dd/mm/yyyy

Bỏ trồng ngô lên núi nuôi bò, lão nông dân tộc Thái sở hữu tài sản lớn

Ông Hoàng Văn Đợi, dân tộc Thái, sinh sống ở bản Cà Nàng (xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) nuôi bò theo kiểu bán chăn thả tận trên núi, nhờ vậy cuộc sống của gia đình ông phất lên như diều gặp gió. Hiện ông sở hữu 1 cơ ngơi khang trang khiến nhiều người nể phục.

Trước kia, gia đình ông Hoàng Văn Đợi là 1 trong những hộ nghèo của xã Cà Nàng. Dù siêng năng cần cù bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng vẫn không thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn và nợ nần chồng chất. Cuộc sống thu nhập của gia đình ông chỉ trông chờ vào chút ít nương ngô, nương sắn nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm ông chỉ thu được  vài tấn ngô. Sau khi trừ chi phí ông không thu lãi được đồng nào, ngược lại ông còn nợ tiền giống, phân bón. Do vậy, cuộc sống của gia đình ông lại lâm vào hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn.

Trước hoàn cảnh đó, ông Đợi luôn tìm cách để thoát khỏi cảnh nghèo khó. Nhận thấy tại địa phương có nhiều cỏ mọc xanh mướt và rơm rạ của bà con thu hoạch sau mỗi vụ lúa thừa thái, hoang phí. Ông liền nghĩ đến việc chăn nuôi bò có thể đem lại hiểu quả kinh tế cao. Sau đó ông đi vay tiền ngân hàng làm vốn, rồi sang mấy bản lân cận mua 7 con bò giống trưởng thành về nuôi. Hơn 1 năm sau, 7 con bò cái đã cho sinh sản 7 con bê khỏe mạnh.

Nuôi bò thả rông trên núi sâu, lão nông dân tộc Thái sở hữu tài sản lớn - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Đợi, bản Cà Nàng, xã Cà Nàng bỏ ngô chuyển sang nuôi bò đã mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Ông Đợi kể: Nhà có 2ha đất, chủ yếu trồng ngô, sắn. Do canh tác lâu năm, đất dần bạc màu, năng suất ngô không được bảo đảm, sản phẩm bán ra không có lãi. Vì vậy trong nhiều năm liền, thu nhập không đủ trang trải sinh hoạt cho gia đình. Tôi luôn trăn trở với việc trồng cây gì, nuôi con gì để làm giàu, làm thế nào để làm giàu từ nông nghiệp. Thấy cỏ mọc ở các triền đồi nhiều, nên tôi quyết định chuyển sang nuôi bò với mong muốn đưa ra đình thoát khỏi cái nghèo. Nghĩ là làm, tôi làm thủ tục vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư xây dựng chuồng, trại, mua bò giống về nuôi.

Nuôi bò thả rông trên núi sâu, lão nông dân tộc Thái sở hữu tài sản lớn - Ảnh 2.

Vào buổi sáng ông Đợi lùa đàn bò lên các triển đồi ăn cỏ, đến trưa ông lùa đàn bò về chuồng.

Nhờ cách chăm sóc tốt và chịu thương chịu khó, đến nay đàn bò của gia đình ông Đợi đã có 25 con, trong đó chủ yếu là bò cái sinh sản. 

Ông Đợi chia sẻ: Để chủ động về thức ăn cho bò, tôi cùng các thành viên trong gia đình cải tạo hơn 1ha diện tích nương rẫy trồng chuối. Từ kinh nghiệm dân gian, thì cây chuối là nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc rất tốt trong mùa đông. Khi sương giá xuống, các loại cỏ có thể bị lụi tàn nhưng cây chuối thì sống kéo dài tới vài tháng.

 Ngoài ra, tôi còn trồng thêm 2ha cỏ voi và tích trữ thêm rơm rạ của người dân về tích trữ trong kho. Vì vậy nguồn thức ăn cho đàn bò luôn được bảo đảm, không lo thiếu. Tôi nuôi bò theo kiểu bán chăn thả phát triển kinh tế được gần 16 năm nay, nên cũng có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc và phòng dịch cho đàn bò. Mỗi con bò ăn khoảng 26kg cỏ/ngày.

Nuôi bò thả rông trên núi sâu, lão nông dân tộc Thái sở hữu tài sản lớn - Ảnh 3.

Nhờ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, từ khi chuyển sang nuôi bò cuộc sống của ông Đợi đã có thu nhập ổn định.

Công việc hàng ngày của ông Đợi ở trang trại vào sáng thì lùa đàn bò lên các triền đồi sau bản ăn cỏ, đến trưa thì lùa đàn bò về chuồng rồi ông cắt, thái cỏ cho đàn bò ăn. Khu vực chuồng trại được xây dựng kiên cố, mỗi ngày ông Đợi vệ sinh chuồng 3 lần, tạo môi trường sạch sẽ để đàn bò phát triển khỏe mạnh. 

Nuôi bò bán chăn thả hiện đang là hướng đi mới đem lại lợi ích kinh tế ổn định cho bà con nông dân xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai. Lợi ích thứ hai từ việc nuôi bò vỗ béo mang lại, đó là người nông dân có thể tận thu được nguồn phân bò bón cho vườn cây ăn qủa, giảm chi phí mua phân bón tưới tiêu. Đây có thể nói là lợi ích kép trong việc nuôi bò.

Nuôi bò thả rông trên núi sâu, lão nông dân tộc Thái sở hữu tài sản lớn - Ảnh 5.

Khu nuôi nhốt bò của gia đình ông Đợi tận trên núi cao.

"Thấy số lượng đàn bò của gia đình tôi nhiều, con nào con nấy đều béo tốt, nhiều thương lái đều đến hỏi mua mỗi ngày, nhưng tôi chưa có nhu cầu bán. Trung bình 1 năm bò đẻ 1 lứa, sau gần 16 năm nuôi bò gia đình tôi sở hữu 26 con. Một năm tôi chỉ bán khoảng 8 con – 9 con vào các ngày giáp Tết Nguyên Đán cho người dân trong xã thôi. Mỗi con bò có giá từ 12 triệu đồng đến 13 triệu đồng, thu về gần 120 triệu đồng. Nếu giờ tôi bán cả đàn bò ra thị trường cũng thu về nửa tỷ bạc rồi đấy, ônng Hoàng Văn Đợi cho biết thêm.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế cho gia đình, ông Đợi còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nhân dân trong bản. Ông đến từng hộ gia đình hướng dẫn và tuyên truyền cách phòng trừ dịch bệnh, cách chọn giống bò tốt để các nông hộ khác cùng chăn nuôi có hiệu quả, đây là mô hình giảm nghèo ở nông thôn. Nhiều nông hộ trong xã đã học theo cách làm của ông Đợi chuyển từ trồng ngô sang nuôi bò, tạo ra 1 hướng phát triển kinh tế bền vững, mang lại thu nhập ổn định hơn cho bà con.

Hà Hoàng