dd/mm/yyyy

Lai Châu: Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở Mường Cang

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã thúc đẩy nhiều nông dân ở xã Mường Cang (Than Uyên, Lai Châu) vươn lên làm giàu…

Nhiều điển hình trong phòng trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Qua giới thiệu chúng tôi được biết, anh Lìm Văn Nguyễn ở bản Lả Mường, xã Mường Cang là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn, không chỉ dừng lại ở đó, anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong bản.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn cho biết: " Nhận thấy chăn nuôi đại gia súc theo hình thức vỗ béo đang là xu hướng phát triển hiện nay. Thịt trâu, bò, dê là thực phẩm có giá thành cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Rơm rạ sau mỗi vụ lúa trên địa bàn xã rất nhiều có thể thu mua làm thức ăn cho gia súc. Hơn nữa, gia đình tôi cũng có một phần diện tích đất đồi cỏ nên tôi mạnh dạn đầu tư nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa tập trung. "

Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở Mường Cang - Ảnh 1.

Hiện nay gia đình anh Nguyễn đang nuôi 90 con trâu, 50 con bò, 54 con dê.(Ảnh: Thanh Ngân)

Theo anh Nguyễn để gia súc phát triển cần phải chú trọng khâu phòng dịch, tiêm phòng vắc xin định kỳ theo quy định, xây chuồng trại kiên cố, trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, anh Nguyễn còn thu mua gia súc của các hộ dân trong và ngoài huyện; nuôi gia cầm, trồng rừng. Hiện gia đình anh đang nuôi 90 con trâu, 50 con bò, 54 con dê. Từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp mỗi năm gia đình thu về trên 800 triệu đồng. Được biết, từ năm 2015 đến nay gia đình anh luôn đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, huyện.

Chia tay anh Nguyễn, chúng tôi tới thăm mô hình kinh tế của chị Nùng Thị Phương ở bản Cang Mường. Khu chăn nuôi của chị Phương có 3 chuồng được đầu tư xây dựng rất khang trang sạch sẽ, các chuồng ngăn cách với nhau, hệ thống xử lý nước thải được lắp đặt khá bài bản, có kho riêng để dự trữ rơm rạ cho vật nuôi.

Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở Mường Cang - Ảnh 2.

Gia đình chị Phương thường duy trì nuôi từ 20-40 con trâu, bò, ngựa/lứa theo hình thức vỗ béo.(Ảnh: Thanh Ngân)

Chia sẻ với PV, chị Phương cho biết: "Gia đình tôi thường duy trì nuôi từ 20-40 con trâu, bò, ngựa/lứa theo hình thức vỗ béo, đồng thời cũng thu mua của người dân để bán. Để việc buôn bán trâu, bò, ngựa diễn ra thuận lợi gia đình tôi đầu tư mua một chiếc ô tô tải, khi khách có nhu cầu tôi lại chở bán tận nơi. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hạn chế đi lại, sức mua giảm do đó từ đầu năm tới nay, gia đình chị chỉ bán khoảng 70 con trâu, bò, ngựa, thu về khoảng 400 triệu đồng".

Qua trao đổi với chị Lò Thị Hương, Chủ tịch Hội nông dân xã Mường Cang, chúng tôi được biết: Sau 5 năm thực hiện, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" đã thực sự lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân; những tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã và đang góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn xã. Đến nay, xã đã thành lập được một tổ hợp tác "Nuôi trâu bò vỗ béo tại bản Cang Mường" xã với 15 thành viên tham gia, bình quân mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 9,15% (giảm 17,75% so với năm 2017), cuộc sống bà con ngày càng khởi sắc, ấm no.

Nhiều pháp nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Theo đó, để phong trào thi đua sản xuất kinh, doanh giỏi đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, những năm qua, Hội nông dân xã Mường Cang đã chủ động phối hợp cùng các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về phong trào. Tích cực vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, chú trọng tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm nông sản nhằm tạo ra giá trị hàng hóa và giá trị kinh tế. Đồng thời tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương và các cấp Hội tổ chức cho hội viên đi tham quan các mô hình, trang trại trồng trọt, chăn nuôi chất lượng cao. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức và để hội viên học hỏi kinh nghiệm.

Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở Mường Cang - Ảnh 3.

Hội nông xã Mường Cang phối hợp với các cấp ngành tổ chức cho hội viên đi tham quan các mô hình chăn nuôi điển hình trên địa bàn và các xã lân cận.(Ảnh: Thanh Ngân)

Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu theo hướng nông - lâm – công nghiệp và dịch vụ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát huy những tiềm năng và thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế như: trồng lúa séng cù theo hướng nông sản hàng hóa tập trung; nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt siêu nạc; trâu, bò sinh sản và vỗ béo…

Với phương châm đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động Hội nông dân xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và Hội nông dân huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn để các hộ nông dân đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở Mường Cang - Ảnh 4.

Nhiều hộ dân được vay vốn chăn nuôi phát triển kinh tế.(Ảnh: Thanh Ngân)

Tin rằng với những giải pháp đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn xã Mường Cang ngày càng lan tỏa đến mọi người dân, từ đó, xuất hiện những tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần xây dựng xã Mường Cang ngày càng khởi sắc.

Thanh Ngân-Phạm Hoài