dd/mm/yyyy

Chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao biên giới Sốp Cộp

Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa được xã vùng cao biên giới Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La) quan tâm đầu tư.

Chăn nuôi đại gia súc để làm giàu

Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi gia súc của gia đình anh Lò Văn Toản, bản Mạt, khi anh đang cho đàn gia súc ăn, trong câu chuyện với anh, được biết, khi lập gia đình anh Toản được bố mẹ chia cho 2 con bò giống để nuôi. Sau nhiều năm nhân đàn, đến nay, gia đình anh Toản có 40 con trâu, bò. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Toản bán hơn chục con trâu, bò, thu về trên 200 triệu đồng.

Nông thôn Tây Bắc: Chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao biên giới Mường Lèo - Ảnh 1.

Nhờ phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, nhiều năm nay, gia đình anh Toản, bản Mạt đã có cuộc sống khấm khá hơn. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Lò Văn Toản, chia sẻ: Với lợi thế có địa hình là đồi núi, nhiều bãi chăn thả tự nhiên rộng, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc, nên để khai thác tiềm năng đất đai, bà con trong bản chúng tôi đã chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả. Nhờ phát triển chăn nuôi trâu, bò mà gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.

Còn ông Vừ Sếnh Hờ, bản Huổi Lạ hiện có hơn 30 con bò, ông chủ yếu chăn thả trên đồi, trung bình mỗi năm ông bán hơn chục con bò, thu về hàng trăm triệu đồng. 

Ông Hờ, bảo: Trước đây gia đình tôi thu nhập phụ thuộc vào trồng ngô, sắn năng suất thấp, cuộc sống khó khăn lắm. Bây giờ thì khác rồi, có đường giao thông đi lại thuận tiện nên nuôi được con trâu, con bò có các thương lái tìm đến tận nhà thu mua, cuộc sống từ đó khấm khá hẳn lên.

Chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao biên giới Sốp Cộp - Ảnh 2.

Tận dụng diện tích bãi đồi chăn thả rộng mênh mông, bà con nhân dân xã Mường Lèo đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc để nâng cao thu nhập. Ảnh: Mùa Xuân.

Từ những mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao của các hộ dân, phát huy lợi thế diện tích đồng cỏ chăn nuôi lớn, nhu cầu thị trường ngày càng cao. Phong trào phát triển chăn nuôi ở xã Mường Lèo đang ngày càng được nhân rộng, nhiều hộ đã dần chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi theo mô hình gia trại tập trung.

Đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá

Theo thống kê, hiện toàn xã có hơn hơn 4.500 con trâu, bò; hơn 300 con ngựa; gần 600 con dê. Để phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa một cách bền vững, xã khuyến khích người dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại, bảo đảm vệ sinh môi trường; tận dụng diện tích đất đồi chăn thả rộng, trồng cỏ voi VA06 làm nguồn thức ăn nuôi nhốt tập trung.

Nông thôn Tây Bắc: Chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao biên giới Mường Lèo - Ảnh 2.

Cán bộ xã Mường Lèo hướng dẫn nông dân bản Mạt cách dự trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Ảnh: Tuệ Linh.

Bên cạnh đó, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức chăn nuôi cho người dân, lựa chọn các giống vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện thực tế ở từng bản. Đồng thời, ngoài sự hỗ trợ các con giống vật nuôi từ các chương trình, dự án, xã tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển chăn nuôi.

Nhờ đó, thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã, đã nhận ủy thác với các ngân hàng tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống chăn nuôi...

Chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao biên giới Sốp Cộp - Ảnh 4.

Với số lượng đàn gia súc lớn, xã Mường Lèo đã tuyên truyền, vận động người dân trồng thêm cỏ voi VA06 để chủ động nguồn thức ăn. Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Lò Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, cho biết: Để phát triển chăn nuôi đại gia súc bền vững, hiệu quả, xã đã vận động các hộ dân trong xã trồng 12 ha cỏ voi VA06 làm thức ăn cho gia súc. Chỉ đạo cán bộ xã thường xuyên xuống các bản hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện kiên cố chuồng trại, trồng cỏ đảm bảo thức ăn cho gia súc theo hướng nuôi nhốt. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi luôn được quan tâm chú trọng.

Việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã và đang là một trong những hướng đi thiết thực, hiệu quả, giúp người dân xã vùng cao Mường Lèo từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương.


Mùa Xuân - Tuệ Linh