dd/mm/yyyy

Phù Yên (Sơn La): Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc

Chăn nuôi trâu, bò là một thế mạnh, nhất là ở các xã vùng cao. Huyện Phù Yên (Sơn La) chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.

Huyện Phù Yên (Sơn La) chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc

Sơn La thiệt hại nặng nề, gia súc bị chết do đói, rét trong các đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2022.

Trong đợt rét đậm, rét hại, băng giá kéo dài trên địa bàn tỉnh Sơn La trong 3 ngày (từ ngày 19-25/2/2022), tỉnh Sơn La là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề, với gần 2.000 con gia súc chết rét, thiệt hại hơn 20 tỷ đồng, riêng huyện Phù Yên (Sơn La) thiệt hại 33 con gia súc bị chết rét, thiệt hại hơn 500 triệu đồng, tuy thiệt hại ít hơn so với địa phương khác trong tỉnh, nhưng các ngành chức năng huyện Phù Yên (Sơn La) đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc vào mùa đông năm nay.

Phù Yên (Sơn La): Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc - Ảnh 1.

Trong đợt rét đậm, rét hại từ ngày 19-25/2/2022 tỉnh Sơn La chịu thiệt hại nặng nề về gia súc. Ảnh: PV

Huyện Phù Yên (Sơn La) chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Nguyễn Bá Tú, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên (Sơn La) cho biết: Hiện nay, toàn huyện có gần 48.000 con trâu, bò. Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc đã được các hộ gia đình chú trọng phát triển theo hướng kinh tế hộ. Phần lớn các hộ chăn nuôi gia súc đã thay đổi cách thức chăn nuôi từ thả rông sang làm chuồng nuôi nhốt; đồng thời, chủ động các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc, hạn chế số gia súc chết đói, chết rét trong mùa đông.

"Tuy nhiên, để người dân nắm được kiến thức, kỹ thuật trong việc bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi tăng cường cách thức và các biện pháp tăng sức đề kháng, phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Trung tâm cũng đã cử cán bộ xuống các xã, nhất là các xã vùng cao, hướng dẫn bà con che chắn chuồng trại và chủ động dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi trong những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, di chuyển đàn gia súc ra khỏi khu vực núi cao, không thả rông,...", ông Tú nói.

Xác định chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia súc nói riêng là một thế mạnh của huyện, nhất là ở các xã vùng cao, chính vì vậy, để đàn gia súc phát triển ổn định, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do tác động của thời tiết, trước khi mùa đông đến, các ngành chức năng của huyện Phù Yên (Sơn La) vận động, hướng dẫn các chủ hộ chăn nuôi trồng các loại cây cỏ voi, cây ngô sinh khối và các phụ phẩm nông nghiệp.... để cung cấp thức ăn tươi, xanh giàu dinh dưỡng hàng ngày và dự trữ để cung cấp thức ăn vào mùa đông cho đàn gia súc. Năm 2022 toàn huyện Phù Yên (Sơn La) đã trồng được hơn 450 ha cỏ voi, 200 ha ngô sinh khối. Ngoài việc dự trữ thức ăn xanh, giàu dinh dưỡng thì các hộ chăn nuôi còn chủ động dự trữ nguồn thức ăn tinh như: cám gạo, bột ngô, bột sắn...

Phù Yên (Sơn La): Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc - Ảnh 2.

Năm 2022 toàn huyện Phù Yên (Sơn La) đã trồng được hơn 450 ha cỏ voi. Ảnh: Văn Ngọc

Phù Yên (Sơn La): Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc - Ảnh 3.

Năm 2022 toàn huyện Phù Yên (Sơn La) đã trồng được hơn 200 ha cây ngô sinh khối. Ảnh: Nguyễn Vinh

Ông Nguyễn Văn Huân, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên (Sơn La) cho biết: Từ đầu mùa đông đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 27 lớp tập huấn biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện với 1.530 lượt người tham gia; phối hợp với các xã tổ chức được 14 lớp tập huấn phương pháp ủ chua thức ăn cho trâu bò với trên 400 người tham gia. Dự kiến trong năm 2022 sẽ mở 30 lớp tập huấn chương trình này.

Phù Yên (Sơn La): Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc - Ảnh 4.

Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên (Sơn La) hướng dẫn ủ chua cỏ voi. Ảnh: Nguyễn Vinh

Chị Ma Thị Hòa, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên (Sơn La) chia sẻ: Trong mùa đông, bên cạnh các nguồn thức ăn khô và các loại cỏ tươi thì việc ủ chua thức ăn cho trâu bò từ các phụ phẩm nông nghiệp là một mô hình hay, với nguyên vật liệu đơn giản, phong phú, đa dạng và sẵn có như: rơm rạ, thân cây ngô, cây sắn sau thu hoạch, các loại cỏ, cây trồng vụ đông….Cách ủ chua rất đơn giản, bà con dễ dàng thực hiện.

Chị Hòa cho biết thêm: Để ủ chua thức ăn dự trữ cho gia súc thì dùng cỏ voi, thân, lá cây ngô sau thu hoạch, rơm rạ, ngọn lá sắn...không bị thối hỏng, bột ngô hoặc bột cám gạo... không bị ẩm, mốc và muối ăn trộn đều với nhau theo tỷ lệ. Tùy theo điều kiện kinh tế và điều kiện của từng hộ chăn nuôi, địa phương mà có thể sử dụng hố xây hoặc hố đào có lót bạt hay dùng túi ủ chuyên dụng để ủ. Thời vụ ủ chua có thể ủ quanh năm, nhưng để dự trữ thức ăn cho vụ đông thì tiến hành ủ từ tháng 9-11 dương lịch. Nguồn thức ăn này có thể bảo quản trong thời gian dài, hơn nữa mang lại cho gia súc nguồn dinh dưỡng dồi dào, tiết kiệm chi phí cho người chăn nuôi.

Xã Huy Bắc (Phù Yên, Sơn La) hiện có trên 1.000 con trâu bò. Vừa qua, xã đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật ủ chua thức ăn cho trâu bò tại bản Sáy Tú. Sau khi được hướng dẫn ủ chua thức ăn cho gia súc từ các loại cỏ, phụ phẩm nông nghiệp...nông dân không còn tình trạng đốt rơm rạ ngay ngoài đồng, mà tận dụng để dự trữ thức ăn cho gia súc. Các hộ có trâu bò đều có một cây rơm đảm bảo cho trâu, bò ăn trong những ngày giá rét.

Phù Yên (Sơn La): Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc - Ảnh 5.

Hộ chăn nuôi tại xã Huy Bắc (Phù Yên, Sơn La) dự trữ rơm khô làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Nguyễn Vinh

Phù Yên (Sơn La): Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc - Ảnh 6.

Rơm khô, phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Nguyễn Vinh

Được cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tận tình hướng dẫn cách ủ chua thức ăn từ cỏ voi và phụ phẩm nông nghiệp như rơm, cám gạo, cám ngô, người dân có thêm kiến thức để phòng đói rét cho trâu bò trong mùa đông.

Anh Thào A Lềnh, một trong những hộ có đàn trâu bò nhiều nhất của bản Sáy Tú, xã Huy Bắc (Phù Yên, Sơn La) phấn khởi nói: Trước đây gia đình tôi không biết, chăn nuôi tự nhiên, trồng được cỏ voi chỉ biết cắt về cho trâu bò ăn, mà chưa biết dự trữ cỏ tươi cho mùa đông. Hôm nay được cán bộ hướng dẫn, tôi thấy cách ủ chua thức cho trâu bò rất hay, dễ thực hiện, vừa để được lâu, vừa có thức ăn cho trâu, bò ăn trong mùa đông, không lo trâu bò bị đói.

Phù Yên (Sơn La): Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc - Ảnh 7.

Hướng dẫn cách ủ chua thức chăn nuôi trâu, bò tại bản Sáy Tú xã Huy Bắc (Phù Yên, Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Anh Đinh Văn Mừng, trưởng bản Lềm, xã Huy Tân (Phù Yên, Sơn La) cho biết: Gia đình anh nuôi bò thịt và bò sinh sản từ nhiều năm nay. Ý thức được việc bảo vệ đàn bò trong mùa đông, anh đã xây chuồng nuôi nhốt, che chắn kín gió, trồng khoảng 600m2 cỏ voi. Sau mỗi vụ thu hoạch, anh đều thu gom rơm khô của gia đình hoặc các hộ không chăn nuôi để làm thức ăn dự trữ cho đàn bò. Để tăng sức đề kháng và dinh dưỡng cho đàn gia súc trong mùa đông, ngoài cỏ voi, anh còn hòa nước muối tưới và rơm khô, bổ sung thêm thức ăn tinh như: bột ngô, cám gạo. Khi được tập huấn cách ủ chua thức ăn cho gia súc bằng chế phẩm nông nghiệp, anh thấy cũng đơn giản, dễ thực hiện.

"Ngoài việc áp dụng tại gia đình, anh sẽ tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi trâu bò trong bản thực hiện phương pháp này để đàn gia súc phát triển ổn định", anh Mừng nói.

Phù Yên (Sơn La): Chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc - Ảnh 8.

Hướng dẫn cách ủ chua thức chăn nuôi trâu, bò tại bản Lềm, xã Huy Tân (Phù Yên, Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn và các xã, sự chủ động của các hộ chăn nuôi, công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc trên địa bàn huyện Phù Yên (Sơn La) đã và đang được thực hiện tốt. Theo dự báo, các đợt rét đậm, rét hại sẽ xuất hiện vào đầu tháng 12, cao điểm vào tháng 1 và tháng 2. Các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần khuyến cáo các hộ chăn nuôi không lơ là, chủ quan, chủ động theo dõi thời tiết để kịp thời có các biện pháp ứng phó hiệu quả, bảo vệ tốt đàn gia súc.

Nguyễn Vinh - Văn Ngọc