thiểu số  - Ảnh 3.

Gia đình bà Quàng Thị Lả, dân tộc Thái, ở bán Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) có thu nhập ổn định nhờ chăn nuôi bò thịt. Ảnh: Văn Ngọc

Huyện vùng cao, xác định chăn nuôi trâu, bò là 1 trụ cột để phát triển kinh tế

Trao đổi với phóng viên, ông Cà Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) cho biết: Cùng với khai thác hiệu quả diện tích đất đai rộng phát triển các loại cây ăn qua và các loại cây trồng trên nương, xã Mường Bú đang tích cực vận động nhân dân, đặc biệt là  đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng hàng hóa. 

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi trở thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp, xã Mường Bú đã tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, thu nhập ổn định, xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

"Xã Mường Bú với hơn 3.500 con trâu, bò; trồng hơn 80 ha cỏ voi VA06 làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Từ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn có thu nhập ổn định, thoát nghèo có gia đình còn có thu nhập vài trăm triệu một năm", ông Dọn nói.

Sơn La: Chăn nuôi trâu, bò giải pháp thoát nghèo cho người dân tộc thiểu số  - Ảnh 4.

Chăn nuôi trâu bò là hướng phát triển mang lại hiệu quả cho nông dân xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La), Ảnh: Văn Ngọc

Còn tại huyện Mai Sơn (Sơn La) Xác định chăn nuôi đại gia súc là 1 trong 2 trụ cột để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương, huyện Mai Sơn đã tập trung nghiên cứu và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá những diện tích đất và phong tục tập quán chăn nuôi của người dân, đặc biệt là dân tộc thiểu số, qua đó đề ra các giải pháp và kế hoạch phù hợp để trồng cỏ gắn với phát triển đàn vật nuôi, giúp người nông dân xóa nghèo.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mai Sơn (Sơn La) thông tin: Phát huy lợi thế về diện tích đất đai rộng lớn, nguồn thức ăn gia súc đa dạng, phong phú, huyện Mai Sơn đã triển khai chủ trương "Phát động phong trào trồng cỏ hàng hóa gắn với phát triển đại gia súc theo hướng tập trung, hiệu quả". Đây là một trong 12 chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Mai Sơn về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mai Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Sơn La: Chăn nuôi trâu, bò giải pháp thoát nghèo cho người dân tộc thiểu số  - Ảnh 5.

Việc phát triển chăn nuôi trâu, bò tại các huyện vùng cao của tỉnh Sơn La như là đòn bẩy cho kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đi lên, thoát được nghèo. Ảnh: Văn Ngọc

Theo đó, Huyện ủy đã thành lập Tổ công tác tổ chức các hội nghị tuyên truyền, quán triệt chủ trương của huyện và phổ biến Luật Chăn nuôi tại 9 xã triển khai thí điểm mô hình tại các xã: Chiềng Mung, Hát Lót, Cò Nòi, Chiềng Mai, Chiềng Lương, Chiềng Dong, Mường Bằng, Mường Bon và Chiềng Chung. Để tạo điều kiện về vốn cho các hộ phát triển chăn nuôi, huyện Mai Sơn đã yêu cầu Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể ưu tiên giải ngân, hỗ trợ các hộ dân tại xã đầu tư nuôi bò.

Trước đây, cuộc sống của gia đình bà Lò Thị Thuận, Bản Huổi Khoang xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La) vốn là một trong những hộ nghèo của xã. Chị sống cùng 2 con nhỏ trong căn nhà rộng hơn 50m2, thu nhập của ba mẹ con chỉ trông vào việc trồng hoa màu trên nương. Thông qua Hội Phụ nữ xã, chị được vay vốn 30 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư vào nuôi bò nhốt chuồng. Qua một thời gian chăm sóc, đến nay đàn bò sinh sản tốt, thu nhập tăng dần đến nay đã đạt gần 50 triệu đồng, kinh tế gia đình ổn định.

Sơn La: Chăn nuôi trâu, bò giải pháp thoát nghèo cho người dân tộc thiểu số  - Ảnh 6.

Gia đình bà Lò Thị Thuận, Bản Huổi Khoang xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La) thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò thương phẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Việc phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Sơn La như là đòn bẩy cho kinh tế cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đi lên, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần quan trọng vào chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm dần từ 3 đến 5%/năm.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh