Các giải pháp hỗ trợ nghề nuôi cá lồng phát triển
Những năm qua, nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sơn La đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho bà con các dân tộc thiểu số sinh sống ven lòng hồ sông Đà. Nhiều hộ dân ở xã ven lòng hồ thuộc (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) đã có nguồn thu nhập cao và vươn lên thoát nghèo từ việc nuôi cá trên lồng.
Với mục tiêu đưa nghề nuôi cá lồng trở thành ngành kinh tế nông nghiệp chủ lực, phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, huyện Quỳnh Nhai đã đưa ra nhiều chính sách phát triển nuôi cá lồng, như: Quy hoạch bố trí khu vực nuôi phù hợp, thuận lợi, gắn với các điểm phát triển du lịch tại một số xã ven sông như Chiềng Bằng, Chiềng Ơn, Mường Chiên, Mường Sại… Đổi mới phương thức sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm. Hỗ trợ kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc phòng dịch bệnh, tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại các khu vực nuôi. Đồng thời khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực thủy sản; phát triển nuôi gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo đa dạng sinh học vùng lòng hồ…
Huyện Quỳnh Nhai có trên 10.000ha mặt nước vùng hồ thủy điện Sơn La, với trên 200ha ao hồ nuôi thủy sản. Từ lợi thế đó, nghề nuôi cá lồng ở huyện Quỳnh Nhai đang phát triển mạnh, đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 57 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 1 Liên hiệp hợp tác xã thủy sản sông Đà Sơn La. Trong đó có 46 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thủy sản với gần 7.000 lồng cá, 11 hợp tác xã trồng trọt, 10 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp.
Theo ông Hoàng Tiến Cường Quỳnh Nhai, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai: Để tìm đầu ra cho sản phẩm, huyện luôn khuyến khích các hộ nuôi cá liên kết sản suất theo nhóm hộ thành các HTX, không sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để thuận lợi cho việc định hướng đầu ra. Đồng thời, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm cá với thị trường trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy tạo chỉ dẫn địa lý cho cá sông Đà trên địa bàn huyện.
Ngoài ra huyện cũng tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn, hướng dẫn người dân trên địa bàn sản xuất theo hướng nuôi cá sạch, tiêu chuẩn VietGap, sử dụng thức ăn sẵn có như cá tép sông, sắn, cỏ voi, cây chuối… tạo thương hiệu riêng đối với cá sông Đà, nâng cao uy tín với người tiêu dùng. Nhờ vậy mà những năm gần đây, thương hiệu về sản phẩm cá sông Đà của huyện ngày càng có uy tín trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Với việc duy trì và phát triển nhãn hiệu sản phẩm cá sông Đà, đã góp phần tạo điều kiện cho bà con yên tâm gắn bó với nghề nuôi cá. Đồng thời, giúp người dân nâng cao nguồn thu nhập ổn định, qua đó đưa nông dân thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Nhiều hộ thoát nghèo
Trong những năm qua, nhiều nông dân ở xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) đã có cuộc sống khấm khá, thậm chí giàu lên nhờ nuôi cá lồng bè trên vùng lòng hồ sông Đà. Gia đình anh Lềm Văn Sơn, bản Bung là một trong những hộ tiên phong nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ sông Đà và có thu nhập ổn định từ nghề này.
Anh Sơn cho biết: "Gia đình tôi bắt đầu với nghề nuôi cá lồng từ năm 2012. Nhờ nuôi cá lồng mà gia đình tôi từ khó khăn, giờ đã có kinh tế ổn định. Trước đây, do canh tác nương rẫy, trồng ngô, trồng sắn không hiệu quả, nhìn ra mặt hồ rộng lớn mà không biết làm gì. Qua tìm hiểu thông tin trên sách báo, tivi thấy nhiều nơi nuôi cá lồng rất hiệu quả. Thấy vậy tôi bàn với gia đình đầu tư hơn 50 triệu đồng làm 8 lồng nuôi cá".
Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, tích cực tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn cách nuôi, chỉ sau thời gian ngắn anh Sơn đã thuần thục cách nuôi cá lồng. Đến nay, anh Sơn đã có 16 lồng cá, bình quân mỗi lồng nuôi từ 1 tấn – 1,5 tấn cá, ước tính mỗi năm anh xuất bán từ 5 tấn - 6 tấn cá, giá bán giao động từ 100.000 đồng/kg – 120.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí mỗi năm anh thu lãi gần 200 triệu đồng.
Anh Lò Văn Huấn, bản Bung kể: Thời gian đầu tôi thấy bà con dân bản nuôi cá lồng cho lãi lớn nên tôi học theo, rồi đầu tư làm 2 lồng bằng tre nuôi thử. Để cá phát triển tốt và khỏe mạnh, tôi đến học hỏi kinh nghiệm của các hộ trong bản, nhờ vây mà đàn cá không bị dịch bệnh. Lứa đầu tiên tôi bán được trên 24 triệu đồng, thấy hiệu quả tôi tiếp tục mở rộng quy mô nuôi. Bằng số vốn tích góp, tôi tiếp tục đầu tư mua vật liệu làm lồng kiên cố bằng sắt thay cho lồng tre, nứa, mỗi năm làm tăng thêm vài lồng. Đến nay, gia đình tôi đã có 44 lồng cá và nuôi các loại cá như: Cá chép, trắm, lăng, nheo và rô phi. Thu nhập của gia đình tôi không ngừng tăng lên theo từng năm, giờ đây cuộc sống của gia đình đã có của ăn của để.
Chiềng Ơn là xã vùng cao của huyện Quỳnh Nhai, những năm trước đây đời sống người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào trồng ngô, khoai, sắn là chủ yếu. Do vậy, đa phần các hộ đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp. Từ khi được huyện, xã tuyên truyền về lợi ích kinh tế của việc nuôi cá lồng mang lại, sau đó bà con bắt đầu nhận thức rõ và chuyển sang phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Sau nhiều năm nuôi cá lồng trên lòng hồ, bà con các dân tộc trên địa bàn xã Chiềng Ơn đã nguồn thu từ 100 triệu – 400 triệu đồng. Nhờ vậy, mà cuộc sống người dân lòng hồ ở xã Chiềng Ơn đã có sự đổi thay rõ rệt. Nhiều nông hộ từ chỗ hoàn cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất nay đã từng bước vươn lên thoát nghèo và có của ăn của để.
Trao đổi với PV, anh Lò Văn Sơn, xã Chiềng Ơn tâm sự: Trước đây thu nhập của gia đình tôi phụ thuộc vào nương rẫy, thu nhập rất bấp bênh, nợ nần chồng chất. Nhờ sự quan tâm tuyên truyền vận động của xã, huyện, tôi chuyển sang nuôi 30 lồng cá để phát triển kinh tế. Khác với các hộ nuôi cá lồng trong xã, tôi chỉ nuôi lăng là chủ yếu. Tôi nuôi cá khoảng 4 năm thì đã trả được hết nợ, xây được nhà cửa khang trang. Tôi có cơ ngơi như ngày hôm nay, tất cả là nhờ nuôi cá lồng, tính đến nay tôi đã gắn bó với nghề nuôi cá được gần 12 năm. Tôi thấy nuôi cá lồng đỡ vất vả hơn làm nương rẫy, thu nhập lại cao, đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định. Bình quân 1 năm gia đình tôi thu nhập từ bán cá gần 350 triệu đồng, gấp 4 lần làm nương trước đây.
Không chỉ riêng xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn phát triển nghề nuôi cá lồng mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho bà con các dân tộc. Tại các xã Pá Ma Pha Khinh, Cà Nàng, Mường Chiên, Mường Giàng... nghề nuôi cá lồng cũng đang là phao cứu sinh, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và làm giàu. Hiểu rõ được tiềm năng thế mạnh về diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà, những năm qua UBND huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã phối hợp với Chi cục thủy sản tỉnh Sơn La tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hộ dân tham gia. Các học viên chủ yếu là nông dân, hợp tác xã vùng lòng hồ thủy điện như: Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Cà Nàng, Mường Chiên, Mường Giàng, Mường Sại... tham gia công tác tập huấn tuyên truyền chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng trên lòng hồ phát triển kinh tế.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo huyện Quỳnh Nhai, nhiều hộ dân trên lòng hồ sông Đà thuộc huyện Quỳnh Nhai đã gặt hái được nhiều thành công trong việc nuôi cá lồng phát triển kinh tế, như: Chép, trắm cỏ, rô phi, diêu hồng, lăng, trôi... Nhờ chuyển sang nuôi cá lồng, cuộc sống kinh tế của các hộ gia đình ven lòng hồ sông Đà ngày càng dư giả và sung túc.
"Để nghề nuôi cá lồng phát triển, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được vay vốn đầu tư theo chính sách của tỉnh, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia để người nghèo được vay vốn nuôi thủy sản. Đồng thời, tiến tới xây dựng cơ sở sản xuất giống thủy sản và xây dựng các bến cá, chợ cá... Tiếp tục phối hợp và thu hút các doanh nghiệp thu mua sản lượng cá cho bà con theo đúng giá cả thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao nguồn thu nhập và giảm nghèo tại các cơ sở". Ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai thông tin thêm.
Có thể nói nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà thuộc huyện Quỳnh Nhai đã và đang cho thấy những hiệu quả tích cực về kinh tế. Tuy nhiên để nghề nuôi cá lồng phát triển đồng bộ hơn nữa, chính quyền địa phương cần phối hợp với các đơn vị đầu mối, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ để tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con vùng lòng hồ khai thác tốt lợi thế về mặt nước. Tạo điều kiện cho nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sông nước giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương.