Trò chuyện với PV, anh Giàng Bả Sáo, Trưởng bản Pá Kạch, cho biết: Trước đây, do trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ nên tỷ lệ hộ nghèo trong bản còn khá cao.
Tuy nhiên, với tiềm năng diện tích đất đồi rộng hàng trăm ha, trong 10 năm trở lại đây, được sự định hướng từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân huyện Sốp Cộp, Ban Quản lý bản đã tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá để nâng cao thu nhập, góp phần làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo.
Hiện, cả bản có trên 1.200 con trâu, bò; hơn 100 con dê, điển hình như các hộ: Anh Giàng Bả Dua, Giàng A Ma, Giàng A Sênh, Sồng A Mai, Thào Chống Giạ, Giàng Ly Bó… có từ 20 - 40 con trâu, bò. Nhờ chăn nuôi đại gia súc, mỗi năm các hộ dân này có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Để có nguồn thức ăn chủ động cho đàn gia súc vào mùa đông, Ban Quản lý bản Pá Kạch đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất nương sản xuất kém hiệu quả sang trồng gần 10ha cỏ voi VA06.
Tận dụng nguồn nước ổn định quanh năm từ con suối Nậm Sọi, Bản Quản lý bản Pá Kạch còn vận động bà con khai hoang diện tích trồng lúa nước, giảm diện tích trồng lúa nương. Hiện, bản Pá Kạch có hơn 26ha lúa nước, năng suất đạt trên 2 tấn/ha/năm. Nhờ vậy, không còn hiện tượng thiếu đói vào mùa giáp hạt. Đặc biệt, thói quen phá rừng làm nương rẫy của người dân đã không còn.
Nhờ biết khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương trong phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân bản Pá Kạch đang ngày một no ấm, tỷ lệ hộ nghèo giảm hiện còn hơn 13,7%; 100% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và điện lưới quốc gia.
Hội viên nông dân Giàng Bả Dua, bản Pá Kạch - một trong những hộ nông dân điển hình trong phát triển chăn nuôi đại gia súc, chia sẻ: Gia đình tôi hiện có hơn 50 con trâu, bò. Mỗi năm, chỉ cần bán 3 con trâu, bò là thu về hơn 100 triệu đồng. Từ chăn nuôi đại gia súc, gia đình tôi không những thoát nghèo mà còn có của ăn của để. Không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc như trước đây. Bây giờ, cuộc sống khá giả hơn trước nên có thêm điều kiện để chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn.
Lão nông Thào Chống Giạ, bản Pá Kạch kể: Trước đây, gia đình tôi nuôi 2 con trâu, 2 con bò để phục vụ việc cày cấy. Sau đó, người dân trong bản được cán bộ Hội Nông dân, khuyến nông vận động tăng số lượng trâu, bò theo hướng hàng hoá để thoát nghèo; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ voi.
"Tin theo cán bộ, gia đình tôi cùng với bà con đã giảm diện tích nương rẫy để có thời gian phát triển chăn nuôi. Đến nay, gia đình tôi có hơn 40 con trâu, bò. Mỗi năm, gia đình bán một con trâu đực và một con bò đực là thu về từ 80 đến 100 triệu đồng. Chỉ cần bỏ vài triệu mua gạo là đủ ăn cả năm. Nuôi trâu, bò hiệu quả hơn làm nương rất nhiều", ông Giạ nói.
Tin rằng, với những định hướng đúng đắn, kịp thời trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, diện mạo nông thôn ở bản Pá Kạch sẽ ngày một chuyển mình.