dd/mm/yyyy

Thuận Châu chú trọng phát triển chăn nuôi bền vững

Những năm gần đây, cùng với các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa.

Theo đó, huyện Thuận Châu đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho nhân dân về phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Triển khai thực hiện chính sách lựa chọn giống vật nuôi đủ tiêu chuẩn lai tạo với giống địa phương. 

Thuận Châu chú trọng phát triển chăn nuôi bền vững - Ảnh 1.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng cho hiệu quả kinh tế cao của người dân xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu. Ảnh: Mùa Xuân.

Khuyến khích các hộ chăn nuôi chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả,  sang trồng gần 600 ha cỏ voi VA06 làm nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm. Chuyển đổi từ thả rông sang nuôi nhốt gắn với bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng, đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống chăn nuôi. Tổng dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thực hiện đạt gần 1.600 tỷ đồng. Doanh số cho vay hơn 609 tỷ đồng, với hơn 2.200 hộ dân vay đầu tư mở rộng các mô hình chăn nuôi, như mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi trâu, bò, dê…

Là một trong những hộ chăn nuôi lợn lâu năm ở bản Sào Và (xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu), anh Lò Văn Thịnh, hiện đang nuôi hơn 100 lợn thịt, hơn 20 con lợn nái. Từ đầu năm đến nay, gia đình anh đã xuất chuồng gần 10 tấn lợn thịt, với giá 60 - 75 nghìn đồng/kg, thu về trên 600 triệu đồng.

Thuận Châu chú trọng phát triển chăn nuôi bền vững - Ảnh 2.

Mô hình nuôi vịt Cổ xanh của anh Đoàn Văn Trưởng, bản Nhộp, xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu. (Ảnh: Tuệ Linh).

Anh Thịnh, chia sẻ: Trong quá trình chăn nuôi, tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phòng chống dịch bệnh, xây dựng hệ thống hầm khí biogas góp phần tiết kiệm nhiên liệu cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó, hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng nên gia đình tôi chủ yếu tận dụng các loại thức ăn sẵn có và sạch, tại địa phương như: Bột ngô, sắn, rau, chuối và bã đậu… vừa giảm chi phí chăn nuôi, vừa tăng trọng lượng của đàn lợn.

Thuận Châu chú trọng phát triển chăn nuôi bền vững - Ảnh 3.

Trang trại chăn nuôi lợn của ông Lò Văn Thịnh, bản Sao Và, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu cho lãi 300 triệu mỗi năm. Ảnh: Mùa Xuân.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn cử cán bộ thú y trực tiếp xuống các xã, thị trấn triển khai tiêm hàng chục ngàn liều vaccine theo hướng xã hội hóa. Đầu năm đến nay đã tiêm phòng hơn 28.700 liều vaccine tụ huyết trùng trâu, bò. Cấp hơn 2.500 liều hóa chất (Bengluxide, Benkocid, Han iodine), hơn 250 bộ đồ bảo hộ phục vụ hoạt động tiêu hủy, tiêu độc khử trùng cho các xã có dịch và các xã có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò... Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát. Thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; động vật vận chuyển và lưu thông trên địa bàn huyện.

Thuận Châu chú trọng phát triển chăn nuôi bền vững - Ảnh 4.

Đến nay, huyện Thuận Châu có hàng trăm ha cỏ voi để phục vụ cho chăn nuôi đại gia súc. Ảnh: Mùa Xuân.

Đến nay, toàn huyện Thuận Châu có hơn 10.000 con trâu, gần 48.000 con bò, hơn 52.500 con lợn, gần 700.000 con gia cầm các loại. Bên cạnh đó, chăn nuôi thủy sản được người nông dân chú trọng, với diện tích 378 ha ao cá, hơn 900 lồng cá

Thuận Châu chú trọng phát triển chăn nuôi bền vững - Ảnh 5.

Mô hình nuôi dê của gia đình bà Và Thị Máy ở bản Cửa Rừng, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu. Ảnh: Mùa Xuân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hữu Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu, cho biết: Để phát triển chăn nuôi bền vững, trong thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y. 

Chủ động kiểm tra, theo dõi giám sát tình hình bệnh dịch gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện. Hướng dẫn người dân vệ sinh khu vực chăn nuôi, phun tiêu độc khử trùng, chủ động công tác phòng, chống các loại bệnh dịch nguy hiểm, như: Viêm da nổi cục trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi... Đồng thời, nhân rộng, khuyến khích các hộ dân chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại và trồng cỏ gắn với nuôi nhốt, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Mùa Xuân