Clip: Lão nông người Mường có cuộc sống ấm no từ việc chăn nuôi bò
Chọn nuôi bò vỗ béo để phát triển kinh tế
Chúng tôi có dịp quay lại xã Song Pe, huyện Bắc Yên (Sơn La) vào những ngày đầu thu. Người dân nơi đây trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập của họ chủ yếu bằng các loại cây trồng ngắn ngày trên nương. Thời điểm này cũng là lúc người dân xứ Mường này bắt đầu vào vụ thu hoạch các loại cây trồng trên nương như: ngô sắn và các loại cây trồng khác... nhà thu nhiều thì cũng chỉ vài chục tấn. Mấy năm trở lại đây do đất đai canh tác nhiều dẫn đến bạc màu, cộng với đó giá cả nông sản ngày càng bấp bênh, khiến cho thu nhập của người dân ngày càng hạn hẹp. Đó là còn chưa kể thiên tai, dịch bệnh...
Không chịu khuất phục trước những khó khăn, quyết tâm tìm cho mình một hướng đi mới, làm giàu trên chính mạnh đất đã sinh ra. Ông Đinh Văn Tếnh, bản Chanh, xã Song Pe, huyện Bắc Yên (Sơn La), đã thành công với mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng.
Lùa đàn bò vào chuồng sau khi thả ngoài bãi về, ông Tếnh tâm sự: Trước kia gia đình ông cũng nghèo lắm, bữa no, bữa đói. Điều kiện cho con cái đi học cũng gặp không ít khó khăn. Kinh thế của gia đình chỉ phụ thuộc vào vài trăm m2 đất trồng sắn. Thế nhưng một luồng sinh khí mới đã đến với gia đình ông sau khi được đi thăm quan một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trên địa bàn, do phòng nông nghiệp huyện tổ chức. Với tính tò mò, ham học hỏi, ông Tếnh chịu khó quan sát, tìm hiểu về các mô hình kinh tế. Nhận thấy mô hình chăn nuôi bò vỗ béo phù hợp với điều kiện của gia đình, cộng với đó, trên địa bàn có bãi có tự nhiên phù hợp với việc chăn nuôi. Ông Tếnh đã bàn cùng với gia đình chuyển đổi hướng phát triển kinh tế sang chăn nuôi bò.
"Năm 2015, sau khi được đi thăm quan học hỏi một số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn, cùng với việc tham khảo trên sách, báo. Với số vốn tích góp của gia đình, tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua giống, phát triển mô hình nuôi bò vỗ béo. Việc chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế hơn, công chăm sóc cũng nhàn hơn và nhanh lấy lại vốn hơn. Sau nhiều năm chăn nuôi, gia đình tôi đã có của ăn của để, có điều kiện cho con cái đi học" ông Tếnh nói.
Bí quyết nuôi bò của lão nông vùng cao cho hiệu quả kinh tế cao
Chia sẻ bí quyết nuôi bò vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao, ông Tếnh cho biết: Muốn đàn bò sinh trưởng phát triển tốt, lớn nhanh, không bệnh tật, nhanh thu lời... khâu quan trọng nhất chính là việc chọn giống. Khi chọn giống, người nuôi cần chọn những con bò có độ tuổi từ 8-12 tháng tuổi, mông tròn, khung xương to, dáng cao. Những con bò giống đảm bảo các yếu tố trên, khi đem về chăn nuôi sẽ ăn khỏe, lớn nhanh và ít bệnh tật. Chỉ cần vỗ béo từ 8-10 tháng là có thể xuất bán bò thương phẩm.
Bên cạnh đó, phương pháp nuôi của gia đình ông Tếnh cũng khác biệt so với các hộ nuôi bò vỗ béo trong vùng. Gia đình ông nuôi bò vỗ béo bằng phương pháp bán chăn thả. Trong một tuần ông Tếnh sẽ cho đàn bò ra ngoài bãi 3-4 lần để tự kiếm ăn. Theo ông Tếnh lý giải, với phương pháp chăn nuôi như thế này, đàn bò sẽ khỏe mạnh hơn và kháng được bệnh tật cao hơn. Điều quan trọng là khi bò được chăn thả ngoài đồng, sẽ được tự do chạy, nhảy, bò sẽ đẹp, lông bóng, thịt săn chắc và bán được giá hơn.
"Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, gia đình tôi còn chuyển đổi gần 6.000m2 đất ruộng sang trồng cỏ voi và cây chuối. Đây cũng là nguồn thức ăn chính cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho đàn bò. Ngoài ra, để tăng cường lượng thức ăn cho đàn bò, gia đình tôi bổ sung thêm cám ngô, cám gạo…Gia đình thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn, môi trường xung quanh và tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho bò theo khuyến cáo của cán bộ thú y." ông Tếnh nói.
Hiện nay, gia đình ông Tếnh duy trì mỗi lứa nuôi từ 17-20 con bò. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn bò của gia đình ông lớn nhanh, được thương lái săn đón đặt hàng với mức giá cao, vì có chất lượng thịt thơm ngon. Cuối năm 2021, chỉ với 12 con bò bán đi, gia đình ông Tếnh đã thu về gần 160 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Pe, huyện Bắc Yên (Sơn La) Cho biết: Hiện nay, tổng đàn gia súc của xã được duy trì với tốc độ tăng trưởng khá, với trên 3.200 con trâu, bò; hơn 1.300 con dê và trồng được hơn 30 ha cỏ voi VA06 làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc.
Nhận thấy nhu cầu nuôi bò vỗ béo của bà con nông dân trên địa bàn xã Song Pe là một hướng đi phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền tạo điều kiện để người nông dân được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò; cách thiết kế chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, công tác vệ sinh, phòng bệnh trong chăn nuôi...
"Nhờ cần cù, ham học hỏi, tư duy đổi mới, chịu khó và biết tận dụng lợi thế về đất đai, cùng lòng quyết tâm làm giàu, mô hình nuôi bò vỗ béo của ông Tếnh rất đáng để học tập, nhân rộng. Ðây cũng là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi trâu, bò của huyện Bắc Yên, đem lại hiệu quả cho nông dân", ông Hiếu nói.