Clip: Màu xanh no ấm tại bản tái định cư
Bản tái định cư thành quê hương mới
Những ngày giữa tháng 4, xuôi về thành phố Sơn La (Sơn La), tại các bản tái định cư của thủy điện Sơn La những ngôi nhà sàn lợp tôn, lợp prôximăng san sát bên nhau tạo nên một khung cảnh trù phú, yên ấm sau hơn chục năm di dời đến nơi ở mới.
Chuyển từ xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai đến nơi ở mới tại điểm tái định cư Quỳnh Sơn nay thuộc tổ 9 phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La ngót nghét hơn chục năm, gia đình chị Nguyễn Thị Sen đã quen với nơi ở mới và coi đây là quê hương thứ hai của mình.
Nhớ lại những ngày đầu về nơi ở mới, khi đó mọi thứ còn xa lạ và lạ lẫm, thế nhưng nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền sở tại mà gia đình chị Sen đã mạnh dạn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
"Mỗi năm gia đình tôi nuôi 3 lứa lợn, với mỗi lứa hơn 10 con lợn, 1 năm xuất bán khoảng 3 lứa lợn. Bên cạnh đó, đất gia đình tôi cũng trồng thêm rau củ các loại và trồng dâu tây trên diện tích, mối năm cũng được khoảng trừ tất cả chi phí, môi năm gia đình tôi cũng thu được hơn 60 triệu đồng", chị Sen nói
Tổ 9, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La có 35 hộ dân ở bản Nậm Phung, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai chuyển đến tái định cư. Ông Hoàng Văn Định, Tổ phố Tổ 9 phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La chia sẻ: Sau hơn 15 năm chuyển đến tái định cư ở thành phố Sơn La, cá hộ dân trong bản đã thích nghi với cuộc sống nơi ở mới như những người bản địa thực thụ. Chuyển đến nơi ở mới, bản lấy tên mới là Quỳnh Sơn vừa thể hiện sự gắn bó khi đến nơi ở mới, vừa nhắc nhớ về quê cũ. Vốn quen với cuộc sống vùng sông nước, về Quỳnh Sơn bà con mất khá nhiều thời gian để thay đổi tập quán canh tác.
"Nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, bà con đã chuyển đổi từ trồng ngô năng suất thấp sang trồng một số loại cây ăn quả ngắn ngày như thanh long, dâu tây,… Cùng với đó, các hộ dân còn tích cực trồng trọt, chăn nuôi, nhờ đó mà đời sống của bà con dân khá lên, cả điểm tái định cư không có nhà tạm, hiện chỉ còn 1 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người dao động từ 1,6 – 1,8 triệu đồng/người/tháng', ông Định nói.
Còn đối với gia đình chị Lò Thị Vui ở bản Quỳnh An, phường Chiềng An, thành phố Sơn La cũng là một trong 35 hộ dân chuyển về nơi ở mới từ tháng 1 năm 2009. Sau khi chuyển về nơi ở mới, gia đình chị Vui đã được cấp ủy, chính quyền trong phường, vận động, tuyên truyền trong phát triển kinh tế gia đình.
Với quan niệm "An cư thì mới lạc nghiệp" gia đình chị Vui đã bắt tay ngay vào phát triển kinh tế và bén duyên với nghề nuôi dế. Từ chỗ chỉ có một vài thùng dế đến nay gia đình chị đã có hơn 40 thùng dế, mỗi năm thu khoảng 2 tấn dế, trừ chi phí gia đình cũng thu về hơn 50 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, gia đình chị còn trồng trọt, chăn nuôi thêm để tăng thu nhập, ổn định đời sống gia đình.
"Chuyển về nơi ở mới hơn chục năm nay, gia đình tôi cảm thấy rất phấn khởi khi Đảng và nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi có cuộc sống ổn định ở nơi ở mới. Ban đầu chuyển về đây thì còn nhiều khó khăn nhưng đến nay đường sá đi lại thuận tiện, nhà cửa cũng khang trang hơn rất nhiều. Đặc biệt gia đình chúng tôi còn thực hiện phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, hy vọng thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước để bà con dân bản chúng tôi ngày càng có cuộc sống khấm khá hơn" Chị Vui nói.
Những ấn tượng tốt đẹp trên bản tái định cư ở thành phố Sơn La
Bà Hà Thị Hạnh, bản Quỳnh An, phường Chiềng An, thành phố Sơn La chia sẻ: Mặc dù chuyển đến nơi ở mới cả chục năm, cuộc sống có phần đã khấm khá hơn trước rất nhiều, thế nhưng mọi sinh hoạt hằng ngày hay những bản sắc văn hóa của dân tộc Thái trắng vẫn được bà con dân bản nơi đây gìn giữ. Vào những ngày lễ Tết, các chị em trong bản lại xúng xính váy áo đến nhà văn hóa bản tập luyện các tiết mục văn nghệ mang đậm văn hóa truyền thống, để những giá trị văn hóa không bị mai một theo thời gian.
"Vào dịp lễ Tết, chúng tôi lại tập trung ở các nhà văn hóa để giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đây là nét truyền thống có từ ngày xưa, khi mà còn ở quê hương cũ. Giờ đã ở quê hương mới hơn chục năm, nhưng chúng tôi vẫn muốn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống để thêm yêu hương mình hơn. Rất mong Đảng và Nhà nước quan tâm đến bà con chúng tôi để cuộc sống của chúng tôi ngày càng tốt hơn", bà Hạnh nói.
Trao đổi với phóng viên, Ông Điêu Chính Thư, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Quỳnh An, thành phố Sơn La cho biết: Ngay khi có chủ trương di dân tái định cư thủy điện Sơn La, một số hộ dân xã Pá Ma, huyện Quỳnh Nhai được quy hoạch di chuyển đến thành phố Sơn La để tái định cư tại bản Quỳnh An, phường Chiềng An, thành phố Sơn La.
Khi đó, bản có 35 hộ di chuyển đến, hầu hết thuộc diện nghèo, cuộc sống khó khăn. Thế nhưng, chuyển về nơi ở mới, mỗi hộ được cấp 400 m² đất ở và mỗi khẩu được chia 1.400 m² đất sản xuất. Bên cạnh đó, các hộ dân ở bản tái định cư còn được chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện, xây dựng các phương án sản xuất phù hợp, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, từ đó người dân Quỳnh An đã từng bước thay đổi tư duy, đưa cây ăn quả vào trồng.
Cùng với đó phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mở rộng diện tích trồng cỏ để nuôi trâu, bò. Nhiều hộ gia đình trong bản đã đầu tư mua xe ô tô để vận chuyển hàng hóa và kinh doanh dịch vụ vận tải. Cuộc sống của người dân ở Quỳnh An, nay đã tốt hơn trước rất nhiều, bà con yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với quê hương mới.
Thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, với trên 500 và khoảng 2.500 nhân khẩu ở một số xã phường trên địa bàn thành phố như Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng An, Chiềng Sinh. Đặc biệt, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại các điểm tái định cư cũng được thành phố Sơn La đặc biệt chú trọng, trong đó khuyến khích các điểm tái định cư thực hiện theo phương châm "tiêu chí dễ thực hiện trước, khó thực hiện sau".
Đến nay thành phố Sơn La đã xây dựng các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt và các công trình khác. Các công trình sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng cơ bản phát huy hiệu quả tốt, đảm bảo phục vụ đời sống sinh hoạt cho nhân dân vùng tái định cư. Đặc biệt, các hộ đã làm chủ công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại thu nhập ổn định...
Hơn chục năm đã trôi qua, những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát, đường bê tông được trải dài, đời sống của người dân được nâng lên mọi mặt… Đó là những đổi thay đáng mừng của các hộ dân khi được chuyển đến nơi ở mới theo Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Sau tất cả, đến nay các hộ dân đều đã "an cư, lạc nghiệp", yên tâm xây dựng cuộc sống mới.
Điểm tái định cư ngày nào giờ đây đã sầm uất như một khu phố nhỏ. Các hộ tái định cư đến nay đã như cây bén rễ trên vùng đất mới, một diện mạo no ấm và đủ đầy đang hiện hữu ở nơi đây. Hiện một màu xanh no ấm, yên bình đang trải khắp các bản tái định cư.