dd/mm/yyyy

Chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, bước đột phá ở xã vùng khó Sơn La

Để tạo sự đột phá trong chăn nuôi, xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La) xác định, phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò phải gắn với việc mở rộng diện tích trồng cỏ.


Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La) xác định phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò phải gắn với việc mở rộng diện tích trồng cỏ.

Chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng tại xã Tường Thượng, những kết quả rất đáng khích lệ

Xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La) có 1.403 hộ với 6.501 nhân khẩu. Là xã vùng 3, vùng khó khăn của huyện Phù Yên, nơi sinh sống của gần 70% đồng bào dân tộc Mường, nguồn sinh kế phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trong khi đất sản xuất thì manh mún, bạc màu nên cuộc sống của bà con rất khó khăn, ngoài trồng lúa và ngô, bà con nông dân đã bắt đầu chăn nuôi gia súc, nhất là trâu, bò nhưng còn nhỏ lẻ, chưa phát triển thành hàng hóa nên hiệu quả kinh tế còn thấp.

Để tạo sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đại hội Đảng bộ xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La) nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò theo hướng hàng hóa phải gắn với việc mở rộng diện tích trồng cỏ. Nghị quyết được triển khai thực hiện tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã và đưa vào quy ước, hương ước của bản, quy định mỗi hộ gia đình có tối thiểu từ 200-400m2 đất để trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi; thực hiện làm chuồng nuôi nhốt trâu bò để tiện chăm sóc, vệ sinh chuồng cũng như tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc.

Từ khi Nghị quyết được thực hiện đến nay, toàn xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La) có 1.780 con bò và 1.100 con trâu, tăng 23% so với năm 2021; với tổng 1.403 hộ thì có 786 hộ chăn nuôi đại gia súc, chiếm 56,02% và 580 hộ nuôi từ 1-5 con trâu, bò, đặc biệt có 02 hộ nuôi từ 100 con trở lên; 8/8 bản đều có mô hình trồng cỏ, nuôi trâu, bò nhốt chuồng.

Chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, bước đột phá ở xã vùng khó Sơn La - Ảnh 2.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng, nuôi bò thương phẩm tại xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa

Để giúp bà con tiếp cận với hướng chăn nuôi mới, xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La) luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tận dụng đất đồi và chuyển dần diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc; liên kết với ngành chức năng mở lớp tập huấn kiến thức về phòng, chữa bệnh cho đàn gia súc và hướng dẫn chế biến, ủ chua thức ăn cho gia súc trong mùa đông; bên cạnh đó, xã cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay, nguồn hỗ trợ của các cấp.

Xác định việc phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò nhốt chuồng phải gắn với việc mở rộng diện tích trồng cỏ, đến nay, toàn xã có hơn 50 ha cỏ phục vụ chăn nuôi, trong đó, chủ yếu là các giống cỏ voi, VA06… Đây là giống cỏ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và cho năng suất, chất lượng cao. Điển hình trong thực hiện mô hình trồng cỏ nuôi trâu, bò nhốt chuồng có gia đình ông Lê Văn Chiển, anh Lê Văn Mến, bản Khoa 2, xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La).

Chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, bước đột phá ở xã vùng khó Sơn La - Ảnh 3.

Toàn xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La) có 50 ha cỏ phục vũ chăn nuôi. Ảnh: Văn Ngọc

Đối với gia đình ông Lê Văn Chiển, gia đình ông vốn nhiều đời làm nghề nông thuần túy, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Chính vì vậy, ông Chiển chọn nuôi bò làm hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình mình. Ban đầu ít vốn, lại chưa có kinh nghiệm nên ông Chiển chỉ đầu tư vài ba con theo phương thức "lấy ngắn nuôi dài", đến năm 2011, sau khi đi tham quan thực tế mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng tại Mai Sơn (Sơn La) cùng với một số địa phương có nhiều trang trại nuôi bò, ông Chiển mới bắt đầu đầu tư làm chuồng nuôi nhốt, mở rộng quy mô ngày càng lớn hơn, hiện tại, trang trại ông Chiển đang nuôi 400 con bò vỗ béo cung cấp cho thị trường.

Để cung cấp thức ăn cho đàn bò, ông Chiển đã trồng 05 ha cỏ voi, ngoài ra, ông Chiển cũng thu mua của bà con từ 2-3 tấn cỏ mỗi ngày và thu mua rơm khô của các hộ trong huyện để làm thức ăn dự trữ cho đàn bò. Đây là nguồn thức ăn thô, xanh quan trọng để phát triển chăn nuôi bò. Qua đó, góp phần giải quyết nguồn phụ phẩm nông nghiệp của địa phương, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Xây dựng mô hình nuôi bò nhốt chuồng bền vững, ông Chiển đã tạo việc làm ổn định cho 5 công nhân trong bản với lương mỗi tháng hơn 5 triệu đồng/ 1 người.

Theo ông Chiển: Bò là loại vật nuôi quen thuộc với người dân miền núi, sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh tật. Bên cạnh đó, diện tích đất ở đây chủ yếu là dốc, bạc màu nên phù hợp với trồng cỏ voi để phát triển chăn nuôi đại gia súc. 

"Muốn nuôi bò hiệu quả thì phải làm chuồng nuôi nhốt, chuồng phải làm một máng để rơm, một máng để cỏ, lúc nào ăn hết cỏ xanh, bò sẽ quay sang ăn rơm, phải có máng nước trong chuồng để đêm cũng được ăn thức ăn tinh, ngày cũng được ăn nó mới béo, đẹp được. Để đàn bò phát triển ổn định thì việc phòng chống dịch bệnh phải được quan tâm tiêm phòng đầy đủ, khoảng 4-5 ngày phải phun khử trùng chuồng trại, rắc vôi  bột 1 lần mới đảm bảo an toàn", ông Chiển nói.

Chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, bước đột phá ở xã vùng khó Sơn La - Ảnh 4.

Ông Lê Văn Chiển, xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La) có mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi nhốt chuồng, tổng đàn có thời điểm lên đến 400 con. Ảnh: Văn Ngọc

Học tập mô hình của gia đình ông Chiển, năm 2012, anh Lê Văn Mến cũng đầu tư nuôi bò nuôi nhốt chuồng. Ngoài học tập kinh nghiệm chăn nuôi của của ông Chiển, anh Mến còn đến các trang trại nuôi bò sinh sản, bò thương phẩm ở huyện Mai Sơn, huyện Mộc Châu (Sơn La) để học tập kinh nghiệm nuôi bò nhốt chuồng, kỹ thuật chăm sóc bò, phương pháp trồng cỏ, rồi xây dựng chuồng trại để nuôi nhốt bò... Lúc đầu đàn bò chỉ có 16 con, sau khi có kinh nghiệm, anh Mến mở rộng chăn nuôi nên trên 100 con bò. Để đảm bảo đủ lượng thức ăn cho đàn bò, anh Mến trồng 04 ha cỏ voi, vào mùa gặt tích trữ thêm rơm khô, thân cây sắn, mía, thân cây ngô già, ủ chua hàng trăm tấn thức ăn dự trữ.

Chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, bước đột phá ở xã vùng khó Sơn La - Ảnh 5.

Thức ăn ủ chua dự trữ cho đàn bò vào mùa đông của gia đình anh Lê Văn Mến, xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo anh Mến, để bò phát triển tốt phải có thức ăn thường xuyên, trong chuồng lắp một máng để rơm, một máng để cỏ và một máng để nước, bò có thể ăn, uống cả ngày lẫn đêm. Trong chăn nuôi đặc biệt chú trọng đến khâu phòng trừ dịch bệnh; mỗi tuần phun khử trùng chuồng trại một lần; 6 tháng lại tiêm vắc-xin phòng chống các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm, long móng, đau mắt đỏ...; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom chất thải đóng bao để bón cho diện tích cỏ voi, vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm chi phí.

Nhiều năm chăn nuôi bò, anh Mến đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, vỗ béo đàn bò. Những con bò gầy sau khi mua chỉ một vài tháng là béo tốt, khỏe mạnh và có thể xuất bán được. Trang trại của anh hiện có trên 300 con bò. Anh Mến đang dự định mở rộng thêm 1.000 m2 chuồng trại nữa để nuôi 150 bò lai sind, giống bò trọng lượng lớn, đạt từ 2,5 - 3 tạ thịt/con.

Chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, bước đột phá ở xã vùng khó Sơn La - Ảnh 6.

Anh Lê Văn Mến, xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La) có mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi nhốt chuồng, tổng đàn có thời điểm lên đến 300 con. Ảnh: Văn Ngọc

Ngoài gia đình ông Lê Văn Chiển và anh Lê Văn Mến, xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La) còn có một số gia đình như, gia đình ông Lê Văn Úng, gia đình ông Lò Văn Ngợi cũng là những hộ có mô hình trồng cỏ, nuôi nhốt trâu bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đàn trâu bò của xã luôn tăng trưởng về số lượng qua các năm.

Chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, bước đột phá ở xã vùng khó Sơn La - Ảnh 7.

Nhiều hộ dân xã Tường Thượng ( Phù Yên, Sơn La) chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc.Ảnh: Văn Ngọc

Hiệu quả mô hình và định hướng phát triển 

Có thể nói, phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng của người dân trong xã Tường Thượng (Phù Yên, Sơn La) đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nuôi trâu, bò nhốt chuồng không chỉ giúp người dân địa phương tìm được lời giải cho bài toán phát triển kinh tế hộ, mà còn góp phần tuyên truyền nhân rộng mô hình ra nhiều xã khác trong huyện. Qua đó, giúp người chăn nuôi dần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn; góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã Tường Thượng ước đạt 39 triệu đồng/người/năm.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Đinh Văn Hoàn, chủ tịch UBND xã Tường Thượng ( Phù Yên- Sơn La) cho biết: Định hướng trong những năm tới, xã vẫn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ, coi đây là bước đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tận dụng lợi thế của địa phương để trồng cỏ vào những diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả, nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa.



Nguyễn Vinh - Văn Ngọc