dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Rau màu thành một mũi nhọn kinh tế

Không chỉ nổi tiếng là vùng cây ăn quả của huyện Mộc Châu (Sơn La), Chiềng Hắc còn hình thành vùng chuyên canh rau màu phát triển theo hướng an toàn, bền vững, đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.

Nông dân Tây Bắc chọn trồng rau màu để phát triển kinh tế

Những ngày giữa tháng 4, chúng tôi trở lại vùng chuyên canh rau màu xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) được tận mắt chứng kiến cánh đồng rau màu trải dài xanh ngút ngàn xen với những vườn cây ăn quả. Sau những ngày mưa ẩm, nông dân đang hối hả ra đồng chăm sóc cho kịp lứa rau cung ứng thị trường.

Nông thôn Tây Bắc: Rau màu thành cây kinh tế chủ lực - Ảnh 1.

Nhờ phát triển cây rau màu, nhiều hộ nông dân tại xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) có thu nhập cao. Ảnh: Văn Ngọc

Dẫn chúng tôi vào thăm quan mô hình trồng cà xanh đang cho thu hoạch, anh Ngô Đình Thắng, bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) phấn khởi chia sẻ: "Trước kia, đây là vùng trồng ngô, trồng sắn, chỉ có một số diện tích nhỏ trồng rau màu. Nhưng khi bà con thử đưa các loại rau màu như: Cải mèo, cải bắp, cà xanh, các loại rau gia... xuống ruộng trồng thấy phát triển tốt và cho lợi nhuận cao hơn trồng ngô, sắn, từ đó đã dần hình thành vùng trồng rau màu và nhân rộng diện tích trên phần đất nương.

"Vụ năm nay gia đình tôi đưa giống cà xanh vào canh tác. Để thuận tiện cho việc tưới tiêu và để tiết kiệm nước, gia đình tôi đã lắp giàn phun tự động. Nhờ chăm sóc tốt, đúng ký thuật, sau 3 tháng, đến nay vườn cà nhà tôi đã cho thu hoạch. Với hơn 2.000m2 đất trồng cà, giá ổn định như hiện nay gia đình tôi thu về khoảng 30 triệu vụ này" anh Thắng nói.

Nông thôn Tây Bắc: Rau màu thành cây kinh tế chủ lực - Ảnh 2.

Mô hình trồng cà xanh của gia đình anh Ngô Đình Thắng, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) cho thu nhập 120 triệu mỗi năm. Ảnh: Văn Ngọc

Còn đối với gia đình bà Nguyễn Thị Nội, bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La), thời điểm này cũng đang tất bật chăm sóc cho vụ rau màu. Đã gần 20 năm qua, gia đình bà luôn duy trì trồng các rau màu. Để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường, bà Nội đã tiến hành trồng rau màu theo hướng sạch, an toàn.

"Trồng rau sạch theo hướng VietGAP cho thu hoạch chậm hơn so với rau trồng theo cách thông thường, phải mất hơn 2 tuần tới 1 tháng mới được thu hoạch. Thế nhưng đổi lại, trồng rau sạch gia đình tôi không mất chi phí phân hóa học, thuốc trừ sâu, giá cả luôn được các thương lái thu mua đều đặn và ổn định", bà Nội nói.

Với trên diện tích hơn 4.000m2, trồng các loại rau xà lách, dền đỏ, cải mèo, cà chua, các loại rau gia vị…, mỗi ngày gia đình bà nội cung cấp ra thị trường từ 30 - 35kg rau các loại, doanh thu gần gần 1 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn lãi 400.000 – 600.000 đồng/ngày. 

Nông thôn Tây Bắc: Rau màu thành cây kinh tế chủ lực - Ảnh 3.

Nhờ trồng các loại cây rau màu gia đình bà bà Nguyễn Thị Nội, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Hình thành các vùng chuyên canh rau màu sạch

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Duyên, Tổ trưởng tổ rau sạch bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết: Nghề trồng rau màu ở địa phương đã hình thành từ lâu, nông dân có nhiều kinh nghiệm đối với loại cây trồng này. Trước kia, vùng trồng rau chỉ nhỏ lẻ, nhưng đến nay đã phát triển theo hướng chuyên canh tập trung với số lượng lớn.

Nông thôn Tây Bắc: Rau màu thành cây kinh tế chủ lực - Ảnh 4.

Những năm trở lại đây xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu đã hình thành vùng trồng rau màu chuyên canh và thành lập các tổ trồng rau an toàn để cung cấp cho thị trường. Ảnh: Văn Ngọc

Tổ sản xuất rau sạch bản Tà Niết đã được thành lập hơn 5 năm, lúc đầu chỉ có 4 hộ dân tham gia với khoảng 2 ha, nhưng đến thời điểm này số lượng tổ viên và diện tích canh tác rau đã tăng gấp đôi. Mới đầu đi vào trồng rau theo quy trình VietGAP cũng khó khăn vì bà con vẫn quen canh tác truyền thống, nhưng đến nay thì hầu hết diện tích rau của Tổ hợp tác đã áp dụng đúng quy trình an toàn, nâng cao được chất lượng, bà con đều an tâm sản xuất.

"Trước kia người dân ở vùng này chủ yếu trồng rau tự phát và mạnh ai lấy làm, tự tìm mối tiêu thụ, nhưng đến nay bà con đã tự nguyện tham gia vào Tổ sản xuất rau sạch trồng. Hơn nữa, rau của bà con chúng tôi còn được các doanh nghiệp đầu tư chuỗi liên kết theo quy trình an toàn và hỗ trợ đầu ra sản phẩm khiến bà con mừng lắm, mỗi năm tổ hợp tác xuất ra thị trường khoảng 100 tấn rau màu các loại, thu về cả chục tỷ cho các hộ nông dân". Ông Duyên nói.

Nông thôn Tây Bắc: Rau màu thành cây kinh tế chủ lực - Ảnh 5.

Xã Chiềng Hắc đã tập chung đầu tư xây dựng, sửa chữa đập chứa nước, kênh mương thủy lợi, để đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho vùng trồng rau màu trên địa bàn. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lực, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết:  Đặc thù vùng đất ở xã Chiềng Hắc nói riêng và huyện Mộc nói chung rất phù hợp với các loại rau màu. Đến nay các bản, tiểu khu trong xã cũng đã xây dựng được vùng trồng rau màu chuyên canh và thành lập các tổ trồng rau an toàn để cung cấp cho thị trường.

"Từ hiệu quả kinh tế của rau màu, địa phương vận động bà con mở rộng diện tích trồng rau, hạn chế trồng các loại cây khác giá trị kinh tế thấp hơn. Thời gian qua, nhờ tham gia chuỗi liên kết, nông dân được các doanh nghiệp hỗ trợ quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn sinh học và đầu tư bao tiêu sản phẩm giúp nông dân có được đầu ra thuận lợi", ông Lực nói.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh