dd/mm/yyyy

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thêm thu nhập cho người nông dân

Bỏ trồng ngô, trồng sắn sang trồng cây ăn quả, chỉ sau vài năm người dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.

Clip: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thêm thu nhập cho nông dân

Cây ăn quả giúp người dân Mai Sơn có thu nhập cao

Trước đây, người dân huyện Mai Sơn (Sơn La) chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, với cây trồng chính là lúa, ngô và sắn. Để phát triển cây ăn quả bền vững, huyện Mai Sơn khuyến khích người dân các xã trên địa bàn huyện chuyển đổi đất đồi thấp, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, bên cạnh đó huyện ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, lồng ghép các chương trình, dự án, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển trồng trọt.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thêm thu nhập cho người nông dân - Ảnh 2.

Những năm trở lại đây nhiều diện đất trên địa bàn huyện Mai Sơn (Sơn La) đã chuyển sang trồng và phát triển cây ăn quả. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng như nhiều hộ gia đình khác trong vùng, trước đây với diện tích 3 ha đất, gia đình bà Nguyễn Thị Mức, tiểu Khu 1, Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) chỉ canh tác cây ngô, cây sắn, có trồng cây ăn quả thì cũng chỉ vài cây để phục vụ gia đình, chính vì vậy gia đình bà Mức hạn hẹp về kinh tế.  Sau khi được vận động tuyên truyền, cũng như thực hiện chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc. Gia bình bà đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất của gia đình sang canh tác cây na thái. Nhờ trồng na, cuộc sống của gia đình khấm khá hơn.

"So với trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, trồng na Thái hiệu quả gấp nhiều lần. Giống na Thái có ưu điểm dễ trồng, mỗi quả nặng từ 0,7kg-1,2kg. Vườn na của gia đình tôi cho năng suất từ 6-7 tấn/ha, với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu về gần 400 triệu đồng" bà Mức nói.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thêm thu nhập cho người nông dân - Ảnh 3.

Mô hình trồng na của gia đình bà Nguyễn Thị Mức, tiểu Khu 1, Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Văn Ngọc

Thành lập năm 2017, HTX dâu tây Xuân Quế, bản Tân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, (Sơn La) hiện có 12 thành viên, liên kết trồng 5,1 ha dâu tây an toàn. Xác định đây là loại cây trồng trọng tâm, chủ lực. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX cho biết: HTX chú trọng tìm kiếm các giải pháp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dâu tây, khắc phục tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa"; cử thành viên tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật do tỉnh, huyện tổ chức, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật triển khai các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Bình quân mỗi năm HTX thu hoạch hơn 50 tấn quả dâu tây tươi, với bán từ 100 – 200 nghìn đồng/kg.

"Ngoài trồng dâu tây, HTX dâu tây Xuân Quế còn trồng 25 ha xoài tượng da xanh, nhãn, bưởi, mận hậu. Hàng năm, sản lượng mận hậu đạt 50 tấn, xoài 100 tấn và bưởi 200 tấn, doanh thu 6,5 tỷ đồng" ông Nam nói.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thêm thu nhập cho người nông dân - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Nam, HTX dâu tây Xuân Quế, bản Tân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, (Sơn La) kiểm tra chất lượng dâu tây của HTX. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển mạnh vùng cây ăn quả ở Mai Sơn

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết: Trước đây các loại cây ăn quả chủ yếu được người dân trồng theo phong trào, chưa chú trọng đến chất lượng giống, đầu tư chăm bón, cải tạo, nên chỉ sau vài năm thu hoạch nhiều diện tích cây ăn quả bị thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp.

Sau nhiều năm, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước thì ý thức của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt, không cam chịu đói nghèo, nỗ lực vươn lên, học hỏi để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, phát triển chăn nuôi trên cơ sở khai thác các thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thêm thu nhập cho người nông dân - Ảnh 5.

Nhờ trồng trồng cây ăn quả, nhiều hộ nông dân xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) có thu nhập ổn định vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ảnh: Văn Ngọc

Diện tích cây ăn quả toàn huyện có 10.800ha, sản lượng cho thu hoạch đạt 70 nghìn tấn với 3.000 ha cây ăn quả  thực hiện theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, 800ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Có hơn 1.405 hộ dân tham gia đăng ký xây dựng 3 vùng cây ăn quả nhãn, xoài, na, ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.075,8ha. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn các xã, thị trấn như cam, bưởi, nhãn, xoài, thanh long, na, dâu tây, với quy mô 800ha.

Huyện có 40 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, với diện tích hơn 1.300ha, 5 cơ sở đóng gói được cấp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc. 141 HTX sản xuất nông nghiệp, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, nâng cao chất lượng hiệu quả. Trên địa bàn huyện có 4 nhà máy chế biến nông sản an toàn, như: Công ty cà phê Phúc Sinh, Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La…; đang xây dựng nhà máy của Trung tâm chế biến rau quả Doveco.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thêm thu nhập cho người nông dân - Ảnh 6.

Huyện Mai Sơn là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả lớn của tỉnh Sơn La với các loại quả chủ lực như; Xoài, nhãn, na, mít... Ảnh: Văn Ngọc

Có thể thấy, với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền các cấp và sự năng động, sáng tạo của người sản xuất, đã và đang trở thành nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, cải thiện, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn. Bình quân thu nhập đầu người đạt trên 32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh