dd/mm/yyyy

Yên Châu: Được mùa, nông dân trồng nhãn phấn khởi vào vụ thu hoạch

Về Yên Châu (Sơn La) những ngày này, trải dài trên các triền đồi, thung lũng là những vườn nhãn trĩu quả, nông dân trồng nhãn đang phấn khởi vào mùa thu hoạch.

Yên Châu: Được mùa, nông dân trồng nhãn phấn khởi vào vụ thu hoạch

Nông dân trồng nhãn bội thu

Cầm cành nhãn sai lúc lỉu trên tay, ông Nguyễn Văn Hừa, bản Hua Đán, xã Tú Nang, huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Năm 2002, thực hiện Chủ trương của huyện về việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Được Hội Nông dân vận động tuyên truyền, gia đình tôi chặt bỏ toàn bộ diện tích cây xoài và cây mận kém hiệu quả, đưa giống nhãn Miền Thiết vào trồng thay thế. Đối với diện tích nhãn đã trồng trước đó, gia đình tôi tiến hành ghép mắt giống nhãn Miền Thiết. Chỉ sau 3 năm cải tạo vườn, gia đình tôi đã được thu hoạch

"Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn nhãn 6 ha của gia đình tôi mỗi năm thu về trên 100 tấn quả. Với giá bán trung bình từ 20.000-25.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phi gia đình tôi thu về trên 700 triệu đồng mỗi năm. Tôi thấy trồng nhãn Miền Thiết là hiệu quả nhất, cho thu nhập ổn định, cao gấp 3-4 lần so với trồng ngô, trồng sắn", ông Hừa nói.

Yên Châu: Được mùa, nông dân trồng nhãn phấn khởi vào vụ thu hoạch - Ảnh 2.

Vườn nhãn của gia đình ông Nguyễn Văn Hừa, bản Hua Đán, xã Tú Nang, huyện Yên Châu (Sơn La) cho thu nhập vài trăm triệu mỗi năm. Ảnh: Văn Ngọc

Con đối với HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) hiện có 100 ha nhãn, trong đó có hơn 80 ha được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX cho biết: Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã giúp các thành viên tiếp cận tiến bộ kỹ thuật sản xuất, áp dụng công nghệ tưới ẩm, chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng. Toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX đã được ghép, cải tạo nên năng suất, chất lượng hơn hẳn giống địa phương trước đây. Đặc biệt, thương hiệu nhãn ghép của HTX sau khi được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số vùng trồng đã có mặt tại các thị trường trong tỉnh và siêu thị tại các tỉnh, thành phố lớn.

"Nhận định trước những khó khăn do dịch bệnh, ngay từ đầu vụ, HTX đã liên kết tìm thương lái ở các chợ đầu mối trong nước để tiêu thụ nhãn cho thành viên và các bản lân cận. Mỗi ngày HTX thu mua 30 tấn nhãn tươi với giá từ 9.000-13.000 đồng/kg bán cho các thương lái chợ đầu mối tại Thanh Hóa, Quảng Ninh. Trừ chi phí, chia cho 10 thành viên HTX, doanh thu mỗi thành viên cũng đạt khoảng 800-900 triệu đồng", ông Kiên nói.

Yên Châu: Được mùa, nông dân trồng nhãn phấn khởi vào vụ thu hoạch - Ảnh 3.

Nhiều hội viên nông dân Yên Châu (Sơn La) có thu nhập cao từ việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Xã có diện tích nhãn lớn nhất huyện Yên Châu với 520 ha; trong đó, có 410 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 4.100 tấn/năm. Năm nay, thời tiết khí hậu thuận lợi, người dân trong xã đã áp dụng khoa học, kỹ thuật vào quy trình sản xuất nên nhãn sai quả, mẫu mã đẹp.

Hiện mỗi ngày trong xã có 3 điểm thu mua trung bình gần 100 tấn nhãn tươi tiêu thụ tại các chợ đầu mối của tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Nội với giá từ 8-12 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, trong xã có 4 lò sấy long, tiêu thụ trên 30 tấn nhãn tươi/ngày; đến nay, toàn xã đã tiêu thụ hơn 359 tấn nhãn tươi.

Yên Châu: Được mùa, nông dân trồng nhãn phấn khởi vào vụ thu hoạch - Ảnh 4.

Huyện Yên Châu tiếp tục tập trung vào các khâu cải tạo giống, phổ biến quy trình tưới ẩm để nâng cao năng suất của cây nhãn. Ảnh: Văn Ngọc

Nỗ lực cùng nông dân trồng nhãn nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây nhãn trên đất Yên Châu

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu (Sơn La) thông tin: Là huyện có diện tích nhãn đứng thứ 3 toàn tỉnh với trên 2.100 ha, sản lượng đạt trên 15.000 tấn, tập trung chủ yếu ở các xã Lóng Phiêng, Tú Nang, Chiềng Hặc, Yên Sơn, Chiềng Pằn, Phiêng Khoài và Chiềng Đông. Để cây nhãn thực sự đem lại hiệu quả cho người nông dân, huyện Yên Châu (Sơn La) đã vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là áp dụng quy trình trồng an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng và tăng giá trị nông sản, nhất là quả nhãn.

Yên Châu: Được mùa, nông dân trồng nhãn phấn khởi vào vụ thu hoạch - Ảnh 5.

Các phòng ban chuyên môn huyện Yên Châu đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực đồng hành, hỗ trợ người dân tiêu thụ nhãn. Ảnh: Văn Ngọc

Thời gian thu hoạch nhãn chính vụ trên địa bàn huyện năm nay bắt đầu từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 9; nhãn chín muộn vào tháng 10. Để thuận tiện cho việc tiêu thụ, huyện chủ động mời các doanh nghiệp có mối liên hệ từ các năm trước, các đơn vị đầu mối, hệ thống các siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh khảo sát nguyên liệu và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Yên Châu: Được mùa, nông dân trồng nhãn phấn khởi vào vụ thu hoạch - Ảnh 6.

Vụ thu hoạch nhãn năm nay, nông dân trồng nhãn Yên Châu rất phấn khởi vì giá bán cao hơn mọi năm. Đây là kết quả của nỗ lực đa dạng hóa đầu ra cho quả nhãn được tỉnh Sơn La triển khai thời gian qua. Ảnh: Văn Ngọc

Có thể thấy, với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ kịp thời của tỉnh, cùng với sự tích cực vào cuộc của chính quyền địa phương và nỗ lực của người nông dân, đã từng bước đưa vùng trồng nhãn Yên Châu (Sơn La) trở thành vùng có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Tin tưởng rằng, vụ nhãn năm nay ngoài được mùa, được giá, huyện Yên Châu còn tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho nông dân

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh