Clip: Trồng cỏ voi, diệt cỏ dại chăn nuôi đại đàn gia súc ở Yên Châu (Sơn La)
Mô hình trồng cỏ nuôi trâu, bò cho hiệu quả kinh tế cao ở Sơn La
Những năm trước đây, người dân huyện Yên Châu (Sơn La), quen với tập quán thả rông gia súc, chăn nuôi nhỏ lẻ và không áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi chưa trở thành hàng hóa. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là vào thời điểm giao mùa. Khiến cho việc phát triển đại đàn gia súc con chưa phát triển.
Những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi gia súc của huyện Yên Châu (Sơn La) đang có những bước chuyển biến khá mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã đầu tư trồng cỏ, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại. Từ đó, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, hạn chế rủi ro do dịch bệnh mà còn góp phần thúc đẩy chăn nuôi của huyện phát triển theo hướng bền vững.
Nhiều năm trước, gia đình bà Lò Thị Hạnh, bản Bó Phương (xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, Sơn La) chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2018, Nhận thấy đất đai rộng lớn, thuận lợi cho việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi cùng với lá mía của người dân thu hoạch sau mỗi vụ vứt thừa thãi, hoang phí. Bằng nguồn vốn của gia đình, cộng với số tiền vay từ họ hàng, bà Hạnh đã đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi bò vỗ béo bằng cách nuôi nhốt chuồng.
Gia đình hiện nuôi bò 3B vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng này đã được 3 năm. Hiện tại, trang trại này có 12 con bò, mỗi con ăn khoảng 50-60 kg cỏ/ngày. Để chủ động nguồn thức ăn hàng ngày cho đàn bò, gia đình bà Hạnh trồng thêm 0.7 ha cỏ voi và tích thêm rơm rạ, ủ cây ngô, ngọn mía trong kho làm thức ăn dự trữ. Vì vậy nguồn thức ăn cho đàn bò luôn được bảo đảm, không lo thiếu, kể cả trong suốt mùa đông lạnh giá. Với kỹ thuật nuôi bò vỗ béo bài bản, khoa học nên đàn bò của bà Hạnh lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá.
"Năm vừa rồi gia đình tôi bán được 8 con, bình quân mỗi con bán được từ 55- 70 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 200 triệu đồng. Từ khi chuyển sang nuôi bò vỗ béo, tôi thấy hiệu quả kinh tế, đồng thời còn giải quyết được tình trạng thả rông gia súc; tăng hiệu quả quản lý đàn trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh; tận dụng được nguồn phụ phẩm để tái đầu tư", bà Hạnh nói.
Còn đối với gia đình ông Lò Văn Châư, bản Huổi Pù (xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), năm 2012, sau khi được đi thăm quan, học hỏi một số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn, ông thấy mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của gia đình. Ông đã đầu từ xây dựng chuồng trại, bước đầu mua 5 con bò giống về nuôi. Vừa nuôi, vừa học hỏi trên sách báo, từ đó rút kinh nghiệm chăn nuôi cho bản thân. Sau một năm chăn nuôi thử nghiệm thành công, nhận thấy việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cho thu nhập nhanh, ổn định. Với số tiền tích góp của gia đình cùng với một phần vay mượn từ họ hàng, ông Châư đã đầu từ mở rộng khu chăn nuôi. Ông xây dựng thêm một dãy chuồng mới, duy trì một lứa nuôi từ 30-40 con trâu, bò. Trong một năm, gia đình ông bán trâu, bò thành 2 đợt, mỗi đợt bán từ 25-30 con; sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 300 triệu đồng.
"Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò; gia đình tôi đã chuyển đổi gần 1ha đất ruộng sang trồng cỏ voi và cây chuối. Đây là nguồn thức ăn chính cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho đàn trâu, bò. Ngoài ra, để tăng cường lượng thức ăn phong phú, chủ động, ông đã đi thu mua ngọn mía, rơm của các hộ khác về ủ làm thức ăn dự trữ để bò ăn dần", ông Châư nói.
Yên Châu nhiều giải pháp để phát triển đàn gia sức
Trao đổi với phóng viên, ông Trao đổi với phóng viên, ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Việc trồng cỏ, phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn giúp người chăn nuôi hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để góp phần giúp người dân trên địa bàn huyện phát triển các mô hình chăn nuôi, ngoài sự chủ động của người dân, huyện đã có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích như: Tạo điều kiện cho người dân vay vốn; quan tâm đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững…
Nhờ đó, chăn nuôi trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Hiện đàn gia súc toàn huyện Yên Châu có đàn trâu trên 7.540 con, bò 20.780 con. Toàn huyện hiện có 40 hộ chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại tập trung chủ yếu các xã: Chiềng Pằn, Chiềng Hặc, Lóng Phiêng, Yên Sơn...