dd/mm/yyyy

Hội Nông dân Sốp Cộp làm tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân.

Năm 2018, Hội Nông dân huyện Sốp Cộp đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động dịch vụ, tư vấn và hỗ trợ cho hội viên nông dân.

Với mục đích giúp các hội viên nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, góp phần xây dựng tổ chức Hội các cấp ngày càng phát triển và vững mạnh, trong năm thời gian qua, Hội Nông dân huyện Sốp Cộp đã tích cực đẩy mạnh triển khai các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ cho hội viên nông dân. 

 Thông qua hoạt động dịch vụ, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Sốp Côp, nhiều hội viên nông dân được vay vốn phát triển sản xuất.

Trao đổi với Trang trại Việt, ông Lường Văn Độ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sốp Cộp, cho biết: Năm vừa qua, Hội Nông dân huyện đã tổ chức tuyên truyền; làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư; Quyết định 673-QĐ/TTg của Thủ thướng Chính phủ; đề xuất với Uỷ ban nhân dân huyện cấp kinh phí bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ Nông dân năm 2018, chỉ đạo các cơ sở Hội tăng cường công tác vận động xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Theo ông Độ: Tính đến ngày 31.12.2018 nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp do Hội nông dân huyện đang quản lý là 2.590.636.000 đồng (trong đó: Vốn do Trung ương uỷ thác: 600 triệu đồng; nguồn vốn do Hội Nông dân tỉnh uỷ thác: 1.100 triệu đồng; nguồn vốn do UBND huyện cấp: 450 triệu đồng; nguồn vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp: 440.636.000 đồng). Tổng số nguồn Quỹ tăng trưởng năm năm 2018 là 175 triệu đồng. Số vốn trên đã thực hiện 6 dự án, giải quyết cho 67 hộ vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.  

 Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, bà con ở xã Mường Và (huyện Sốp Cộp) đã chuyển đổi giống lúa nếp cũ sang trồng giống nếp tan Hin, tan Nhe cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lò Văn Dẩn, bản Nà Lốc (xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp), cho biết: Trước đây, gia đình tôi muốn phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập nhưng do không có vốn nên mọi việc chỉ dừng lại ở ý tưởng. Tháng 5.2017, từ đồng vốn ưu đãi 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay, gia đình tôi mua được 3 con lợn nái về nuôi. Nhờ được cán bộ Hội Nông dân và khuyến nông tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, đàn lợn phát triển rất tốt. Năm 2018, tôi xuất bán được 7 tạ lợn thịt và thu được 35 triệu đồng.

Trong hoạt động phối hợp với Ngân hàng Chính sách-Xã hội, Hội Nông dân huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả văn bản thoả thuận để giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Thường xuyên phối hợp chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); tập huấn, kiểm tra, giám sát các tổ TK&VV; khảo sát thẩm định hộ và giải ngân cho các hộ đề nghị vay vốn đảm bảo và kịp thời. Đến 31.12.2018, tổng dư nợ thông qua tổ chức Hội Nông dân là 94.824 triệu đồng, 72 tổ TK&VV với 2.877 hộ vay, dư nợ tăng 16.541 triệu đồng tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế gia đình.

Cùng với các hoạt động trên, Hội còn phối hợp với Trạm khuyến nông huyện chỉ đạo Hội nông dân các xã tích cực tuyên truyền hỗ trợ nông dân về chuyển giao khoa học - kỹ thuật và công nghệ cho nông dân vào quá trình sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, đặc biệt là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị; sản xuất nông sản sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm….

Vì vậy, đã giúp hội viên nông dân nâng cao nhận thức, biết ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền vận động hội viên nông dân chuyển đổi trồng giống lúa nếp cũ sang trồng giống nếp Tan Hin, tan Nhe mở rộng rộng diện tích gieo trồng đến 8/8 xã. Hiện nay, sản phẩm nếp tan Hin, tan Nhe đã được chính thức công nhận thương hiệu của nông dân huyện Sốp Cộp.

 Với việc đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật trong sản xuất, bước đầu huyện Sốp Cộp đã hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả thay thế cây ngô, cây sắn.

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện còn chỉ đạo Hội Nông dân cấp cơ sở duy trì các mô hình, như: 6 mô hình hộ nhóm ( trong đó: 3 mô hình nuôi trâu bò sinh sản, 2 mô hình nuôi ngựa sinh sản, 1 mô hình nuôi lợn sinh sản); 13 mô hình kinh tế hộ gia đình. Phối hợp với Trung tâm hỗ trợ Nông dân tỉnh khảo sát và lựa chọn xây dựng 1 mô hình hệ thống tưới nhỏ giọt vườn cây ăn quả tại bản Nà Mòn xã Mường Và.

Trong năm, Hội Nông dân huyện đã vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia các lớp tập huấn do khuyến nông tổ chức tập huấn tự nguyện cho người dân được 64 lớp có 3.242 lượt người tham gia. Nội dung tập huấn gồm: Tập huấn về kỹ thuật phòng chống đói rét cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật cưa đốn, ghép mắt cây ăn quả, chăm sóc sau khi ghép cải tạo vườn tạp; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, cây có múi; hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại cho lúa, cây trồng....

Phối hợp với các phòng chuyên môn Hội Nông dân tỉnh tổ chức được 3 hội nghị tập huấn tại huyện cho 190 cán bộ, hội viên, như: Hội nghị Hướng dẫn xây dựng, nhân diện mô hình trồng cỏ có hệ thống tưới ẩm nuôi nhốt trâu, bò sinh sản tại xã Nậm Lạnh; Hội nghị tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và hướng dẫn xây dựng mô hình nông dân tự quản bảo môi trường tại xã Dồm Cang, Hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm tại xã Sốp Cộp...

Có thể khẳng định, nhờ đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ, Hội Nông dân huyện Sốp Cộp đã giúp hội viên, nông dân biết ứng dụng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy KT-XH ở một huyện biên giới còn nhiều khó khăn như Sốp Cộp ngày càng khởi sắc.

 

Tuệ Linh