Vốn Hội về, vùng cao Sốp Cộp đổi thay

Quốc Định Thứ năm, ngày 08/11/2018 05:00 AM (GMT+7)
Với phương châm “Sát cánh cùng hội viên nông dân trong phát triển kinh tế”, những năm qua, Hội Nông dân (ND) huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La tập trung hướng về cơ sở, giúp hội viên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo và làm giàu, trong đó Quỹ Hỗ trợ nông dân được xem như là một trong những công cụ, phương tiện quan trọng.
Bình luận 0

Tiếp vốn giúp dân nâng thu nhập

Sốp Cộp là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La, được tách từ huyện Sông Mã năm 2003, gồm 8 xã. Nằm cách TP.Sơn La 130km, có đường biên giới kéo dài 120km với tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Băng của Lào. Dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Lào. Dân cư thưa thớt, sản xuất chủ yếu thuần nông, cơ sở hạ tầng giao thông đi lại còn khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế, giao lưu trao đổi hàng hóa của người dân.

img

Huyện Sốp Cộp đang có thêm nhiều mô hình sản xuất của hội viên, nông dân.  Quốc Định

Xác định những khó khăn đó, những năm qua, Hội ND huyện Sốp Cộp luôn hướng về cơ sở, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, theo hướng sản xuất hàng hóa. Phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản suất.

Để giúp hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, hội đã vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân được trên 2 tỷ đồng, cho 67 lượt hộ nông dân vay, xây dựng 19 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết. Nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NNPTNT thông qua các tổ vay vốn, tạo điều kiện cho 2.877 hội viên vay với tổng dư nợ trên 96 tỷ đồng. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng 20 tấn phân bón, hơn 50 tấn giống ngô, lúa theo phương thức trả chậm cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn làm ăn, phát triển sản xuất, vươn lên.

Ông Lường Văn Thoản, bản Nà Mòn (xã Mường Và) chia sẻ: Từ những cây quýt cổ cứ ngỡ trồng để ăn chơi; khi được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn cách đốn cành, ghép mắt do Hội ND huyện tổ chức; tôi áp dụng tại khu vườn của mình, thành những giống quýt, cam mới và hiệu quả ngoài mong đợi. Sau 2 năm đầu tư, cây rất sai quả, không những thế, chất lượng quả còn thơm và ngon hơn hẳn. Từ đó, tôi liền mở rộng diện tích. Tiếng lành đồn xa, thương lái khắp nơi đổ về mua, giá bán từ 30.000 - 35.000đồng/kg, mỗi vụ thu hoạch gia đình thu lãi hơn một trăm triệu đồng.

Còn ông Vì Văn Thịnh, ở bản Cang Mường, từ những đồng vốn vay do Hội ND xã ủy thác với Ngân hàng NNPTNT, ông đã đầu tư mở rộng ao nuôi cá và mua cá giống. Nhờ sử dụng hiệu quả đồng vốn, đến nay ông đã sở hữu hơn 3.800m2 ao nuôi cá. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán hàng chục tấn cá ra thị trường, thu nhập hàng trăm triệu đồng, cuộc sống gia đình ổn định.

Xuất hiện nhiều mô hình hay

Hội ND huyện còn phát động phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, thu hút đông đảo hội viên tham gia, tạo thành phong trào sâu rộng trong nông dân. Ông Lường Văn Độ - Chủ tịch Hội ND huyện Sốp Cộp cho biết: Hội ND huyện Sốp Cộp hiện có 128 chi hội, 7.850 hội viên, chiếm 81% tổng số hộ làm nông nghiệp trong toàn huyện.

Với phương châm đồng hành cùng nông dân trong phát triển sản xuất, hội luôn tạo điều kiện cho hội viên giao lưu tìm hiểu, học hỏi và xây dựng các mô hình kinh tế mới đem lại hiệu quả cao. Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay cách làm tốt như: Mô hình nuôi thủy sản; trồng cây ăn quả trên đất dốc; nuôi trâu vỗ béo, nuôi bò, ngựa sinh sản…

Hàng năm, có hàng nghìn hội viên đăng ký phấn đấu trở thành hộ SXKD giỏi các cấp. Và hàng nghìn hộ được công nhận hộ SXKD giỏi, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển KTXH, giảm nghèo ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem