Mô hình nông nghiệp sạch hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân
Cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 20km, chúng tôi về huyện Mai Sơn, đây là một trong những vùng có diện tích và sản lượng trái cây lợn của tỉnh Sơn La.
Để nâng cao giá trị kinh tế các loại cây ăn quả, huyện Mai Sơn đã chỉ đạo các ngành chuyên môn đẩy mạnh hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung lai tạo giống bằng phương pháp ghép mắt đối với cây nhãn, xoài... Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn.
Dẫn chúng tôi đến thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ, hàng nghìn trụ thanh long được dựng thẳng hàng, đều tăm tắp, trải dài dưới thung lũng, bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, cho biết: Hiện HTX có 200 ha thanh long được trồng tập trung ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu, sản lượng thanh long mỗi năm khoảng 30.000 tấn.
Để đáp ứng yêu cầu vào thị trường châu Âu, các thành viên HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra và cấp mã số, đồng thời phải kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất được nguồn gốc,…
"Năm 2020, HTX đã bắt đầu xuất khẩu quả thanh long ruột đỏ sang thị trường Liên bang Nga. Trong năm 2021, chúng tôi đã xuất được 150 tấn thanh long ruột đỏ ở huyện Thuận Châu sang thị trường Nga. Năm 2022, mặc dù chưa đến vụ thu hoạch, thế nhưng HTX đã có đơn hàng từ các nước châu Âu,... ước tính sản lượng khoảng 300 tấn", bà Dung nói.
Còn đối với HTX Đại Phát, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được thành lập vào tháng 3/2018, với 26 thành viên, canh tác trên 102 ha đất, sản xuất các loại cây ăn quả như: Nhãn, xoài, bưởi, na, chanh leo, rau củ.
Ông Lò Văn Xuân, bản Nhạp, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Hơn 20 năm gắn bó với cây ngô, cây sắn, ông không nghĩ mình sẽ chăm sóc tốt được cây chanh leo, cây xoài, nhưng sau khi tham gia làm thành viên HTX Đại Phát, ông đã được các thành viên, Ban Quản trị HTX, cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ tiệc, đến nay ông Xuân có thể tự tin làm được, đồng thời điều kiện kinh tế gia đình ông cũng khá giả hơn hẳn từ khi tham gia hợp tác xã.
"Từ khi vào làm thành viên HTX tôi thấy kinh tế gia đình hơn hẳn so với trước kia, vào HTX rồi các vườn cây, vườn rau làm theo kỹ thuật năng suất nó cao hơn trước, trước đây làm ồ ạt, không theo kỹ thuật năng suất rất kém", ông Xuân nói.
Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp sạch tập trung
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn cho biết: Trước đây các loại cây ăn quả chủ yếu được người dân trồng theo phong trào, chưa chú trọng đến chất lượng giống, đầu tư chăm bón, cải tạo, nên chỉ sau vài năm thu hoạch nhiều diện tích cây ăn quả bị thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp.
Sau nhiều năm, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước thì ý thức của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt, không cam chịu đói nghèo, nỗ lực vươn lên, học hỏi để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, phát triển chăn nuôi trên cơ sở khai thác các thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Toàn huyện có gần 5.600ha mía nguyên liệu phục vụ cho vùng nguyên liệu Công ty Cổ phần mía đường Sơn La, sản lượng đạt gần 342.200 tấn. Hơn 6.500ha cây cà phê, cao su, chè; trong đó, chất lượng sản phẩm cà phê từng bước được nâng cao, được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 4C, UTZ.
Diện tích cây ăn quả toàn huyện có 10.800ha, sản lượng cho thu hoạch đạt 70 nghìn tấn với 3.000 ha cây ăn quả thực hiện theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, 800ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Có hơn 1.405 hộ dân tham gia đăng ký xây dựng 3 vùng cây ăn quả nhãn, xoài, na, ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.075,8ha. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn các xã, thị trấn như cam, bưởi, nhãn, xoài, thanh long, na, dâu tây, với quy mô 800ha.
Huyện có 40 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, với diện tích hơn 1.300ha, 5 cơ sở đóng gói được cấp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc. 141 HTX sản xuất nông nghiệp, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, nâng cao chất lượng hiệu quả. Trên địa bàn huyện có 4 nhà máy chế biến nông sản an toàn, như: Công ty cà phê Phúc Sinh, Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La…; đang xây dựng nhà máy của Trung tâm chế biến rau quả Doveco.
"Huyện Mai Sơn đang tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP; duy trì nhãn hiệu, thương hiệu cho các loại sản phẩm đã được chứng nhận và tuyên truyền người dân mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đối với một số cây trồng chủ lực. Tiếp tục đưa cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; hướng đến xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp sạch, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương" Ông Hào nói.