dd/mm/yyyy

Sơn La: Phát triển chăn nuôi đại gia súc

Tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhiều nông dân ở Sơn La có thu nhập ổn định.

Clip: Sơn La phát triển chăn nuôi đại gia súc

Tận dụng lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Với tiềm năng, lợi thế đất đai, đồi núi rộng, tỉnh Sơn La có điều kiện phát triển chăn nuôi đại gia súc. Phát huy thế mạnh này, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn đã đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại.

Bên cạnh đó tỉnh Sơn La đã có nhiều chính sách khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với xây dựng nông thôn mới, giúp cho nhiều hộ dân có của ăn, của để.

Sơn La: Phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc - Ảnh 2.

Tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, thời gian qua, việc chăn nuôi đại gia súc đã giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Có thu nhập ổn định nhờ chăn nuôi đại gia súc.

Trước kia, bà Lò Thị Hạnh, bản Bó Phương, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La sinh sống chủ yếu bằng việc trồng ngô, trồng sắn. Nhưng do cây trồng trên nương không hiệu quả, trong khi chăn nuôi lợn lại lúc được lúc mất do dịch bệnh và giá lợn hơi thất thường. Do vậy, thu nhập kinh tế của gia đình tôi hạn hẹp, điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn.

Nhận thấy đất đai rộng lớn, thuận lợi cho việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi cùng với lá mía của người dân thu hoạch sau mỗi vụ vứt thừa thãi, lãng phí. Bằng nguồn vốn của gia đình, cộng với số tiền vay từ họ hàng, bà Hạnh đã đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi bò 3B vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng. Hiện tại, trang trại này có 12 con bò, mỗi con ăn khoảng 50-60 kg cỏ/ngày.

Sơn La: Phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc - Ảnh 3.

Mô hinh nuôi bò 3B của gia đình bà Lò Thị Hạnh, bản Bó Phương, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Văn Ngọc

"Để chủ động nguồn thức ăn hàng ngày cho đàn bò, tôi trồng thêm 0.7 ha cỏ voi và tích thêm rơm rạ, ủ cây ngô, ngọn mía trong kho làm thức ăn dự trữ. Vì vậy nguồn thức ăn cho đàn bò luôn được bảo đảm, không lo thiếu, kể cả trong suốt mùa đông lạnh giá", bà Hạnh nói.

"Đã có những con bán với giá trên 70 triệu đồng. Năm vừa rồi gia đình tôi bán được 8 con, bình quân mỗi con bán được từ 55- 70 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 200 triệu đồng", bà Hạnh nói.

Sơn La: Phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc - Ảnh 4.

Bò giống 3B nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật có thể đạt trọng lượng đến trên 1 tấn/con. Ảnh: Văn Ngọc

Còn đối với gia đình bà Lò Thị Thin, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La trước kia chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2016, gia đình anh đầu tư xây dựng chuồng trại với diện tích trên 200m2 chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.

Sơn La: Phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc - Ảnh 5.

Bà Lò Thị Thin, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La bổ xung thức ăn tươi cho đàn trâu, bò của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Mô hình chăn nuôi của gia đình bà Thin được chia thành nhiều ô, chuồng riêng biệt để nuôi nhiều lứa trâu, bò khác nhau. Trung bình gia đình bà nuôi vỗ béo đàn trâu, bò từ 20 con/lứa. Để đảm bảo nguồn thức ăn, bà Thin trồng 0,5 cỏ voi, đồng thời dự trữ rơm, cây ngô. Thu nhập từ chăn nuôi của gia đình bà từ 80-100 triệu đồng/năm.

"Để đàn bò phát triển khỏe mạnh, chóng lớn, điều quan trọng là làm chuồng trại đảm bảo thông thoáng về mùa hè, giữ ấm về mùa đông. Phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại để ngăn ngừa dịch bệnh; đặc biệt là tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho trâu, bò theo khuyến cáo của cán bộ thú y" bà Thin nói.

Sơn La: Phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc - Ảnh 6.

Người dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn trâu, bò.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La, tổng đàn trâu trên 123.400 con; đàn bò thịt gần 338.300 con; đàn bò sữa trên 29.150 con; đàn ngựa gần 6.400 con; đàn dê trên 168.600 con. Diện tích cỏ chăn nuôi đạt trên 10.300ha.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La thông tin: Sơn La xác định, chăn nuôi đóng vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp. Song, phát triển chăn nuôi phải sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đất đai, khí hậu, nước, bảo vệ môi trường sinh thái và phù hợp với quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, bảo đảm an ninh dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030.

Sơn La: Phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc - Ảnh 7.

Nuôi trâu, bò vỗ béo tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, chỉ sau vài tháng chăm sóc là có thể xuất bán. Ảnh: Văn Ngọc

Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền người dân chăn nuôi tập trung, theo hướng nông nghiệp thông minh, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị thông qua việc liên kết sản xuất, đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh